MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ mở trái phiếu hay gửi tiền tiết kiệm?

Theo báo cáo tăng NAV của các công ty quản lý quỹ, hiện nay quỹ trái phiếu MBBF có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 8,20% trong 8 tháng rưỡi kể từ khi thành lập quỹ.

Chiều 17/3, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chính thức giảm một loạt các lãi suất chủ chốt gồm lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất huy động... Trong đó đáng chú ý, lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng được điều chỉnh mạnh, từ 7% xuống còn 6%/năm.

Với trần lãi suất tiếp tục giảm mạnh, các nhà đầu tư đang gặp nhiều áp lực trong việc phân bổ tài sản của mình, đặc biệt khi mà các kênh đầu tư thông thường chưa thực sự hấp dẫn:

- Thị trường bất động sản hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn, tính thanh khoản thấp, trong khi đòi hỏi vốn đầu tư cao.

- Thi trường chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận tốt nhưng đã tăng khá nhanh trong thời gian vừa qua, rủi ro giảm giá khá cao, không phù hợp với những nhà đầu tư ưu thích sự an toàn.

- Thị trường vàng và ngoại tệ đã đi ngang, thậm chí có lúc giảm giá trong thời gian vừa qua.

Do vậy, phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích và so sánh giữa việc đầu tư vào các quỹ mở trái phiếu, một hình thức đầu tư mới trên thị trường, và gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng.

Hiện nay trên thị trường đang có 3 quỹ mở trái phiếu được chào bán tới các nhà đầu tư: Quỹ trái phiếu MBBF của Công ty QLQ đầu tư MB (thuộc Ngân hàng Quân đội), Quỹ trái phiếu VVF của Công ty QLQ đầu tư Vinawealth, và quỹ trái phiếu VFB của Công ty QLQ VFM.

Tài sản ròng (NAV) của quỹ mở bằng với giá giao dịch chứng chỉ quỹ (CCQ) đó. Khi NAV của quỹ tăng, giá trị tài sản của người nắm chứng chỉ quỹ đó cũng tăng. Theo báo cáo tăng NAV của các công ty quản lý quỹ, hiện nay quỹ trái phiếu MBBF có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 8,20% trong 8 tháng rưỡi kể từ khi thành lập quỹ, tương đương với mức tăng trưởng 10.25%/năm.

Không tăng cao như MBBF, nhưng quỹ trái phiếu VFF của CTQLQ Vinawealth – khai trương cùng thời gian khai trương với MBBF – cũng báo cáo tăng trưởng đạt 4,7% đến cuối năm 2013, tương đương với mức tăng khoảng 6,24%/năm. Một quỹ mở trái phiếu khác là VFMVFB của Công ty QLQ VFM, bắt đầu giao dịch từ giữa tháng Sáu, có mức tăng NAV tính đến ngày 31/12 là 2,48%, cũng tương đương với mức tăng khoảng 5,48%/năm.

Là công ty trực thuộc Ngân hàng Quân đội, công ty QLQ đầu tư MB đã được thừa hưởng kinh nghiệm cũng như sự nhạy bén trong đầu tư trái phiếu từ ngân hàng mẹ. Vì vậy, kết quả tăng trưởng NAV tốt nhất của quỹ MBBF cũng không phải quá bất ngờ.

Nhìn chung, các quỹ trái phiếu đều đặt mục tiêu tăng trưởng NAV cao hơn lãi suất tiết kiệm – nhằm thu hút các nhà đầu tư ưu thích an toàn phân bổ một phần tài sản của mình vào hình thức đầu tư này. Các công ty QLQ cập nhật báo cáo NAV của các quỹ mở hàng tuần trên trang thông tin điện tử của mình. Theo các báo cáo này, NAV của quỹ MBBF và VVF đã tăng trưởng ổn định trong năm 2013. Điều này giúp cho nhà đầu tư khi tham gia mua CCQ quỹ đầu tư trái phiếu không phải lựa chọn thời điểm tham gia đầu tư như đầu tư cổ phiếu mà vẫn có thể yên tâm khoản đầu tư của mình sẽ sinh lời.

Tính đến 28/02/14, NAV/CCQ của quỹ trái phiếu MBBF, VVF và VFB lần lượt là 10.976, 10.545 và 10.521 đồng/CCQ

Các quỹ mở trái phiếu, tuân thủ theo các quy định trong thông tư 183/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, có tính an toàn cao do chỉ tập trung đầu tư vào các loại trái phiếu niêm yết khác nhau. Qua trao đối với ông Ngô Long Giang, giám đốc điều hành quỹ MBBF, hiện nay quỹ trái phiếu này đang đầu tư 100% vốn huy động vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh, và tiền gửi các kỳ hạn khác nhau. Cơ cấu danh mục đầu tư này vừa bảo đảm an toàn cho vốn của nhà đầu tư, vừa đảm bảo tính thanh khoản trong trường hợp nhà đầu tư cần rút tiền qua các kỳ giao dịch định kỳ trong tháng.

Do khái niệm quỹ mở trái phiếu còn mới mẻ, các nhà đầu tư nội chưa quan tâm nhiều đến kênh đầu tư này. Qua trao đổi với các công ty quản lý quỹ, tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nội còn hạn chế, chủ yếu dưới dạng thăm dò với số lượng tiền đầu tư thấp.

Trong 3 quỹ mở trái phiếu, chỉ có duy nhất quỹ MBBF của MB Capital phát hành được thêm chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Giang cũng chia sẻ, tính đến giữa tháng 3/2014, NAV của quỹ đạt 11,025 đồng/CCQ, tăng 10,25% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng giá trị tài sản ròng của quỹ, tăng 48.15% so với tổng tài sản của quỹ kể từ khi thành lập quỹ tháng 3/3013.

Nhưng ngược lại với sự e dè của nhà đầu tư nội, nhà đầu tư ngoại lại tỏ ra quan tâm tới các quỹ mới này. Tính đến giữa tháng 3, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại quỹ VFB chiếm 99% trong khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại quỹ MBBF chiếm trên 60%.

Tuy vậy, với độ an toàn cao, tính thanh khoản tốt, mức sinh lời hấp dẫn, CCQ của các quỹ đầu tư trái phiếu sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và trở thành lựa chọn khác bên cạnh hình thức gửi tiền tiết kiệm thông thường.

Hải An

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên