MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Andy Hồ: “Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại”

"Thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là nơi đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì kinh tế vĩ mô ổn định trở lại với tăng trưởng dần hồi phục".

Thông tin Chính phủ đang xem xét nới room sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán cũng như tại các nhà băng đang được bàn luận khá sôi nổi.

Dưới đây là ý kiến của ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital xung quanh đề xuất trên.

Ông đánh giá thế nào về đề xuất nới room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán?

Việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khởi xướng từ đầu năm và được các nhà đầu tư chờ đợi tích cực trong suốt thời gian vừa qua. Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ đề xuất mở room này. Bởi việc mở room từ 49% lên 60% như đề xuất tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là nơi đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì kinh tế vĩ mô ổn định trở lại với tăng trưởng dần hồi phục, mức định giá của các công ty niêm yết thấp hơn so với khu vực cùng với tiềm năng tăng trưởng cao của các công ty.

Tuy nhiên, nhiều công ty hiện đã hết room và hạn chế khả năng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài mới.

Theo thống kê, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 200 triệu USD giá trị cổ phiếu Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2013, trong khi dòng vốn nước ngoài lại rút ra khỏi một số thị trường trong khu vực.

Có ý kiến cho rằng nếu được áp dụng thì dường như việc nới room chỉ tác động lên nhóm cổ phiếu tốt vốn đã được khối ngoại ưa chuộng trong thời gian qua?

Cũng không hẳn là vậy. Nếu quy định về nới room nước ngoài được thông qua, nhóm khoảng hơn 20 cổ phiếu với nền tảng hoạt động tốt vốn được khối nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng sẽ được lựa chọn để mua trước tiên.

Việc này đưa các cổ phiếu này lên một mặt bằng giá mới. Các cổ phiếu khác trong cùng ngành vì thế trở nên rẻ hơn và nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài) cũng sẽ có xu hướng mua thêm trên các cổ phiếu đó.

Ngoài ra, tin tức về việc mở room và việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng sẽ tạo tâm lý tốt chung cho toàn thị trường.

Khi nới room, câu chuyện thâu tóm lại được bàn đến, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Một tác động chính trong trung hạn là việc mở đường cho các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đối với những doanh nghiệp có ý định bán cổ phần chi phối cho nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là cổ đông trong nước, sẽ cân nhắc về khả năng thâu tóm/bị thâu tóm và các lợi ích/ảnh hưởng từ việc bị thâu tóm từ phía nhà đầu tư nước ngoài trước khi biểu quyết thông qua vấn đề này.

Quyền kiểm soát tại các công ty có thể chuyển qua các nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty có vốn hóa vừa và nhỏ và có một số ít cổ đông chiến lược nước ngoài nắm giữ tới 60% sở hữu công ty.

Khi đó, hội đồng quản trị sẽ có hơn 50% thành viên là đại diện cho cổ đông nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài sẽ nắm quyền chi phối với các quyết định tại hội đồng quản trị. Tuy nhiên quyền kiểm soát này vẫn có giới hạn. Đối với các vấn đề cần biểu quyết tại đại hội cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ vì cần sự đồng thuận của ít nhất 65% hoặc 75% cổ đông.

Ông đánh giá ra sao về con số nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng hơn 140 ngàn tỷ đồng mới được công bố? Nhận định của ông về việc đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu ở ngân hàng yếu kém?
 
 Con số này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Minh Hưng công bố tại Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam (VBF) vừa diễn ra tại Hà Nội và cũng là con số ước lượng của NHNN về tổng nợ xấu còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng. Do đó, đây là số liệu chính thức hiện nay.

Một số các nhà phân tích trong và ngoài nước đưa ra con số ước tính cao hơn về khối lượng nợ xấu trong các ngân hàng thương mại. Vì vậy, chúng tôi nghĩ việc triển khai Thông tư 02 có tầm quan trọng rất lớn, vì Thông tư này sẽ yêu cầu tất cả các ngân hàng sử dụng các chỉ tiêu tín dụng đồng bộ và khắt khe hơn để phân loại nợ xấu. Chúng tôi rất hy vọng rằng Thông tư 02 sẽ được đưa vào thực hiện thuận lợi trong tháng 6 năm 2014.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy dự thảo nâng trần sở hữu nước ngoài ở các ngân hàng lên trên 30% sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực. Khi đó, hệ thống ngân hàng sẽ nhận thêm nhiều lợi ích, không chỉ từ việc có thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài mà còn là tiếp nhận thêm các công nghệ phát triển, các công cụ quản lý rủi ro có chất lượng cao hơn, cũng như kinh nghiệm quản lý từ các đối tác chiến lược nước ngoài.

Theo quan sát của VinaCapital, các ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém hiện đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tái cấu trúc. Do đó, việc tăng trần sở hữu nước ngoài sẽ giúp những đơn vị này thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và nhận được rất nhiều lợi ích để hoạt động lành mạnh hơn.

Xin cảm ơn ông!
Theo Huyền Trâm

thanhhuong

Diễn đàn Đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên