Sẽ có nhóm công tác thúc đẩy bán cổ phần DNNN
Nhóm công tác bao gồm các thành viên đến từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM, và có thể mời thêm các chuyên gia độc lập từ các quỹ đầu tư.
Việt Nam có kế hoạch thành lập một nhóm công tác có nhiệm vụ thúc đẩy việc bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh Chính phủ tăng cường đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa DNNN cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với Bloomberg ngày 24/10, ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) – cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các chuyên gia Bộ Tài chính dự kiến thành lập nhóm công tác này để giúp các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn nhanh hơn và thành công hơn. “Chúng tôi muốn tránh những lần không thành công như vài trường hợp xảy ra từ đầu năm đến nay”, ông Tiến nói.
Mặc dù không đưa ra thời điểm cụ thể, ông Tiến cho biết nhóm công tác này sẽ được thành lập “trong tương lai gần” và bao gồm các thành viên đến từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM, và có thể mời thêm các chuyên gia độc lập từ các quỹ đầu tư.
Nhóm này sẽ rà soát kỹ lưỡng khâu chuẩn bị IPO của các doanh nghiệp và “phải chỉ ra được những vấn đề có thể khiến vụ IPO đó thất bại, ví dụ thiếu thông tin minh bạch, chất lượng hàng hóa chưa tốt''. Nhóm này cũng giúp các doanh nghiệp có chiến lược quảng bá, marketing tốt hơn và “chủ động'' giúp doanh nghiệp tiếp cận cũng như kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng.
“Các vụ IPO thất bại sẽ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư và ảnh hưởng đến các vụ IPO tiếp theo. Nhóm công tác này càng sớm ra đời thì các doanh nghiệp càng có thể thoái vốn nhanh hơn, IPO thành công hơn”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, theo ông Michel Tosto - trưởng bộ phận khách hàng tổ chức và môi giới công ty chứng khoán Bản Việt, nhóm công tác này sẽ có rất nhiều việc phải làm. Thậm chí ông còn cho rằng chính phủ sẽ cần thuê các công ty chứng khoán chuyên nghiệp đảm nhiệm các vụ IPO này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vạch ra chương trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế có khả năng sẽ tăng trưởng dưới mức 7% năm thứ 7 liên tiếp. 9 tháng đầu năm, mới chỉ có 71 doanh nghiệp được cổ phần hóa trong khi mục tiêu của cả năm là 200 doanh nghiệp.
Hồi tháng 2, chính phủ công bố kế hoạch đến năm 2015 sẽ bán cổ phần của 432 doanh nghiệp nhà nước. Trong số 36 doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện IPO kể từ đầu năm đến hết ngày 22/9 vừa qua, vẫn chưa có doanh nghiệp nào niêm yết cổ phiếu để giao dịch. Tổng cộng các DN huy động được 3.140 tỷ đồng (tương đương 148 triệu USD), thấp hơn so với mức mục tiêu 4.740 tỷ đồng của các vụ IPO này.
Tháng trước, Thủ tướng vừa ban hành Quyết định buộc các doanh nghiệp nhà nước phải nhanh chóng niêm yết cổ phiếu sau khi thực hiện IPO. Đồng thời, quyết định này cũng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện IPO mà không thành công.
Thu Hương