Những kế hoạch "vô tiền khoáng hậu"
Việc đề ra một kế hoạch quá lạc quan, để sau 1 năm, kết quả đạt được chỉ "mang tính tượng trưng" - là điều đáng để các doanh nghiệp suy nghĩ.
Đã nửa năm tài chính trôi qua, bức tranh tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu hiện lên khá rõ nét. Tuy nhiên, không phải vì thế mà kế hoạch kinh doanh 2013, kế hoạch mà chỉ còn nửa năm để thực hiện, lại hết làm nhà đầu tư bất ngờ.
Kế hoạch "không có điểm bám"
Trong phiên họp ĐHCĐ thường niên của Alphanam, người đứng đầu doanh nghiệp này, ông Nguyễn Tuấn Hải cho biết, trong ngắn hạn, vì "khẩu vị đầu tư" của ALP, công ty chưa thể có lãi. Trên thực tế, các khoản đầu tư M&A của ALP đã khiến công ty lỗ hợp nhất 149 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên công ty báo lỗ kể từ khi lên sàn.
Tuy nhiên, năm 2013, ALP vẫn mạnh dạn đề xuất kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng. Trong khi đó, riêng quý 1, công ty đã lỗ trên 25 tỷ đồng sau thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư của ALP tiếp tục vẫn là các doanh nghiệp đang thua lỗ. Chính vì vậy, khả năng có lãi năm 2013 của ALP là không cao, như chính ông Nguyễn Tuấn Hải đã khẳng định, chưa nói đến chuyện lãi ròng tới 100 tỷ đồng, vượt xa "thời hoàng kim" 2010 (lãi gần 70 tỷ đồng).
"Kế hoạch giả định"
Không quá lời khi nói kế hoạch kinh doanh năm 2013 của VSP là "kế hoạch giả định". Chưa nói đến chỉ tiêu kinh doanh khủng với LNTT trên 1.800 tỷ đồng, các phương án thực hiện mục tiêu của VSP cũng đầy bấp bênh, luôn đi kèm với chữ "nếu".
Có thể kể đến: Cổ phần hóa hoặc bán toàn bộ cổ phần của VSP tại Công ty kinh doanh dịch vụ dầu khí Việt Hải, chuyển nhượng kho LPG Đình Vũ cho đối tác khác nếu tìm được đối tác... Việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án Mê Linh từ Công ty mẹ sang Công ty TNHH Đầu tư Mê Linh Xanh (công ty con 100% vốn) với điều kiện không làm thay đổi quyền lợi của các bên liên quan và được các bên liên quan chấp nhận, rốt cuộc, cũng là một giả định không hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân VSP.
Soi kỹ kế hoạch kinh doanh của công ty này, dễ nhận thấy lợi nhuận kế hoạch năm 2013 chủ yếu đến từ các khoản chuyển nhượng như vậy, chứ không đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Biên lợi nhuận trước thuế khiến không ít nhà đầu tư giật mình: 92,8%. Hiếm thấy một hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường nào có thể mang lại hiệu suất cao đến vậy!
Và những kế hoạch lạc quan
Năm 2012 có thể nói là một năm kinh doanh khá u ám đối với nhiều doanh nghiệp. Không ngạc nhiên khi kế hoạch 2013 được đề ra tương đối lạc quan, trong nhiều trường hợp, vượt xa kết quả đạt được năm 2012.
SJS sau 2 năm lỗ liên tục, đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc, đã đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2013 đạt 80 tỷ đồng. Gần đây, thông tin cho thấy, công ty này được cấp tín dụng khoảng 400 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ bất động sản. Sau 3 quý liên tiếp lỗ ròng (từ quý 2/2012 đến quý 4/2012), công ty đã lãi gần 14 tỷ đồng trong quý 1 năm 2013. So với kế hoạch đề ra, con đường của SJS còn khá dài, nhưng đã tiến bộ rất nhiều so với tình hình bi đát năm vừa qua.
TTF với kế hoạch gỡ khó dòng ngân lưu, cũng kỳ vọng một kết quả sáng sủa trong năm 2013 với LNST 40 tỷ đồng, hướng đến con số 129 tỷ đồng năm 2014. So sánh với kết quả đạt được năm 2012 (2,5 tỷ đồng) - kế hoạch năm 2013 của TTF bằng 16 lần.
Đặt kế hoạch là một chuyện, thực hiện kế hoạch theo phương án nào, hiệu quả đến đâu, mới thực sự là điều các cổ đông quan tâm. Việc đề ra một kế hoạch quá lạc quan, để sau 1 năm, kết quả đạt được chỉ "mang tính tượng trưng" - là điều đáng để các doanh nghiệp suy nghĩ.
Mùa ĐHCĐ thường niên 2013 đã gần khép lại với khá nhiều lời xin lỗi cổ đông của các vị đứng đầu doanh nghiệp. Có thể kể đến ông chủ của Gỗ Trường Thành, với lời xin lỗi "vì kết quả đáng xấu hổ" năm 2012 của doanh nghiệp mình.
Mùa ĐHCĐ thường niên 2014 tới đây, hi vọng sẽ không chứng kiến những điều ngậm ngùi như thế!
Hà Uyên
Trí Thức Trẻ
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!