MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Winston Lu-Giám đốc Phân tích CK Phú Hưng: Có thông tư 36, dòng vốn chảy vào TTCK sẽ chất lượng hơn

Những công ty chứng khoán sử dụng nguồn vốn vay để tài trợ cho hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) sẽ chịu áp lực phải cân đối lại dòng tiền từ nay đến khi thông tư có hiệu lực vào ngày 2/1/2015.

Ngày 20/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Vấn đề được nhà đầu tư chứng khoán quan tâm nhất là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay và tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng.

Để giúp nhà đầu tư hiểu rõ tác động của Thông tư này, chúng tôi đã phỏng vấn các đại diện công ty chứng khoán.

Bài viết này chúng tôi xin đăng tải nhận định của ông Winston Lu - Giám đốc phòng Phân Tích Chứng khoán Phú Hưng về tác động của Thông tư 36 đối với thị trường chứng khoán.

Bài 2: Ông Winston Lu - Giám đốc phòng Phân Tích Chứng khoán Phú Hưng

Thông tư mới chỉ tác động tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn

Thông tư 36/2014 vừa được Ngân hàng Nhà nước ký ban hành hôm 20/11 có 3 điểm đáng chú ý là:

[1] Các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ.

[2] Giảm hệ số rủi ro cho vay chứng khoán từ 250% xuống còn 150%

[3] Không được phép cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.

So với Quyết định 03/2008 của NHNN thì Thông tư 36/2014 có sự thay đổi từ việc “giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán không quá 20% vốn điều lệ” thành “giới hạn vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ”. Trước đây, việc “cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán” chủ yếu dành cho trái phiếu, trong đó dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Nay, với quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam vào khoảng 450 nghìn tỷ đồng thì hạn mức 5% cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể lên đến 22.500 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ. Trong khi đó, theo số liệu tính đến tháng 10/2014 thì dư nợ cho vay chứng khoán trên toàn hệ thống là 17.000 tỷ nên tác động nếu có của thông tư 36 đến thị trường chỉ là tác động tâm lý trong ngắn hạn. Với số vốn hiện tại sẽ không tác động đến nguồn cung tín dụng dành cho chứng khoán.

Thêm vào đó, việc giảm hệ số rủi ro cho vay chứng khoán từ 250% xuống còn 150% cũng tạo dư địa để các tổ chức tín dụng cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu mã vẫn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của mình.

Trở ngại chính là tỷ lệ nợ xấu trên 3% thì không được cho vay

Tuy nhiên, trở ngại chính là việc quy định tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% thì không được cho vay. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 thì tỷ lệ nợ xấu ở những ngân hàng lớn như VCB, SHB, ACB, Ocean Bank, Techcombank đã vượt 3% và tạo ra sức ép không nhỏ đến hoạt động cho vay của các ngân hàng kể trên với các công ty chứng khoán.

Quan sát thị trường trong 10 tháng vừa qua, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân đã tăng hơn 140% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính là khá lớn. Như vậy, đối với những công ty chứng khoán sử dụng nguồn vốn vay để tài trợ cho hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) sẽ chịu áp lực phải cân đối lại dòng tiền từ nay đến khi thông tư có hiệu lực vào ngày 2/1/2015. Điều này có thể ảnh hưởng đến dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán trong ngắn hạn nhưng xét trên bình diện chung thì không có lý do gì để thị trường giảm điểm quá sâu khi điều kiện kinh tế vĩ mô nói chung và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trụ cột niêm yết trên sàn nói riêng đều cải thiện đáng kể so với năm ngoái.

Các công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng có thể sẽ gặp khó ngắn hạn

Theo quy định của Thông tư 36, ngân hàng thương mại muốn cho vay đầu tư cổ phiếu phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của TCTD để công ty con, công ty liên kết đầu tư kinh doanh cổ phiếu, cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Điều này có thể sẽ gây khó khăn ban đầu cho các công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng.

Trên thực tế, trong thời gian qua, những CTCK lớn cũng xin hạn mức vay đối với một số ngân hàng lớn để phục vụ cho hoạt động margin nhưng trên thực tế nguồn vốn tại CTCK chủ yếu từ trước đến nay vẫn là vốn tự có và huy động trên thị trường thông qua nhiều hình thức khác nữa. Việc các CTCK phụ thuộc vào vốn từ ngân hàng hay liên tục xin hạn mức vay là rất ít, thường chỉ diễn ra khi cần đảm bảo khả năng thanh toán khi đến kỳ hạch toán.

Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm có thể chịu tác động thoái vốn

Thông tư 36 quy định một ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu không quá 2 tổ chức tín dụng và chỉ được nắm giữ dưới 5% vốn của tổ chức tín dụng đó (trừ trường hợp vào tái cơ cấu theo chỉ định của NHNN). Việc điều chỉnh tỷ lệ nhằm giảm việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng và hạn chế tình trạng cá nhân lũng đoạn ngân hàng, đảm bảo cho hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh và minh bạch. Tuy nhiên, trong ngắn hạn việc thoái vốn của tổ chức tín dụng, mà cụ thể là cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm có thể chịu tác động và sự tác động này có thể không kéo dài và chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư cần nhìn nhận vấn đề tích cực

Nhà đầu tư cần nhìn nhận thông tư 36 là để đảm bảo cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và minh bạch. Trong ngắn hạn, tâm lý thị trường có thể bị dao động vì những lời đồn thổi nhưng về lâu dài thì dòng vốn chảy vào thị trường sẽ chất lượng hơn đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng trên nền tảng bền vững.

Cảm ơn ông vì đã chia sẻ!

Thông tư 36:

>>Bài 1: "Thông tư 36 chưa ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn trên TTCK"


>> Áp dụng Thông tư 36: Dư nợ dành cho đầu tư cổ phiếu sẽ là bao nhiêu?


>>NHTM được sử dụng tối đa 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn


>>NHNN hạ hệ số rủi ro các khoản cho vay chứng khoán, bất động sản xuống mức thấp nhất theo thông lệ


>> Không cho vay kinh doanh cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại


>> Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác


Phương Chi

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên