MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên nhân làm cổ phiếu tụt dốc 7 phiên

Mất gần 50 điểm với 7 phiên giảm liên tục, Vn-Index có đợt giảm điểm dài nhất kể từ đầu năm dù ngay trước đó thông tin về gói kích thích kinh tế trị giá 29.000 tỷ đồng vừa được công bố.

Phiên giao dịch ngày 17/5 đánh dấu chuỗi giảm điểm dài nhất của chỉ số sàn TP HCM khi Vn-Index có 7 phiên liên tiếp thoái lui, mất tổng cộng gần 50 điểm. Chỉ số này rơi từ mức đỉnh 488 điểm thiết lập ngày 8/5 xuống 442 điểm. Thanh khoản sàn HOSE cũng xuống thấp nhất trong vòng một tháng qua với chỉ 77 triệu cổ phiếu được sang tay. Trước đó, thông tin ban đầu về gói kích thích kinh tế trị giá 29.000 tỷ đồng được công bố ngày 4/5 và đến 9/5 chỉ số chứng khoán bắt đầu giảm.

Nhận xét về chuỗi giảm 7 phiên, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, đây là đợt điều chỉnh mang tính kỹ thuật bởi trước đó cổ phiếu đã tăng hơn 4 tháng. Vị lãnh đạo này phân tích, các tin tốt về vĩ mô chưa xuất hiện thêm, giá đã tăng liên tục một thời gian dài nên điều chỉnh là bình thường. Thêm vào đó, dòng tiền thực vào thị trường chưa nhiều nên giá cổ phiếu không thể tăng liên tục.

Ông Quách Mạnh Hào - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long cho rằng, sau một đợt tăng điểm dài hơi, nhà đầu tư cần có thời gian làm quen và điều chỉnh với mặt bằng giá cao. Quá trình này có thể kéo dài 1-2 tuần, ông Hào dự báo. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, triển vọng chung của thị trường vẫn tốt thể hiện ở thanh khoản trong 7 phiên giảm vẫn ở mức trên 1.000 tỷ đồng tại HOSE.

Cùng cho rằng tình hình chưa đến mức báo động khi Vn-Index giảm 7 phiên liên tục, nhưng ông Nguyễn Quang Bảo - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt đưa ra một số cảnh báo về chỉ số cơ bản. Thứ nhất, thời gian gần đây, các thông tin về doanh nghiệp phá sản, đóng cửa hoạt động liên tục xuất hiện, kèm theo tín dụng 4 tháng tăng trưởng âm 1,71%. Bên cạnh đó, lãi suất công bố giảm nhưng doanh nghiệp tiếp tục phản ánh không thể vay vốn vì hàng tồn không bán được nên chưa có nhu cầu.

Thứ hai, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết quý I không khả quan, và triển vọng công bố quý II cũng tương tự. Ngoài ra, ông Bảo cũng nêu thêm 2 nhân tố mang tính kỹ thuật của thị trường. Thứ nhất, lượng vốn cho vay margin của các công ty chứng khoán dành cho nhà đầu tư đã đến ngưỡng và không thể tăng thêm. Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong nhiều phiền gần đây.

Ông Phạm Kinh Luân - chuyên gia chứng khoán độc lập (nguyên Giám đốc Khối Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Kenaga) thì cho rằng, nhà đầu tư đã có cái nhìn khác đi sau các thông tin công bố gần đây. "Nhiều công ty niêm yết công bố chuyển hướng kinh doanh vì ngành chính thua lỗ nặng như từ bất động sản sang thủy sản, cảng biển sang trồng cao su... Khi ngành chính làm không tốt thì hướng mới trong điều kiện kinh tế suy thoái còn khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, tiếp tục lạc quan về giá cổ phiếu là khó", ông Luân nói.

Chuyên gia này cũng nói thêm, khi thông tin về gói kích thích kinh tế 29.000 tỷ đồng được công bố, nhiều nhà đầu tư nhận thức rõ rằng, không có chuyện cứu như năm 2009, mà sẽ có sự đào thải và chọn lọc. Thông tin này cộng với việc hàng loạt công ty dự kiến hủy niêm yết cho thấy, nhà đầu tư phải cẩn trọng với xu hướng tăng giá chứ không thể kỳ vọng quá mức.

Ngoài ra, ông Luân cho rằng, với một số cổ phiếu, thị trường tăng hoặc giảm do tác động của những "nhà đầu tư dẫn dắt" (đội lái). Những cổ phiếu dạng này sau khi tăng liên tục cũng đến lúc phải giảm theo "điều chỉnh kỹ thuật".

Chủ tịch một công ty chứng khoán lớn ở Hà Nội chia sẻ, mấy tháng gần đây, đầu tư vào cổ phiếu giống hệt như chơi vàng. "Chơi cổ phiếu biến động chẳng khác gì đánh bạc. Thêm vào đó là việc các tay chơi lớn nhập cuộc mạnh khi thị trường có sóng càng khiến cho yếu tố cơ bản của cổ phiếu chỉ làm bình phong", vị này nói.

Phân tích thêm về đợt giảm giá 7 phiên liên tục, vị này cho rằng, với một số cổ phiếu, không loại trừ khả năng đánh xuống của các tay chơi lớn khi họ thấy những yếu tố cơ bản cho tăng giá chưa xuất hiện và khả năng tuột dốc mạnh cũng khó xảy ra.

Trong khi đó, khối phân tích của Công ty chứng khoán Kim Eng nhận định vào ngày 17/5: "Thị trường đã có phần điềm tĩnh hơn sau vài phiên bán tháo mạnh. Tuy nhiên, động thái của các nhà đầu tư còn rất dè dặt. Chúng tôi cho rằng, thị trường đang ở gần một đợt phục hồi kỹ thuật nhưng e ngại về tính bền vững". Chuyên gia của Kim Eng cho rằng, trên phương diện kỹ thuật, dấu hiệu xấu đưa ra khi mức đáy thấp hơn được tạo lập. Hiện tại, mức hỗ trợ gần nhất của Vn-Index là 440 điểm, HNX-Index là 72 điểm.

Còn theo nhận định của Công ty chứng khoán FPT (FPTS), về mặt kỹ thuật, các chỉ báo đa số ủng hộ cho xu hướng đi xuống trong ngắn hạn và áp lực giảm điểm vẫn ở mức cao. Ngoài ra, khối lượng giao dịch có xu hướng giảm dần theo đà rơi của thị trường cũng mang đến tín hiệu khá tiêu cực về khả năng hồi phục những phiên giao dịch tiếp theo.

Khối phân tích của FPTS bổ sung, khi chưa có thêm thông tin vĩ mô tích cực hỗ trợ, việc Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội không đồng ý với đề xuất miễn thuế với một số đối tượng của Chính phủ sáng 17/5 sẽ góp phần khiến thị trường tiếp đà giảm điểm tiêu cực. Cùng với đó, thanh khoản sụt giảm mạnh (giá trị giao dịch ngày 17/5 thấp nhất kể từ khi bắt đầu giảm điểm là 9/5) cho thấy lực cầu vẫn e dè, nên khả năng thị trường đảo chiều là khó xảy ra. FPTS khuyến cáo, nhà đầu tư nên giữ chiến thuật cẩn trọng, tăng cường tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu nếu chưa xuất hiện cơ sở chắc chắn cho xu thế phục hồi.

Theo Quỳnh Anh – Thùy Chi
VnExpress

phuongmai

Từ Khóa:
Trở lên trên