MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hành trái phiếu quốc tế, Việt Nam sẽ thể hiện được mình?

Việc phát hành thành công một trái phiếu được đăng ký mua nhiều với lãi suất thấp sẽ chứng tỏ được với thị trường quốc tế rằng những yếu tố vĩ mô kể trên đã thay đổi – báo cáo của VPBS nhận định.

Trong buổi họp báo Chính phủ tháng 8, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông báo, Chính phủ Việt Nam dự định phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ. Trước thông tin này, giới chuyên gia đã bàn luận rất sôi nổi nhưng do chưa có những thông tin cụ thể hơn nên mọi ý kiến vẫn ở dừng lại ở trao đổi, bàn luận.

Khoản dự trữ ngoại hối dồi dào đủ sức chi trả các khoản nợ

Theo báo cáo của công ty chứng khoán VPBS, Chính phủ không nhất thiết phải phát hành trái phiếu USD.

“Chính phủ hiện tại đang có khoản dự trữ 36 tỷ USD, hoàn toàn đủ sức để chi trả các khoản nợ vay bằng USD khi đến hạn. Hơn thế nữa, các ngân hàng Việt Nam đang có nhu cầu cao nắm giữ trái phiếu tiền Đồng” – báo cáo của VPBS viết.

Theo báo cáo, tuần trước, kho bạc nhà nước đã huy động thành công 90% lượng trái phiếu chính phủ 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ dự thầu đạt 1,97 lần và lãi suất tiếp tục được đẩy xuống mức thấp của lịch sử. Vì vậy, Chính Phủ có thể dễ dàng tiếp cận thị trường trong nước để đáp ứng nhu cầu vay vốn của mình.

Về điều này, trong một bài viết trước của TS Phan Minh Ngọc, chuyên gia đã nêu ý kiến, dự trữ ngoại hối là để phục vụ cho các sứ mệnh quan trọng hơn nhiều, trong đó có việc can thiệp và bình ổn tỷ giá, hoặc những cơn sốc vĩ mô, chứ không phải là để dành cho một chủ thể kinh tế nào đó vay thương mại, kể cả đó là Chính phủ.

“Bản thân phần lớn khoản dự trữ ngoại hối này cũng không phải là để nằm nhàn rỗi trong két sắt của NHNN hoặc trong tài khoản của các ngân hàng đại lý của NHNN, mà thường đã được đem đầu tư vào một tài sản tài chính nào đó của nước ngoài có hưởng lãi.” – TS Phan Minh Ngọc nói.

Hơn nữa, theo chuyên gia, cho dù dự trữ ngoại hối đã đạt mức kỷ lục nhưng nếu quy ra số tuần/tháng nhập khẩu thì cũng chỉ quanh quẩn con số 3 tháng nhập khẩu, là mức tối thiểu để được gọi là an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Nói cách khác, con số trên 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối thực ra không thể gọi là lớn đến mức dư thừa để có thể "vung tay quá trán".

Cơ hội từ lãi suất giảm

Theo công ty chứng khoán VPBS, thuận lợi đầu tiên khi phát hành trái phiếu đồng USD là chi phí. Thời điểm này là thời điểm thích hợp để phát hành trái phiếu USD do trái phiếu được định giá bằng lãi suất hoán đổi LIBOR cộng thêm một mức lãi suất biên. Cả hai mức lãi suất này đều đang giảm xuống kể từ đầu năm nay.

Lãi suất hoán đổi LIBOR kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 3,07% hồi đầu năm xuống 2,57% vào ngày 5/9/2014. Trong khi đó, giá hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng của Việt Nam (CDS) đã giảm từ mức 300 điểm hồi đầu năm xuống mức rất thấp là 190 điểm hiện nay.

Dựa trên 2 yếu tố này, VPBS tính toán: lãi suất trên thị trường của trái phiếu Chính Phủ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 6,1% từ đầu năm 2010 đến hiện tại là 4,5%. Mặc dù lãi suất trái phiếu Chính phủ bằng tiền Đồng đang giảm dần nhưng vẫn ở mức 7,86% - cao hơn rất nhiều so với trái phiếu bằng USD.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề chi phí phát hành, chuyên gia Bùi Kiến Thành đánh giá: “Nếu nói trước đây mình vay với lãi suất cao và giờ có khả năng vay với lãi suất thấp để trả nợ cũ thì đừng quên là đi vay không chỉ có lãi suất mà còn có cả phí bảo lãnh, phí phát hành … Các nhà tư vấn cho Chính phủ phải tính toán và cân nhắc điều này. Còn nữa, khoản vay 750 triệu USD trước đây còn đang lưu hành trên thị trường. Phát hành trái phiếu mới cũng không có nghĩa là mua ngay lại trái phiếu cũ được.”

Cũng đề cập đến vấn đề này, công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng mặc dù lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam liên tục giảm từ đầu năm đến nay nhưng mức lãi suất vẫn khá cao nếu so với thời điểm năm 2005 và 2010. Vì vậy, nếu phát hành trái phiếu để đảo nợ, Chính phủ khó có thể có được mức lãi suất thấp hơn.

Phát hành trái phiếu quốc tế để thể hiện với thế giới rằng mình có thể làm điều đó

Một lý do mà VPBS cho rằng Việt Nam nên phát hành trái phiếu quốc tế trong thời điểm hiện tại là để thể hiện với thế giới rằng mình có thể làm việc đó.

Vài năm trước đây, nếu Việt Nam chào bán trái phiếu cho các nhà đầu tư quốc tế, sẽ có 3 vấn đề được đặt ra: lạm phát cao, đồng nội tệ yếu và Vinashin. Gần đây, các tổ chức xếp hạng tín dụng như Moody’s, Standard&Poor và Fitch đều nhận định thời gian gần đây nền kinh tế của chúng ta đã có những bước phát triển tốt.

“Nhưng việc phát hành thành công một trái phiếu được đăng ký mua nhiều với lãi suất thấp sẽ chứng tỏ được với thị trường quốc tế rằng những yếu tố vĩ mô kể trên đã thay đổi. “ – báo cáo nhận định.

Theo VPBS, trong thời kỳ phát hành trái phiếu, các cán bộ Chính phủ sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư trái phiếu tiềm năng và mô tả Việt Nam trong tương lai là nền kinh tế có lạm phát thấp, tăng trưởng ổn định, và xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ. Truyền bá thông điệp về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam không những có lợi cho chính phủ mà còn có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tính đến nay, chỉ có một nhóm nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam có thể huy động vốn từ thị trường quốc tế như Vingroup, HAGL và Ngân hàng Vietinbank. Tuy nhiên tình hình hiện tại đã tạo ra nhiều khó khăn cho các công ty, kể cả những doanh nghiệp mạnh trong việc tiếp cận nguồn vốn thực hiện dự án mới. Thông qua việc thể hiện những thế mạnh của Việt Nam cho nhà đầu tư, Chính phủ có thể mở đường cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế.

Tuy vậy, VPBS cũng khuyến nghị Chính phủ nên thực hiện việc phát hành trái phiếu một cách thận trọng vì thị trường trái phiếu quốc tế có thể thay đổi nhanh chóng. Hiện tại, FED và Ngân hàng trung ương châu Âu đều khẳng định sẽ giữ mức lãi suất thấp cho tới năm sau. Song cuối cùng tỷ lệ lạm phát của Mỹ sẽ tăng lên và FED sẽ tăng lãi suất. Khi đó, có thể các nhà đầu tư sẽ không còn quan tâm đến một thị trường cận biên như Việt Nam và chuyển hướng đầu tư của họ về nước Mỹ.

“Hiện tại đang có cơ hội cho Việt Nam phát hành thành công trái phiếu với lãi suất thấp. Nếu Việt Nam thực hiện việc này quá chậm và phát hành sau khi cơ hội đó qua đi thì khả năng thành công sẽ thấp hơn và không tạo ra những thuận lợi như đã đề cập.” – báo cáo kết luận.

Đảo nợ không thể làm tăng uy tín cho Việt Nam

Trước ý kiến trên, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, khi Chính phủ đã công bố là phát hành trái phiếu mới để đảo nợ thì không thể làm tăng uy tín cho Việt Nam được. Một doanh nghiệp hay một nhà nước cần phải đảo nợ là đã có vấn đề rồi. Và nếu việc đảo nợ này thành công thì lại là câu chuyện thành công với giá nào, lãi suất bao nhiêu?

Ông Bùi Kiến Thành nói thêm, hiện nền kinh tế Việt Nam cũng không thể nói là sáng sủa để đi giải trình cho các NĐT quốc tế.

"Nếu phải trưng bày tất cả những thực trạng của nền kinh tế Việt Nam cho cả thế giới đánh giá khách quan, e rằng kết quả mong đợi sẽ không phải là bức tranh hồng như các báo cáo chính thức mô tả. Và việc hệ số tín nhiệm của trái phiếu Việt Nam hiện nay đã cận biên với "Trái phiếu Rác" (Junk Bond) sẽ còn phải được xem xét lại."

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định, mục đích vay mới để trả nợ cũ có thể khiến NĐT quốc tế e ngại. Song các chuyên gia tin rằng điều đó sẽ tốt hơn cho Việt Nam.

“Chúng tôi đánh giá thời điểm thích hợp để phát hành trái phiếu quốc tế là trong năm sau khi Chính phủ tìm được nhà đầu tư phù hợp và điều kiện vĩ mô cải thiện hơn giúp nâng cao hình ảnh đối với NĐT quốc tế. Nếu đảo nợ thành công, chúng tôi tin rằng điều đó sẽ tốt hơn cho Việt Nam, dù rằng đây chỉ là một biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian trả nợ.”

>>> Có nên phát hành trái phiếu quốc tế?

Lan Nguyên

trangntm

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên