Quỹ mở: Năng động "rã" đông nặng
Ấn tượng ban đầu lúc nào cũng quan trọng, vậy nên khi mô hình quỹ năng động trước đây không thành công cho lắm thì đến quỹ kế tiếp, sự dè dặt là khó lòng tránh khỏi.
Năng động
Nhưng kết quả của VFA đạt được là gì? Trong 3 năm 2010, 2011 và 2012, quỹ này bị thua lỗ. Tính đến thời điểm 31/10/2013, giá trị tài sản ròng (NAV) trên một đơn vị chứng chỉ quỹ (CCQ) của VFA xấp xỉ 7.200 đồng. Điều này có nghĩa là ai bỏ tiền ra mua chứng chỉ quỹ VFA hơn 3 năm trước giữ đến giờ thì vẫn đang bị lỗ.
Vậy nên, khi Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt gọi vốn để thành lập BVFED cũng với tiêu chí "năng động" thì một loạt câu hỏi được đặt ra: Mô hình quỹ năng động có gì hay? Liệu những nhà quản lý quỹ BVFED có nhìn thấy những khó khăn mà VFA đã gặp phải để rút kinh nghiệm?
Ấn tượng ban đầu lúc nào cũng quan trọng, vậy nên khi mô hình quỹ năng động trước đây không thành công cho lắm thì đến quỹ kế tiếp, sự dè dặt là khó lòng tránh khỏi.
Đầu tư năng động, hiểu một cách nôm na là đầu tư bám sát với diễn biến của thị trường, có thể tận dụng để mua khi thị trường lên và linh hoạt điều chỉnh khi thị trường giảm. Tất nhiên là ngoài việc "lướt sóng" thì quỹ năng động vẫn có thể đầu tư giá trị, đầu tư dài hạn với phương pháp đầu tư truyền thống (buy and hold).
Lúc mới ra đời, đội ngũ quản lý VFA cho biết sẽ không tìm cách dự đoán thị trường mà thay vào đó sẽ giải ngân khi thị trường xuất hiện các xu thế rõ ràng thoát ra (exit) khi các xu thế trên đã kết thúc hoặc đảo chiều.
Với trường hợp của BVFED, các nhà quản lý quỹ này cũng cho biết đã thiết lập hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ và mô hình quản trị theo chuẩn mực quốc tế, đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao với 77% là thạc sĩ, 3 CFA với ít nhất 5 năm kinh nghiệm.
Phương pháp luận công phu, mục tiêu rõ ràng, con người cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng thực ra, nhìn vào các quỹ đầu tư thì mức độ hào nhoáng cũng như nhau cả, ăn thua nằm ở khả năng "thực chiến" như thế nào mà thôi.
Khó chơi
Để đầu tư năng động tất nhiên phải bám sát với diễn biến thị trường, nhưng nói về khía cạnh này cũng cần nhớ đến công ty chứng khoán. Khi đầu tư (tự doanh), công ty chứng khoán có ít nhất 2 lợi thế, đó là có thể quan sát động thái mua bán của các khách hàng (tức nhà đầu tư), có thể theo dõi dòng tiền vào ra, đó là còn chưa nói đến những "nghi án" kiểu như công ty chứng khoán khuyến nghị mua thì tự doanh lại đem cổ phiếu bán ra.
Nhưng vài năm qua, bộ phận tự doanh của nhiều công ty chứng khoán lần lượt rơi rụng vì khó khăn, thua lỗ. Đã gắn kết chặt chẽ với thị trường mà còn thua lỗ như vậy, cứ cho là các quỹ đầu tư có thể bám sát được thị trường đi nữa, thì liệu có khả năng tận dụng cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận hay không?
Sáu tháng qua, HPG (Hoà Phát) tăng giá từ 28.000 đồng/CP lên 38.000 đồng, tỷ lệ tăng 36%. Nhưng HPG không tăng một mạch mà xen lẫn những đợt tăng giá có những đợt điều chỉnh. Chẳng hạn, hồi đầu tháng 6, HPG đạt mức giá 32.000 đồng CP nhưng sau đó lại giảm về 26.000 đồng rồi mới tiếp tục tăng trở lại.
Câu hỏi đặt ra ở đây là với trường hợp của HPG thì chiến lược "buy and hold" dễ thực hiện hơn hay giao dịch bám sát xu thế hợp lý hơn? Nếu tổng kết lại một loạt những cổ phiếu blue chip của các công ty lớn trên sàn như GAS (PVGas), VNM (Vinamilk), DHG (Dược Hậu Giang) hay HPG trong khoảng 6 tháng đến 1 năm qua thì tất cả đều tăng giá.
Nhưng bảo rằng cứ mua rồi để đó những cổ phiếu này lại không đơn giản chút nào. Diễn biến của HPG như đã nói ở trên là một minh chứng, hoặc như trường hợp của VNM hồi cuối tháng 8 đã giảm một mạch từ gần 150.000 đồng/CP xuống còn 130.000 đồng.
Trước một đợt giảm mạnh như vậy, cũng sẽ có không ít nhà đầu tư lựa chọn phương án "bán cho chắc" hoặc thậm chí nghĩ ra nhiều giả thiết khác nhau. Nhưng sau về sát ngưỡng 130.000 đồng, VNM lại tăng trở lại lên mốc 140.000 đồng CP.
Diễn biến của VNM đã "ép" không ít nhà đầu tư phải bán ra ở đáy và tất nhiên là những nhà đầu tư (kể cả tổ chức lẫn cá nhân) lựa chọn chiến thuật mua và giữ sẽ bị thử thách nghiêm trọng.
Vậy nếu sử dụng chiến thuật năng động, tức là mua vào khi tăng và có thể cân nhắc bán ra khi giảm thì sao? Thực ra khi VNM bắt đầu giảm, khó ai có thể nghĩ đến việc cổ phiếu này giảm mạnh như vậy vì đơn giản Công ty làm ăn hiệu quả, tăng trưởng đều đặn.
Nhưng đến khi nhìn ra xu hướng giảm mạnh, thì bán ra lại có thể đó chính là đáy. Điều này chỉ ra rằng mua và giữ thì có thể bị "sóng" của thị trường "dập" cho lên bờ xuống ruộng, nhưng nếu linh hoạt thì coi chừng bán đáy mua đỉnh.
Càng ngày, những đợt sóng của thị trường càng hẹp lại, khó nhận diện hơn, với những cổ phiếu lớn, phù hợp với tiêu chí giải ngân của các quỹ, thì thường chỉ cần tăng khoảng 2-3 phiên trần, hoặc tăng từ 15-20% là lượng hàng chốt lời đã tung ra ồ ạt.
Như vậy, các quỹ năng động muốn đạt được lợi nhuận sẽ phải hoạt động với cường độ lớn hơn, mua bán vừa phải nhanh, vừa phải chuẩn xác. Mà đây lại là một thách thức không nhỏ vì rõ ràng là thị trường ngày một "khó chơi".
Theo Minh Triệu