MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư lạc quan, doanh nghiệp thận trọng

Tính đến 10/2/2014, đã có hơn 450/679 công ty niêm yết trên 2 sàn công bố Báo cáo tài chính quý IV/2013 với kết quả lợi nhuận của các công ty đạt 22.400 tỷ đồng trong khi tổng lỗ là 2.400 tỷ đồng

Chứng khoán tiếp tục tăng mạnh, nhà đầu tư (NĐT) lạc quan, tiền vẫn đổ vào như nước, còn doanh nghiệp (DN), những người xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, thì khá cầm chừng. Thực tế, có rất nhiều đơn vị còn thận trọng, xây dựng kế hoạch tăng trưởng thấp, trước những khó khăn của thị trường.

Sự phục hồi cũng như tín hiệu lạc quan đã được phản ánh thông qua VN-Index. VN-Index đã tiếp tục tăng tốc và lần đầu tiên vượt 570 điểm sau nhiều năm sụt giảm.

Thực tế, DN cũng bớt khó khăn hơn khi lãi suất giảm, vay nợ giảm, huy động vốn dễ hơn, lạm phát đứng ở mức thấp và dự báo sẽ không có biến động lớn trong năm 2014.

Một tín hiệu khả quan là sức tiêu dùng có tín hiệu phục hồi, là trọng tâm để DN xây dựng kế hoạch kinh doanh cho chu kỳ mới, nhưng nhiều đơn vị vẫn khá thận trọng và kỳ vọng khá dè dặt.

Lớn mạnh trong gian khó

Trong khó khăn, hàng loạt các DN lớn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu, lợi nhuận như VNM, HPG, HSG, GAS, REE... Rất nhiều DN chìm ngập trong khó khăn đã nhanh chóng thoát lỗ như LGC, VHG; vượt kế hoạch mạnh mẽ như TRC, TCM, PVT, PET, LHC, SZL, NHS, FIT, CNG...

Theo đó, tính đến 10/2/2014, đã có hơn 450/679 công ty niêm yết trên 2 sàn công bố Báo cáo tài chính quý IV/2013 với kết quả lợi nhuận của các công ty đạt 22.400 tỷ đồng trong khi tổng lỗ là 2.400 tỷ đồng. Trong đó, VNM đã tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, đạt lần lượt 30.950 tỷ và 6.534 tỷ đồng, vượt trội trên thị trường.

Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cũng có lợi nhuận tăng vọt 37% so với năm trước, đạt 1.114 tỷ đồng. Riêng trong quý IV/2013, công ty mẹ PVS phát sinh khoản thu nhập khác 109,5 tỷ đồng, bao gồm chênh lệch giữa thực hiện nghiệp vụ hoàn nhập chi phí dự phòng sửa chữa Riser của tàu FSO5 và trích lập chi phí dự phòng của dự án Bio Ethanol Dung Quất.

Dược Hậu Giang cũng đạt lợi nhuận sau thuế ấn tượng gần 600 tỷ đồng, có sự đóng góp lớn từ chuyển nhượng nhãn hiệu tất cả các sản phẩm dược và thực phẩm chức năng Eugica cho Mega vào giữa năm 2013.

Còn HSG đạt mức tăng trưởng lên đến 58% so với năm 2012, nhờ 50% lợi nhuận từ đầu cơ nguyên liệu đầu vào. Với kết quả này, cả HSG và DHG đều vượt lợi nhuận lần lượt là 45% và 37% kế hoạch năm đã đặt ra.

Một số DN khác có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến là do kết quả kinh doanh của những năm trước thấp hoặc thua lỗ nên mới có sự tăng trưởng lớn. VHL là một điển hình khi đạt lãi sau thuế gần 51 tỷ đồng, cao gấp 159 lần so với năm 2012. Công ty bất ngờ vượt 40% chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, EPS năm 2013 cũng tăng mạnh từ 35 đồng lên 5,636 đồng.

KLS đạt lợi nhuận sau thuế 2013 ở mức hơn 138 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2012, riêng trong quý IV/2013 KLS được hoàn nhập gần 15 tỷ đồng chi phí hoạt động kinh doanh. Cả 2 DN này đều đã có kết quả kinh doanh khá bết bát trong năm 2012 trước đó.

Khó khăn vẫn còn

Mặc dù chưa xuất hiện các khoản lỗ khủng hàng nghìn tỷ đồng như các năm trước đó, nhưng nhiều DN đã công bố khoản lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Báo cáo lỗ nặng nhất đang là Công ty CP Hữu Liên Á Châu (HLA), 236 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 120 tỷ đồng so với con số trước kiểm toán do phải trích lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho và chi phí lãi vay lớn.

Công ty cho biết do các ngành bất động sản, xây dựng, trang trí nội thất, xe máy, vận tải biển… là các ngành sử dụng đầu ra sản phẩm của HLA đều bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến doanh thu công ty sụt giảm, lỗ gộp gần 90 tỷ đồng. Một số DN khác thì vẫn giữ "trạng thái" lỗ nhiều năm liên tiếp như GGG, VCV và PVX vừa thoát lỗ ngoạn mục với lý do sai sót, nhầm lẫn trong Báo cáo hợp nhất.

Còn đặc biệt đối với GGG, vốn chủ sở hữu của công ty đang âm hơn 57 tỷ đồng do lỗ lũy kế hơn 154,5 tỷ đồng. Trong khi tổng tài sản gần 104 tỷ đồng thì nợ phải trả chiếm hơn 161 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 128 tỷ đồng - cao gấp 3 lần tài sản ngắn hạn. Riêng VCV mặc dù đã bán thành công tàu Vinaconex Lines với 94 tỷ đồng nhưng vẫn báo lỗ hoạt động kinh doanh trong năm vừa rồi.

Với các công ty vận tải biển khác như VST, năm 2013, lỗ gần 224 tỷ đồng với nguyên nhân doanh thu đội tàu giảm hơn 34 tỷ đồng do năng lực vận tải đội tàu giảm 8%. VOS thì do giá vốn vượt doanh thu nên lỗ gộp hơn 71 tỷ đồng trong năm 2013, cả năm lỗ ròng 198 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu SBT và DPR ghi nhận lợi nhuận giảm trên 30% hay lợi nhuận của SSI cũng giảm 18% so với năm trước đó. Riêng đối với SBT, lợi nhuận giảm mạnh do giá vốn cũng như các chi phí khác tăng đáng kể, chỉ thực hiện được 75% kế hoạch năm.

Số công ty có nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn với tỷ lệ khá cao, ảnh hưởng đến thanh khoản của doanh nghiệp trong việc trả nợ. Ví dụ HT1 đang có nợ ngắn hạn cao gấp 2,5 lần tài sản ngắn hạn, với gần 4,200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả so với tổng tài sản của HT1 cũng khá cao với mức 76%.

BTS cũng có nợ ngắn hạn cao gấp đôi tài sản ngắn hạn, trong khi công ty báo lỗ 225 tỷ đồng trong năm 2013. CII có nợ ngắn hạn gần 2.500 tỷ đồng. Nợ phải trả là gần 5.400 tỷ đồng, giảm đáng kể so với cuối quý III/2013.

Trước thực trạng trên, một số DN đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2014 khá cầm chừng hoặc tăng trưởng nhẹ. COM vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2014. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 5.500 tỷ đồng và 28 tỷ đồng, tăng 5,2% và 9,7% so với kết quả thực hiện 2013. Đây là một chỉ tiêu khá khiêm tốn trong lĩnh vực xăng dầu.

TAC cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 với lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, thấp hơn mức 66 tỷ đồng vừa đạt được trong năm 2013. GSP có kế hoạch kinh doanh năm 2014 là đặt 55,14 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 8,5% so với kế hoạch năm 2013 và gần như không có gì đột phá. Riêng HSG cũng xác định doanh thu và lợi nhuận năm mới tăng lần lượt 19% và 3%.

Như vậy, cho dù các chuyên gia, giới phân tích, NĐT đều tin tưởng, hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng, phục hồi, nhưng những dẫn chứng trên cho thấy mọi thứ vẫn còn khó khăn, ngổn ngang và bề bộn.

Theo Sơn Long

phuongmai

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên