Nhận diện báo cáo tài chính soát xét
6 tháng đầu năm đã trôi qua, ngoài báo cáo tài chính quý II, các công ty cũng sẽ công bố báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán soát xét.
Có 2 điểm tạo nên sự tin cậy cho báo cáo tài chính bán niên. Thứ nhất, mặc dù không đi quá sâu vào chi tiết khi soát xét, nhưng kiểm toán cũng sẽ phải rà soát kỹ lưỡng những khoản mục mang tính trọng yếu trên báo cáo tài chính.
Như vậy, những động thái "che lãi" hay "giấu lỗ" hoặc những con số "ảo" cũng sẽ được giảm thiểu.
Thứ hai, trong xu hướng minh bạch thông tin của thị trường ngày càng được đẩy mạnh, các công ty niêm yết cũng sẽ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc cung cấp báo cáo tài chính một cách trung thực, rõ ràng hơn. Nhưng vẫn còn đó các vấn đề mà các nhà đầu tư, cổ đông nói riêng và người đọc báo cáo tài chính soát xét nói chung cần phải lưu ý.
Thách thức cho kiểm toán
Việc tìm ra các vấn đề trọng yếu khi soát xét, thay vì kiểm toán, là một thách thức rất lớn cho kiểm toán viên, thậm chí còn khó hơn cả khi kiểm toán. Kiểm toán viên sẽ không có nhiều thời gian, điều kiện khi soát xét báo cáo nửa năm như khi kiểm toán báo cáo năm.
Trong khi đó, việc bắt bài các khoản mục mang tính trọng yếu khi soát xét cũng không khác với kiểm toán là mấy, chẳng hạn: có những khoản mục nếu xét riêng thì không đến mức trọng yếu, nhưng nếu kết nối lại với nhau, thì lại tạo ra một loạt những hệ quả mang tính trọng yếu trên báo cáo tài chính.
Muốn "lôi" ra được cần có thời gian để xác định sổ sách, kèm theo đó là những sự phán đoán đòi hỏi nghiệp vụ chuyên môn cao. Soát xét cũng có một số điểm giống với kiểm toán, nhưng rõ ràng soát xét bị động về mặt thời gian, điều kiện hơn kiểm toán rất nhiều.
Hơn nữa, trong thời điểm có nhiều thách thức như hiện nay, có thể doanh nghiệp mới quý này, thậm chí tháng này, hoạt động vẫn rất ổn, nhưng vài tháng tới "số phận" như thế nào thì chưa biết được. Công ty kiểm toán soát xét chặt chẽ quá thì vừa không đủ thời gian, điều kiện, có khi lại làm mất lòng khách hàng, nhưng nếu làm một cách hời hợt thì khi có sự cố xảy ra sẽ không biết "ăn nói" thế nào.
Nhà đầu tư "đọc vị" cách nào?
Một trong những tác dụng lớn nhất của soát xét chính là việc ngăn chặn doanh nghiệp có thể tự do dồn lãi, hoặc dồn lỗ cho một quý nào đó. Vậy nên, khi khai thác báo cáo tài chính soát xét, cũng cần tận dụng điểm này. Chẳng hạn như chênh lệch lợi nhuận giữa quý I và quý II quá lớn, cần xem xét một loạt vấn đề: Thứ nhất, những năm trước đây, chênh lệch này có xảy ra hay không? Nếu không có tình huống này thì cần đặt tiếp vấn đề liệu trong quý I và quý II có thời điểm nào ngành nghề của doanh nghiệp có những biến động thuận lợi để tạo ra lợi nhuận hay không?
Ví dụ trường hợp của ngành thép, quý I vừa qua, một số doanh nghiệp đã tận dụng thời cơ khi giá thép lên để tạo ra lợi nhuận đột biến. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 4, giá thép quay đầu giảm và đến tháng 6 vừa qua có thể xem là một tháng rất không thuận lợi cho ngành thép.
Như vậy, khả năng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này sẽ có lợi nhuận quý II giảm so với quý I, thậm chí giảm mạnh, nhưng đây là sự sụt giảm tương đối hợp lý. Trường hợp nếu các yếu tố đột biến về ngành không xảy ra, thì cần đặt vấn đề về việc doanh nghiệp cố ý hạch toán chênh lệch giữa 2 quý để làm gì.
Dù ý kiến soát xét chấp nhận báo cáo tài chính thì vẫn còn một loạt các chỉ tiêu cần phải quan tâm. Trong tình hình hiện nay, doanh thu, nợ vay và các khoản phải thu có lẽ là những khoản mục sẽ được "soi" kỹ nhất. Doanh thu duy trì hoặc vẫn tăng cho thấy doanh nghiệp vẫn duy trì được dòng tiền, thị phần của mình.
Về vấn đề nợ vay, cần quan tâm không chỉ số nợ mà còn là lãi suất vay của doanh nghiệp như thế nào. Nếu doanh thu tăng, nhưng các khoản phải thu tăng, đồng thời nợ vay cũng tăng thì tình hình cũng không khả quan cho lắm. Bởi lẽ, dù duy trì được thị phần, nhưng doanh nghiệp lại chịu thêm chi phí lãi vay trong khi tiền thu về chậm, dẫn đến việc vốn bị chôn, hoặc ứ đọng vốn.
Theo Khiêm An