MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá vỡ cảnh báo: Phép thử tỷ giá USD thời biến động

Những thị trường đầu tư hấp dẫn nhất của thế giới đã bất ngờ trở nên kém hấp dẫn sau những biến động của thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu. Đây là một phép thử hiệu quả về mức độ ổn định và sự hấp dẫn của bất cứ một nền kinh tế nào.

Phá vỡ mọi dự đoán

Khoảng 2 năm trước đây, nhiều chuyên gia đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về khả năng rút vốn của dòng vốn ngoại khỏi hàng loạt các thị trường mới nổi như Brazil, TQ, Nga, Thái Lan, Malaysia… Tiền sẽ chảy về khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.

Hầu hết các tổ chức đều dựa vào xu hướng mạnh lên của đồng USD khi mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đồng loạt áp dụng các chính sách nới lỏng. Sự hồi phục vững chắc của kinh tế Mỹ cũng là một cơ sở.

Trên thực tế, USD đã mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Riêng năm 2014, USD tăng 12,2% so với Euro và còn tiếp tục tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2015. Với các đồng tiền khác xu hướng chung cũng như vậy. Trong năm 2014, chỉ số USD đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền lớn khác đã tăng gần 13%.

 

Những thị trường đầu tư hấp dẫn nhất của thế giới đã bất ngờ trở nên kém hấp dẫn sau những biến động của thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu

 

Tuy nhiên, thực tế là xu hướng dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi và chảy về Bắc Mỹ hay châu Âu không thực sự rõ ràng. TTCK Mỹ vừa chứng kiến một tháng 8/2015 giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua, so với mức mất điểm mạnh nhất hơn 3 năm của chứng khoán toàn cầu. Chứng khoán châu Âu chứng kiến sự rút vốn và bán tháo ở mức rất mạnh. Cả ngàn tỷ euro đã bốc hơi trong vòng 3 tuần đầu tháng 8.

Trên tờ Financial Times, trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK mới nổi đều tăng trưởng dương và chỉ giảm nhẹ 100 triệu USD trong tháng 7 và chưa tới 9 tỷ USD trong tháng 8.

Nga, TQ và Brazil được xem là các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Giới đầu tư thực sự sốc khi TTCK TQ bốc hơi 5 ngàn tỷ USD trong vòng hơn một tháng.

Nhiều tổ chức chia sẻ trên Bloomberg cho rằng, các NĐT ngoại có thể đang tận dụng cơ hội chính phủ TQ mua vào để rút ra khỏi TTCK. Con số ước tính cho thấy, dòng tiền rút khỏi nước này mạnh chưa từng có, trong một năm qua lượng rút ra lên tới 450 tỷ USD. Dòng vốn ngoại chạy ra khỏi cả TTCK lẫn các dự án đầu tư ở nước này.

Với Nga, riêng trong năm 2014, đã có khoảng 150 tỷ USD rút ra khỏi nước này. Làn sóng này đang mạnh lên trong năm 2015 do Mỹ và EU vẫn đang áp trừng phạt lên Nga, trong khi đồng rúp vẫn giảm giá và nền kinh tế Nga đã chính thức suy thoái mạnh trong quý II vừa qua. Brazil ở Nam Mỹ cũng chứng kiến hiện tượng rút vốn do đối mặt với suy thoái và lạm phát cao.

Sự hấp dẫn bền vững

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam , các NĐT nước ngoài dường như vẫn rất quan tâm tới TTCK VN. Trong phần lớn các tháng đầu năm 2015, khối ngoại mua ròng cổ phiếu. Trong tháng 4, khối ngoại mua ròng tới 1,8 ngàn tỷ đồng. Tháng 5, theo VSD, số lượng NĐT nước ngoài mới vào TTCK Việt Nam tăng đột biến với 100 NĐT bao gồm 18 tổ chức và 82 cá nhân. Tới cuối tháng 6, khối ngoại khép lại tuần mua ròng thứ 6 liên tiếp.

tỷ giá, USD/VND, NHNN, Ngân hàng Nhà nước, HSBC, thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng, tỷ-giá, USD, VND, Nguyễn-Văn-Bình, thống-đốc, xuất-khẩu, lạm-phát, ổn-định, tăng-trưởng, IMF, Trung-Quốc, NDT, yuan, renminbi, phá-giá, WB, World-Bank, Thủ-tướng, Nguyễn-Tấn-Dũng

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, sự ổn định của Việt Nam đang khiến nền kinh tế và TTCK trở nên hấp dẫn hơn đối với các NĐT.

Gần đây, trong phiên 12/8, ngay sau khi TQ phá giá đồng NĐT, khối ngoại mua ròng hơn 110 tỷ đồng giá trị cổ phiếu bất chấp tỷ giá biến động mạnh. Còn trong phiên TTCK Việt biến động 24/8, các NĐT nước ngoài cũng mua ròng tới 200 tỷ đồng giá trị cổ phiếu bất chấp VN-Index giảm tới 29,37 điểm (-5,28%), HNX-Index giảm 4,51 điểm tương đương 5,81%.

Trong một báo cáo cuối tháng 8, dựa trên tỷ suất lợi nhuận sau điều chỉnh rủi ro, Bloomberg xếp Việt Nam nằm trong tốp 12 TTCK mới nổi an toàn nhất sau cú sốc phá giá NDT của TQ. Một số TTCK an toàn hàng đầu bao gồm: Ba Lan, Morocco, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, TQ, Argentina, Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường rủi ro bao gồm: Mexico, Ai Cập, Hàn Quốc, Peru, Brazil và Kuwait.

Trên thực tế, trong 8 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index vẫn tăng 3,5%, trong khi chỉ số MSCI Southeast Asia Index của thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á sụt giảm hàng chục phần trăm.

Ngay từ đầu năm, tờ Huffington Post của Mỹ đã cho rằng, Việt Nam đang nổi lên như một trụ cột kinh tế và địa chiến lược quan trọng trong khu vực ĐNA. Đồng tiền VND ổn định và nền kinh tế phát triển khá thuận dưới sự dẫn dắt của Chính phủ Việt Nam . Tờ báo Tài chính của Đức cũng cho rằng, Việt Nam sẽ hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững mới, dựa trên việc thúc đẩy đổi mới, công nghệ cao và một nền kinh tế xanh, tri thức.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vật lộn với khó khăn, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 6,28% trong 6 tháng đầu năm. Và điều quan trong hơn cả là sự ổn định vĩ mô. Lạm phát ở mức khá thấp, tính tới hết tháng 8 ở mức 0,61% so với cùng kỳ năm trước.

Cú sốc phá giá đồng NDT của TQ đã ảnh hưởng toàn thế giới, Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ. Tuy nhiên, đồng VND đang ổn định trở lại sau quyết định điều chỉnh khá kịp thời của NHNN: tăng tỷ giá 1% và nới biên độ lên thêm 2%.

Trong một báo cáo cuối tháng 8, Ngân hàng ANZ cho rằng, Việt Nam đang ở trạng thái bình ổn một cách xuất sắc khi chống đỡ với suy thoái thương mại trong khu vực và là nền kinh tế duy nhất ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực về xuất nhập khẩu. Xuất khẩu vào thị trường Mỹ tính đến hết tháng 7 đã thặng dư hơn 14,5 tỷ USD.

ANZ gần đây cũng nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2015 và 2016 lên mức 6,5%, thay vì dự báo 6,2% và 6,4% trước đó. WB cũng thừa nhận sự ổn định kinh tế vĩ mô của VN. Lạm phát sẽ ở mức thấp, xuất khẩu tăng mạnh, trong khi kiều hồi sẽ giúp cán cân vãng lai của Việt Nam tiếp tục thặng dư - một yếu tố giúp ổn định đồng VND.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, sự ổn định của Việt Nam đang khiến nền kinh tế và TTCK trở nên hấp dẫn hơn đối với các NĐT. Với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết, dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ nhiều hơn và có chất lượng tốt hơn.

Sự ràng buộc lẫn nhau của kinh tế thế giới ngày càng chặt chẽ. Mỗi một biến động từ bất kể nước nhỏ hay nước lớn đều tác động đến các nước khác. Tuy nhiên, dòng vốn trên thế giới vẫn đi theo một quy luật không thay đổi là tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường hấp dẫn. Và sự ổn định luôn là yếu tố cốt lõi cho sự hấp dẫn.

Theo H.TÚ

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên