MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Don Lam: VinaCapital đang bán nhiều nhưng cũng vẫn đang mua rất nhiều

"Theo luật hoạt động của quỹ đầu tư thì chỉ công bố thông tin khi bán chứ không công bố khi mua vì lo ngại sẽ đẩy giá cổ phiếu trên thị trường lên"

Bên lề Hội nghị thường niên 2014 do VinaCapital tổ chức, ông Don Lam - Tổng giám đốc của VinaCapital đã có một số trao đổi với báo chí.

Ông có nhận định gì về những yếu tố thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư chứng khoán tại Việt Nam?

Ông Don Lam: NĐT nước ngoài đánh giá cao nhất ở môi trường Việt Nam là vĩ mô ổn định. Trong vòng 18 tháng trở lại đây có thể thấy vĩ mô đã tốt trở lại và thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh. Tiếp theo nữa là chính sách của Nhà nước càng ngày càng thoáng.

Ông thấy gì về cơ hội đầu tư của NĐT nước ngoài?

Họ đang rất quan tâm đến các DNNN đang chờ cổ phần hóa. Sáng nay trong hội nghị họ rất quan tâm đến việc từ giờ đến cuối 2015 sẽ có những DNNN nào được cổ phần hóa.

Có lĩnh vực nào mà nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm không?

Có, họ quan tâm đến mảng F&B (thực phẩm và đồ uống), hay bên tiêu dùng. Ngoài ra, các NĐT nước ngoài của VinaCapital rất quan tâm đến các doanh nghiệp hạ tầng ví dụ như nhà máy phát điện hoặc cảng đang cổ phần hóa.

Theo ông, sự quan tâm này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng?

Nó sẽ hút vốn đầu tư dài hạn. Việt Nam đang thiếu vốn dài hạn, các đơn vị đi vay ngân hàng 5-7 năm được coi là dài hạn rồi trong khi một số dự án hạ tầng phải cần nguồn vốn 10- 15 năm. Các nhà đầu tư nước ngoài đã thấy cơ hội 10 -15 năm từ các doanh nghiệp hạ tầng. Theo kinh nghiệm của tôi, một số DN sau khi cổ phần hóa có nhà đầu tư nước ngoài vào sẽ phát triển sâu thêm.

Nhưng hiện tại, các NĐT nước ngoài đang lo lắng rằng giới hạn tỷ lệ nắm giữ của họ tại một số công ty tốt đã hết 49% rồi, họ muốn Chính phủ nâng tỷ lệ cho họ lên 60%.

Hiện giờ các chính sách của Việt Nam đã thoáng mở rồi, chỉ còn chờ 2 việc thôi. Đó là CPH nhiều công ty hơn nữa và CPH số lượng lớn. Ví dụ bây giờ có những doanh nghiệp chỉ cổ phần hóa 10 – 15% là quá ít, NĐT muốn nâng tỷ lệ cổ phần hóa lên 20%, 30% để tạo thanh khoản sau khi cổ phần hóa. Thứ 2 là nâng tỷ lệ nắm giữ lên 60%.

Họ có gặp khó khăn gì trong việc đầu tư tại Việt Nam?

Khó khăn không có nhiều nhưng có một cái là giới hạn tỷ lệ nắm giữ và thủ tục mở tài khoản cho NĐT nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mất nhiều thời gian.

Họ quan tâm TTCK hay BĐS hơn?

Họ quan tâm TTCK hơn. BĐS thường tăng trưởng theo sau TTCK 10 -12 tháng. Thị trường BĐS cũng không có thanh khoản nên hơi khó.

Ông nhận định thế nào về thị trường hiện tại?

Tôi không dám đoán TTCK tăng lên như thế nào bằng con số chính xác nhưng nội bộ VinaCapital dự báo là TTCK đến cuối 2015 sẽ cao hơn bây giờ! Nói chung chung như vậy thôi chứ con số chính xác thì không dám nói.

Lý do là vi mô và vĩ mô đều đang thay đổi. Nhiều công ty tại Việt Nam có chi phí tài chính rất lớn. Như tôi đã nói, lãi suất giảm sẽ giúp chi phí vốn của các doanh nghiệp giảm đi, tăng lợi nhuận. Thứ 2, khi lãi suất thấp thì tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng cũng sẽ giảm đi. Tiền có thể chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản.

NĐT nước ngoài mong muốn nâng tỷ lệ nắm giữ sau CPH là bao nhiêu?

Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ vốn cổ phần hóa quá thấp mà tôi không hiểu là vì sao? Có thể là họ ngại, chỉ muốn bán một phần nhỏ ra thị trường thôi, rồi dần dần minh học hỏi để phát hành thêm. Nhưng một số NĐT nước ngoài thấy tỷ lệ phát hành nhỏ ngay từ ban đầu thì họ sẽ không tham gia ngay từ đầu vì họ sợ thanh khoản không có. Vì vậy họ yêu cầu cổ phần hóa ít nhất 20 -25% trong lần đầu tiên. Tất nhiên mình không thể yêu cầu ngay từ đầu đã bán ào hết 60% nhưng cũng phải 20 -25%.

Thứ hai, họ yêu cầu trong vòng 12 tháng sau cổ phần hóa phải niêm yết trên sàn để tăng thanh khoản và minh bạch. Điều này cũng có quy định rồi nhưng mà không ai muốn làm.

Nhiều doanh nghiệp có tư tưởng CPH nhưng không nhất thiết lên sàn. Ông đánh giá gì về điều này?

TTCK là kênh huy động vốn. Tại sao doanh nghiệp lại không muốn niêm yết lên sàn? Đối với những doanh nghiệp có tư tưởng trên thì cần đặt câu hỏi như vậy.

Trước đây ông có nói VinaCapital muốn thoái vốn khỏi Khách sạn Metropole, việc này đã được xúc tiến đến đâu?

Một quỹ đầu tư có luật là nếu có 3 - 4 người chào mua thì mình bắt buộc phải làm info memo để minh bạch thông tin. Mấy năm rồi có nhiều NĐT quan tâm đến Metropole nên VinaCapital phải làm một cái bản info memo để cung cấp thông tin cho NĐT quan tâm. Nhưng giá chào mua chưa tới giá mà mình mong muốn nên không cần phải vội vàng. Tuy nhiên nếu họ chào giá tốt thì mình bắt buộc phải tiếp xúc.

Thị trường khách sạn Hà nội đang khó khăn do nhiều khách sạn mở ra nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Metropole.

Gần đây VinaCapital đang bán rất nhiều cổ phiếu ra thị trường, ông có thể chia sẻ thêm về động thái này?

Chúng tôi đang bán nhưng cũng mua rất nhiều. Quỹ đóng khi bán cổ phiếu nào đó thì tiền lại quay trở lại qũy đó chứ không chảy đi đâu. Tiền đó mình lại dùng để mua cổ phiếu mới, có điều theo luật hoạt động của quỹ đầu tư thì chỉ công bố thông tin khi bán chứ không công bố khi mua vì lo ngại sẽ đẩy giá cổ phiếu trên thị trường lên.

Xin cảm ơn ông.

Bảo Ngọc (ghi)

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên