MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ocean Group đang vay những ai?

2013 là năm thứ 2 liên tiếp Ocean Group phải trả lãi vay gần 500 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận của tập đoàn này không đạt được kế hoạch đặt ra tại Đại hội cổ đông năm 2013.

So với các tập đoàn tư nhân đang niêm yết, mức độ “chịu lãi” của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại dương (Ocean Group - mã OGC) chỉ xếp sau một số doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn. Mặc dù vậy, quy mô các khoản vay của OGC nhỏ hơn rất nhiều.  

Chi tiết các khoản vay của OGC được công bố trong báo cáo tài chính cho thấy nhiều khoản chịu lãi suất rất cao (lãi suất tiết kiệm 12 tháng + 7%/năm) trong năm 2013.

Cụ thể, tại thời điểm quý II/2013, OGC và các công ty con đang vay dài hạn 558,7 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) - một ngân hàng do OGC sở hữu 20% vốn. Trong đó:

• Công ty cổ phần Dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư nợ 232 tỷ với lãi suất tiết kiệm 12 tháng + 0,5%/tháng.

• Công ty cổ phần Bánh Girval nợ 81 tỷ với lãi suất tiết kiệm 12 tháng + 7%/năm.

• Công ty cổ phần Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương nợ 116,8 tỷ, lãi suất tiết kiệm 12 tháng +  7%/năm.

• Công ty cổ phần Đầu tư THT Việt Nam nợ 121 tỷ, lãi suất tiết kiệm 12 tháng + 7%/năm.

Đến quý IV/2013, dư nợ của OGC và các công ty con tại OceanBank giảm xuống 379 tỷ đồng (đã bao gồm phần nợ dài hạn chuyển sang ngắn hạn).

Thuyết minh báo cáo tài chính của OGC cũng cho thấy, tập đoàn này đang ghi nhận một phần nợ phải trả có chịu chi phí sử dụng vốn trong khoản mục “Phải trả khác” - thường được hiểu là không chịu chi phí vốn. 

Cụ thể, tập đoàn đã ghi nhận 373 tỷ đồng “phải trả khác” là giá trị của hợp đồng bán và cam kết mua lại 12 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Đại Dương Thăng Long (giá bán 10.000 đồng, mua lại 11.000 đồng/cổ phiếu) và 11 triệu cổ phần Công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (giá bán 23.000 đồng, mua lại 25.300 đồng/cổ phiếu). Thời hạn của hợp đồng này là 1 năm. 

So sánh dư nợ và chi phí lãi vay 2013 của 5 công ty vay nợ lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.
Chi tiết các khoản vay chịu lãi của OGC được trình bày trong báo cáo tài chính quý IV/2013 như sau:

Vay ngắn hạn 1.535 tỷ đồng bao gồm:

• 97 tỷ đồng vay thương mại OceanBank. Trong đó bao gồm khoản vay 61 tỷ có lãi suất bằng lãi tiết kiệm 12 tháng + 3%/năm.

• 452 tỷ đồng vay HDBank, tăng 416 tỷ đồng trong năm 2013. OGC không thuyết minh chi tiết về lãi suất của khoản vay này.

• 60 tỷ đồng vay Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Sông Đà. Các khoản vay của OGC với công ty này trước đó (theo báo cáo quý II/2013) đều có lãi suất 11,7%/năm.

• 8 tỷ đồng vay các chủ nợ khác.

• 918 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn phải trả. Đây là một phần trong số các khoản vay bao gồm: 500 tỷ đồng trái phiếu của Southernbank đang có lãi suất bằng trung bình lãi tiết kiệm 12 tháng của Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank; 200 tỷ đồng trái phiếu của HDBank và 500 tỷ đồng trái phiếu của Techcombank đang có lãi suất 10%/năm; và các khoản vay thương mại OceanBank đến hạn phải trả trong năm 2014.

Vay dài hạn 2.079 tỷ đồng bao gồm:

• 500 tỷ đồng trái phiếu Maritimebank, đáo hạn năm 2016. Lãi suất phải trả hiện là trung bình lãi tiết kiệm 12 tháng của Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank.

• 1.200 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho PVFC (nay là PVComBank), phải trả gốc năm 2016. Lãi suất trái phiếu này đang được tính bằng trung bình lãi tiết kiệm 12 tháng của Vietcombank, BIDV, Agribank và Ocean Bank).

• 379 tỷ đồng vay thương mại OceanBank, giảm 180 tỷ so với thời điểm giữa năm 2013, bao gồm yếu các khoản vay lãi suất cao đề cập ở trên.

Theo Anh Tuấn

thanhhuong

BizLive/Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên