MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nội công ngoại kích, cổ phiếu ngành thép ảm đạm

Chịu cảnh nội công ngoại kích, ngành thép đang trong cơn khủng hoảng chưa từng thấy. Cổ phiếu ngành thép liên tục lao dốc trong thời gian trở lại đây.

Thừa năng lực nhưng hạn chế sản xuất vì khó tiêu thụ

Ngành thép có một năm sóng gió khi cổ phiếu liên tục mất giá. Các mã HPG, POM, VIS, NKG, VGS, DNY, DTL, SSM, BVG… có biểu đồ đi xuống trong cả năm qua. Có những thời điểm cổ phiếu của HSG, HPG rơi xuống ngưỡng khoảng hơn 24.000 đồng/cổ phiếu

Biểu đồ giá và khối lượng của HPG trong 1 năm
Biểu đồ giá và khối lượng của HPG trong 1 năm

Nghịch lý ngành thép ở chỗ năng lực sản xuất của nhiều công ty đạt 11 triệu tấn nhưng chỉ sản xuất 5,9 triệu tấn trong năm 2015. Lý do là sản xuất ra không tiêu thụ được, không cạnh tranh được ở ngay chính thị trường nội địa, hay nói cách khác trước sức ép của thép Trung Quốc ngành thép Việt đang thua ngay trên sân nhà.

Việt Nam đang có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ thép nhập khẩu. Có thể nhìn rõ hơn bức tranh nhập khẩu của ngành thép Việt qua những con số: Hơn 1,78 triệu tấn là lượng phôi thép ước nhập khẩu vào Việt Nam năm 2015, tăng 198% so với cùng kỳ năm 2014.

Hơn 1,62 triệu tấn thép cuộn và dây thép ước được nhập khẩu vào Việt Nam trong khi sản xuất thép cuộn trong nước chỉ đạt 1,13 triệu tấn. Gần 1.43 triệu tấn tôn mạ kim loại và sơn phủ màu được nhập khẩu, tăng 87,555 so với năm 2014

Hiệp hội thép cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2015 ước đạt khoảng 9 tỷ USD. Lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm thép nhập khẩu năm 2015 đạt 18,7 triệu tấn, tăng hơn 3,5 triệu tấn và tăng xấp xỉ 23,4% so với 2014.

Bức tranh màu xám

Toàn thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng thừa đối với ngành sản xuất thép. Lượng thép sản xuất ra không tiêu thụ hết, đặc biệt là Trung Quốc, do đó các nước thừa thép tìm cách nhập khẩu vào các thị trường dễ tính, không yêu cầu các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, trong đó Việt Nam là một thị trường hấp dẫn. Trong 11 tháng năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam hơn 8,4 triệu tấn thép và con số này tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong năm 2016 dự báo thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam mạnh mẽ hơn.

Ngành thép Việt lao đao trước ảnh hưởng của khủng hoảng thừa và thép Trung Quốc tràn sang. Cụ thể nhiều công ty bị thua lỗ hai năm liên tiếp như thép Bắc Việt (BVG). Báo cáo tài chính của công ty này cho biết, quý 1 năm 2015 BVG thua lỗ 8,6 tỷ, Quý 2 năm 2015 thua lỗ 3,1 tỷ. Hiện công ty chưa có báo cáo quý 3 và quý 4 của năm 2015 nhưng nhìn sang năm 2014, thép Bắc Việt có một năm kinh doanh ảm đạm, lỗ triền miên.

Biểu đồ giá và khối lượng của BVG trong 1 năm
Biểu đồ giá và khối lượng của BVG trong 1 năm

Thép Việt Ý (VIS) cũng có một bức tranh màu xám. Quý 4 năm 2015 thép Việt Ý lỗ 26,2 tỷ, trước đó Quý 1 của 2015 công ty này lỗ 39,5 tỷ. Cả năm 2015 là một năm “đen” của thép Việt Ý khi thị trường không có nhiều khả quan và gặp sự cạnh tranh khốc liệt trong tiêu thụ thép nội địa với các công ty nhập khẩu thép Trung Quốc.

Biểu đồ giá và khối lượng VIS trong 1 năm
Biểu đồ giá và khối lượng VIS trong 1 năm

Công ty Thép Pomina cũng không đứng ngoài cuộc trong bối cảnh này. Liên tiếp hai quý 3 và 4 năm 2014 POM lỗ triền miên, sang Quý 1 năm 2015, POM lỗ 33 tỷ phải sang quý 2 và quý 3 POM mới vực dậy phục hồi với con số khả quan, đạt lợi nhuận sau thuế hơn 34,4 tỷ vào quý 3.

Cạnh tranh khốc liệt

HPG, HSG, VGS vẫn giữ được vị trí và kinh doanh có lãi tuy nhiên khó khăn của các công ty này trong năm 2016 là câu chuyện đối phó với Trung Quốc

Hòa Phát đứng thứ 2 trong số 5 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng lớn nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam, với thị phần 21,3%, tương đương 1,426 triệu tấn; đứng sau Tổng công ty Thép Việt Nam (21,76%), Pomina (12,61%), Vinakyoei (8,52%). Về mảng ống thép, Hòa Phát đứng đầu về sản lượng (359.000 tấn) và bán hàng (329.200 tấn), chiếm 23,19% thị phần; Hoa Sen đứng thứ hai với sản lượng 212.780 tấn, bán hàng 269.330 tấn, chiếm 18,97% thị phần.

Mặc dù giá thép giảm 45% trong năm 2015, nhưng biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát vẫn duy trì ở mức trên 22% do tăng thị phần.

Để tăng sức mạnh phòng vệ thương mại, Hòa Phát cùng Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý kiến nghị Bộ Công Thương điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu trong đó đích nhằm là các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Câu chuyện cạnh tranh với thép Trung Quốc có từ chục năm nay, nhưng kể từ năm 2014 trở lại đây việc nước này xuất khẩu thép ồ ạt vào Việt Nam làm cho toàn thị trường bị xáo trộn, ảnh hưởng nặng nề, thậm chí một số doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.

Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) Nguyễn Phương Nam cho biết kinh tế Trung Quốc có tình trạng sản xuất thừa, hàng hóa trong nước cung vượt cầu, doanh nghiệp buộc phải tìm cách tiêu thụ sản phẩm ở thị trường ngoài nước. Đi cùng với tình trạng dư thừa hàng hóa ấy là chính sách giảm thuế xuất khẩu của Trung Quốc khiến doanh nghiệp có lợi trong xuất khẩu ra thế giới.

Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng trong câu chuyện này, trong đó nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn như việc Trung Quốc xuất khẩu thép vào Việt Nam ồ ạt vào Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp Việt lao đao.

Thép Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam được hoàn thuế giá trị gia tăng từ 9-13%, điều này khiến hàng Trung Quốc hưởng lợi về giá bán.

Hơn nữa, doanh nghiệp Trung Quốc dùng tiểu xảo cho ít nguyên tố Bo, Crom vào thành phần thép để xuất khẩu sang Việt Nam với mã hàng thép hợp kim để được hưởng ưu đãi 0% thuế, nhưng thực chất thép này khi vào Việt Nam được sử dụng là thép xây dựng (nếu xuất khẩu là thép xây dựng, doanh nghiệp Trung Quốc bị đánh thuế 9%). Điều này cho thấy, doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi nhiều nên giá bán ra rất rẻ, khiến doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh.

Cuộc chiến với thép Trung Quốc vẫn còn dài và dai dẳng, đặc biệt khi dự báo nhu cầu tiêu thụ thép của thế giới trong năm 2016 tiếp tục sụt giảm và thị trường Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng thừa.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết năm 2016, ngành thép sẽ tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2015, trong đó phôi thép tăng 10%, thép xây dựng tăng 15%, thép lá cuộn cán nguội tăng 13%, thép ống hàn tăng 18%, tôn mạ và sơn phủ màu tăng 15%. Ngành sẽ gặp cạnh tranh gay gắt giữa các nhà máy trong vùng, khu vực trong nước và đặc biệt với thép nhập khẩu.

Chịu cảnh nội công ngoại kích, ngành thép đang trong cơn khủng hoảng chưa từng thấy. Cổ phiếu ngành thép liên tục lao dốc trong thời gian trở lại đây.

 

Theo Hải Minh

Người đồng hành

Trở lên trên