MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quay về đáy giá từ khi niêm yết, nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà mua OGC?

Đã về đến mức giá thấp nhất trong lịch sử là 2.500 đồng/cổ phiếu, liệu OGC có tiếp tục bị giảm sâu hơn nữa với tình trạng giao dịch của phiên cuối tuần qua?

Thông tin Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank với giá 0 đồng được chính thức đưa ra vào 25/4-tại ngày ĐHCĐ của OceanBank. Các phiên giao dịch ngay sau đó của OGC-Ocean Group-một tổ chức nắm giữ đến 20% cổ phần OceanBank ở trạng thái: Bán hoảng loạn, mua cầm chừng. Rồi, khi OGC giảm về mức giá "ly trà đá", cổ phiếu lại được ồ ạt mua gom....Đến phiên cuối tuần qua, giao dịch cổ phiếu OGC lại mang sắc màu mới...

Trạng thái 1: Bán hoảng loạn, mua dè chừng

Giai đoạn này, nhà đầu tư chứng kiến cổ phiếu OGC chỉ có màu xanh xám-màu giảm sàn.  Cuối phiên, dư khối lượng mua là 0 cổ phiếu, dư bán chất đống từ 26-hơn 30 triệu cổ phiếu.  Nhà đầu tư bán sàn tới tấp để mong lấy lại được chút vốn bởi lúc này, OGC đứng trước nguy cơ mất hàng ngàn tỷ đồng giá trị đầu tư vào OceanBank.

Khi cổ phiếu về mức giá 3.000 đồng tức đã giảm 25% trong một thời gian rất ngắn sau thông tin nêu trên thì lực cầu đã quay trở lại. Diễn biến giao dịch cổ phiếu OGC chuyển sang một thái cực khác: Lệnh bán khối lượng lớn tung ra, đám đông mua vào.

Cũng phải nói thêm rằng, trong giai đoạn này, giao dịch cổ phiếu OGC có đặc thù là số lệnh mua rất ít, chỉ loanh quanh dưới 300 lệnh/ngày. Thậm chí, có ngày chỉ có 98 lệnh. Trong khi đó, số lệnh đặt bán lại hơn gấp 10 lần, đạt trên dưới 3 nghìn lệnh/phiên.  Bình quân mỗi lệnh bán là gần 10 nghìn cổ phiếu. Tính nhẩm ra, giá trị mỗi lệnh bán bình quân là 30-40 triệu đồng.

Trạng thái 2: Lệnh bán khối lượng lớn tung ra, đám đông mua vào

Lòng tham có lẽ đã được kích thích khi một cổ phiếu của doanh nghiệp từng được nhìn nhận là lớn trên thị trường rơi về mức giá “ly trà đá”.

Cổ phiếu vẫn giảm sàn. Nhưng, đã có dư mua hơn 8,68 triệu cổ phiếu trong phiên 11/5. Dư bán còn lại cuối phiên này là hơn 20,37 triệu cổ phiếu. Vậy là, đã nhiều nhà đầu tư không sẵn lòng bán cổ phiếu ở mức giá sàn 2.800 đồng của ngày 11/5. Và, nhu cầu mua cổ phiếu OGC quanh mức giá này đã không được đáp ứng.

Quyết định ngày hôm đó của bên mua – bên bán đều có vẻ đúng.

Ngày 12, 13/5, cổ phiếu OGC tăng trần.

Chưa vội tính đến chuyện ai lỗ ai lãi trong quyết định mua hay bán nêu trên mà chúng ta hãy nhìn thống kê đặt lệnh cổ phiếu OGC thời gian này. Số lệnh mua đã được đẩy lên con số hàng mấy ngàn đơn vị với bình quân mỗi lệnh 5-6 nghìn cổ phiếu. Lệnh bán dè dặt hơn giai đoạn của trạng thái 1 nhưng vẫn ở mức trên 1 nghìn, dưới 2 nghìn lệnh.

Giai đoạn này, OGC có dư mua, dư bán lớn. Có hôm, dư mua cộng dồn ở các bước giá lên đến hơn 12 triệu cổ phiếu. Tức, có hơn 35 tỷ đồng đang chầu chực chờ mua cổ phiếu nhưng không có cung hàng phù hợp ở cùng mức giá.

Trạng thái 3: Lại bị bán mạnh?

Không có thông tin gì mới đáng chú ý hơn những thông tin cũ đã được đưa ra bóc tách, phiên giao dịch cuối tuần qua, OGC tiếp tục có phiên giao dịch bất ngờ đổi trạng thái.

Từ hơn 4,3 nghìn lệnh mua phiên 21/5, cổ phiếu OGC bất ngờ bị bán mạnh vào phiên cuối tuần 22/6. Số lệnh mua toàn phiên giảm về 957 lệnh dù cổ phiếu OGC đang ở mức giá thấp nhất trong lịch sử.

Khối lượng mua phiên cuối tuần chỉ 5,4 triệu đơn vị trong khi khối lượng đặt bán gần 14 triệu đơn vị. Tổng dư bán cuối phiên còn hơn 9,05 triệu cổ phiếu trong khi dư mua chỉ chưa đầy 700 nghìn đơn vị.

Đã về đến mức giá thấp nhất trong lịch sử là 2.500 đồng/cổ phiếu, liệu OGC có tiếp tục bị giảm sâu hơn nữa với tình trạng giao dịch của phiên cuối tuần qua? Đây là câu hỏi ngỏ cần thị trường phiên hôm nay giải đáp!

Hải An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên