MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rình cơ hội

Sang tháng 12, dòng vốn ngoại bắt đầu quay trở lại. Các NĐT nước ngoài đã mua ròng hơn 200 triệu USD giá trị cổ phiếu Việt Nam trong 11 tháng năm 2013.

“Nghi binh” trong tháng 11, dòng vốn ngoại thu hẹp hoạt động, chỉ còn mua ròng 426 tỷ đồng, giảm hơn 64% so với tháng trước đó, không tạo động lực tăng trưởng cho toàn thị trường. Tuy nhiên, sang tháng 12, dòng vốn ngoại bắt đầu quay trở lại giúp thanh khoản của thị trường được cải thiện.

Theo giới phân tích, điều này xuất hiện vì nền kinh tế Việt Nam đang tăng tốc vào những tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu; nguồn vốn FDI trở thành điểm sáng của nền kinh tế; tháng cuối của năm cũng là thời điểm các DN bước vào mùa kinh doanh, cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ dần được hé lộ…

Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là việc Chính phủ đang xem xét nới room sở hữu cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Nếu được thông qua ngay trong tháng này thì dòng vốn ngoại chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng khác biệt. Theo thống kê, các NĐT nước ngoài đã mua ròng hơn 200 triệu USD giá trị cổ phiếu Việt Nam trong 11 tháng năm 2013, trong khi dòng vốn nước ngoài lại đang rút ra khỏi một số thị trường trong khu vực.

Theo lưu ý của CTCK Rồng Việt, việc xem lại danh mục của các quỹ ETF có thể tác động tới thị trường. Đơn cử, với việc bán ra 4,6 triệu cổ phiếu VNM, Amersham Industries cùng với các đơn vị liên quan là Vietnam Enterprise Investments Limited, Norges Bank, DC Developing Grinling đã đầu tư thành công. Với mức giá khoảng 141.000 đồng của VNM trong thời gian trên, dự kiến Amersham Industries Ltd đã thu về gần 650 tỷ đồng với giao dịch này. Từ đây, vốn ngoại vào TTCK dù chưa nhiều nhưng tính đến lúc này chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.

Có thể thấy rằng, về danh mục, nếu như tháng 11 là sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và thấp thì tháng 12, tâm điểm lại dành cho các DN lớn, đầu ngành. Cụ thể, các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên sàn gồm MSN, VIC, GAS, DPM… Gần đây nhất, họ chọn mua vào các mã HPG với 334 tỷ đồng, DRC trên 242 tỷ đồng, GMD trên 232 tỷ đồng, MBB thỏa thuận hơn một triệu cổ phiếu, trị giá 12,6 tỷ đồng…

Cho dù mức tăng giá của cổ phiếu này hiện không cao như cổ phiếu nhỏ nhưng thường được ưa chuộng đối với các hoạt động đầu tư trung và dài hạn hơn.

Tuy nhiên, sự nâng đỡ của vốn ngoại là điều kiện cần để tạo xu hướng thị trường. Đơn cử, trong phiên giao dịch ngày 17/12, sau khi khối ngoại ngưng lại hoạt động bán ròng, PVX lập tức tăng trần với khối lượng khớp lệnh đạt 3,9 triệu cổ phiếu. Cuối phiên, dư mua nhiều hơn so với dư bán, trong đó dư bán hoàn toàn ở mức giá trần với 2,2 triệu đơn vị.

Ngoài PVX, một số mã bất động sản và dầu khí lớn như HUT, SCR, PVL, VCG, PVS tiếp tục có thanh khoản nổi trội hơn so với mặt bằng chung, khối lượng khớp từ 1,5 - 3 triệu cổ phiếu trong phiên.

Tổng kết lại, NĐT nước ngoài đã mua ròng hơn 4.313 tỷ đồng từ đầu năm 2013 đến nay. Trên thực tế, con số này không quá lớn so với thời kỳ đỉnh điểm của năm 2010 là 15.253 tỷ đồng, nhưng rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái hiện nay, TTCK Việt Nam vẫn hút được vốn ngoại là thành tích đáng ghi nhận.

Thừa nhận điều này, ông Ryu Sang Ho, Tổng giám đốc KIS nói rằng, TTCK Việt Nam luôn hấp dẫn NĐT nước ngoài vì mức định giá của các công ty niêm yết thấp hơn so với khu vực, cùng với tiềm năng tăng trưởng cao của các công ty.

Trở lại diễn biến VN-Index trong giai đoạn này, các nhà phân tích khẳng định, NĐT vẫn duy trì xu hướng mua vào đối với một số mã chứng khoán. Điều này không chỉ giúp nâng đỡ thị trường mà còn hỗ trợ thanh khoản của một số mã.

Chẳng hạn, theo báo cáo của CTCK Rồng Việt, trong tháng 12, các quỹ ETF là VNM và FTSE tiến hành kỳ tái cơ cấu danh mục lần cuối trong năm 2013. Đối với danh mục của VNM, HPG và PVX là hai cổ phiếu không đáp ứng đủ điều kiện nhưng cũng không có nhiều lý do để bị loại ra.

Hay đối với danh mục của FTSE, chốt theo danh mục đầu tư của FTSE Vietnam Index có 21 cổ phiếu Việt Nam với tổng vốn hóa thị trường là 3,28 triệu USD. PVT được dự báo là mã cổ phiếu có đủ điều kiện được thêm vào trong kỳ xem xét danh mục lần này, với khối lượng cổ phiếu mua thêm khoảng 6 - 7 triệu đơn vị… Ngay câu chuyện bán bớt cổ phần tại VNM của Amersham Industries Ltd, thực chất không phải NĐT muốn rút vốn mà mua thêm 3 triệu cổ phiếu CII để nâng tỷ lệ nắm giữ.

Từ xu hướng mua ròng cho thấy, khối ngoại vẫn kỳ vọng và lạc quan vào nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.

Theo Kim

phuongmai

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên