MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phân hóa KQKD: Thoát hiểm trong gang tấc

Không ít doanh nghiệp thua lỗ ở những năm trước, thậm chí vẫn còn báo lỗ ở những quý đầu tiên của năm 2013, nhưng bất ngờ công bố lãi lớn trong quý cuối cùng của năm.

Nhờ kết quả này nhiều doanh nghiệp đã thoát hiểm ngay “phút 89” của năm tài chính 2013.

Về đích an toàn

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý IV-2013 với doanh thu thuần đạt 2.922 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu giảm mạnh 42% nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ, với 412 tỷ đồng so với 76 tỷ đồng của năm 2012. Một trong những yếu tố tạo nên sự đột biến này đến từ nguồn doanh thu tài chính, trong đó có phần cổ tức và lợi nhuận được chia đạt gần 159 tỷ đồng.

Doanh thu này phần lớn đến từ việc thực hiện hợp đồng tái cấu trúc CTCP Xi măng Cẩm Phả được ký kết ngày 24-10-2013. Theo đó, VCG đã chuyển nhượng 140 triệu cổ phần (tương đương 70% vốn điều lệ) của mình tại CTCP Xi măng Cẩm Phả cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty TNHH MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel.

Nhờ lợi nhuận đột biến trong quý IV, lũy kế cả năm 2013, VGC lãi hơn 545 tỷ đồng. Cũng nhờ kết quả này VCG không chỉ hoàn thành mà còn vượt chỉ tiêu kế hoạch ĐHCĐ đề ra từ đầu năm 2013.

Tương tự là trường hợp của CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC). Tính đến hết quý III-2013, lợi nhuận hợp nhất của doanh nghiệp chỉ đạt chưa đầy 174 triệu đồng. Thế nhưng, theo BCTC hợp nhất 2013, chỉ riêng trong quý IV, lợi nhuận sau thuế của TDC đạt 159,7 tỷ đồng.

Với kết quả cực kỳ ấn tượng này, từ mức lợi nhuận của 3 quý đầu tiên chưa đầy 200 triệu đồng, lũy kế cả năm TDC lãi gần 160 tỷ đồng. Theo Nghị quyết HĐQT, TDC đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 151,6 tỷ đồng. Việc TDC công bố lãi lớn trong quý IV không khiến NĐT và cổ đông bất ngờ vì ngay thời điểm kết thúc năm tài chính 2013, HĐQT doanh nghiệp này thông qua Nghị quyết về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013 và kế hoạch cho năm 2014. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2013 ước đạt 154 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức từ 13% trở lên.

Bất ngờ hồi sinh

Nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý IV-2013, CP của các doanh nghiệp này tạo sức hút mạnh trên TTCK. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, SHN tăng 65%, KBC tăng 38%, VCG tăng 37%, TDC tăng 24%.

Tại thời điểm cuối quý III-2013, Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) vẫn còn báo lỗ 129 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong BCTC quý IV-2013 vừa được công bố, KBC đã ghi nhận được khoản lợi nhuận đạt hơn 197 tỷ đồng. Kết quả đầy bất ngờ này đã không chỉ giúp KBC thoát lỗ mà còn vừa đủ chạm mức chỉ tiêu kế hoạch được ĐHCĐ thông qua trước đó là 68 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân lợi nhuận quý IV-2013 tăng mạnh so với cùng kỳ 2012, lãnh đạo KBC cho biết do năm 2013 tình hình thu hút FDI của công ty tăng trưởng đáng kể, công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng lớn với các tập đoàn nước ngoài. Đến quý IV, KBC đã hoàn thành việc bàn giao đất và nhà xưởng cho khách hàng, đủ điều kiện ghi nhận doanh thu.

Được biết, KBC bắt đầu rơi vào tình trạng thua lỗ kể từ năm 2012 khi thị trường bất động sản ảm đạm, cộng thêm thu hút vốn đầu tư nước ngoài sa sút. Năm 2012 cũng là năm KBC báo lỗ với lợi nhuận âm gần 484 tỷ đồng.

Ấn tượng nhất đến thời điểm hiện nay là trường hợp của CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN). Sau 9 quý liên tục ngụp lặn trong thua lỗ, doanh nghiệp này bất ngờ báo lãi trong quý cuối cùng của năm 2013. Theo BCTC quý IV-2013, mặc dù doanh thu thuần trong quý chỉ vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng (bằng 3,6% cùng kỳ), nhưng nhờ hoạt động tài chính mang về 67 tỷ đồng nên lợi nhuận ròng trong quý đạt 64 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 17 tỷ đồng.

Theo ông Đinh Hồng Long, Tổng giám đốc SHN, sở dĩ kỳ này có lãi lớn do doanh nghiệp đạt được thỏa thuận chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án Khu nhà ở và Văn phòng làm việc Tây Mỗ cho Công ty TNHH Đầu tư Dubai Capital trị giá 75 tỷ đồng.

Khoản thu nhập này đã góp phần làm tăng khoản mục doanh thu tài chính khác cho SHN. Nhờ kết quả này, lũy kế cả năm 2013, SHN lãi 1,68 tỷ đồng. Cho dù lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của SHN tại ngày 30-12-2013 vẫn còn âm 256 tỷ đồng, nhưng kết quả của năm 2013 trở thành nguồn động lực cho SHN phấn đấu hơn nữa cho năm 2014.

Theo Hải Hồ

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên