MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sóng gió cuộc chiến giữ thương hiệu Việt

Kinh tế khó khăn kéo dài, sức khỏe doanh nghiệp Việt yếu đi cũng là lúc nguy cơ bị thâu tóm ngày càng tăng. Không ít thương hiệu Việt bị thôn tính sau một thời gian hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.

Sau lần tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thành hồi cuối tháng 4-2013, lãnh đạo Công ty CP Bibica đang tiến hành các hoạt động để có thể tổ chức lại ĐHCĐ trong thời gian tới. Việc tổ chức ĐHCĐ không thành được cho là do những mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông trong nước và nước ngoài.

Sóng gió Bibica

Thực tế, thông tin Bibica bị thâu tóm đã xuất hiện từ hơn 1 năm nay khi nhóm cổ đông chiến lược đến từ Hàn Quốc là Tập đoàn Lotte liên tục muốn đổi tên Bibica, “đòi” thay toàn bộ HĐQT, thể hiện rõ mục tiêu thâu tóm thương hiệu Việt này.

Năm 1999, Công ty CP Bánh kẹo Biên Hòa với thương hiệu Bibica được thành lập từ việc cổ phần hóa 3 phân xưởng (bánh, kẹo và mạch nha) của Công ty Đường Biên Hòa. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, Bibica trở thành một trong những thương hiệu sản xuất bánh kẹo hàng đầu tại Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài.

Bước ngoặt của công ty xảy ra năm 2007 khi hợp tác chiến lược với Tập đoàn Lotte, chuyển nhượng 30% cổ phần (khoảng 4,6 triệu cổ phần). Lotte là một trong những tập đoàn bánh kẹo lớn nhất châu Á. Theo hợp đồng hợp tác, sau khi trở thành đối tác chiến lược, Lotte sẽ hỗ trợ Bibica trong lĩnh vực công nghệ, bán hàng và tiếp thị, nghiên cứu phát triển; đồng thời phối hợp thực hiện dự án Công ty Bibica miền Đông giai đoạn 2 (tại Bình Dương), giúp công ty mở rộng và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực bánh kẹo và trở thành một trong những doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh bánh kẹo hàng đầu Việt Nam.

Đối tác chiến lược đến từ Hàn Quốc còn cam kết hỗ trợ để Bibica nhập khẩu sản phẩm của Lotte, phân phối tại Việt Nam và giúp sản phẩm của DN xuất khẩu sang Hàn Quốc...

Tuy nhiên, qua thời gian hợp tác, lãnh đạo Bibica thừa nhận đối tác chiến lược không đem đến những hiệu quả như ý muốn ban đầu của công ty. Thậm chí, Bibica còn đứng trước nguy cơ trở thành công ty con, “của riêng” Lotte. Sóng gió nổi lên khi trước kỳ họp ĐHCĐ tháng 3-2012, cổ đông sở hữu đến 38% cổ phần là Lotte đề xuất đổi tên Bibica thành Công ty CP Lotte - Bibica nhưng nội dung này đã được điều chỉnh vào giờ chót. Đến kỳ họp ĐHCĐ năm nay, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, Lotte tiếp tục đề xuất thay toàn bộ HĐQT Bibica nhưng phút chót, đại hội không diễn ra như dự kiến...

Lãnh đạo Bibica thừa nhận việc hợp tác với Lotte khiến đối tác chiến lược này hưởng lợi nhiều hơn. Tổng Giám đốc Bibica Trương Phú Chiến cho biết hiện HĐQT đang tiến hành các bước để tổ chức ĐHCĐ lần 2 do có vấn đề giữa cổ đông trong nước và nước ngoài cần thống nhất lại. “Câu chuyện hợp tác với đối tác chiến lược Lotte đem lại rất nhiều bài học cho Bibica. Thực tế, nhiều DN trong nước thấy đối tác nước ngoài có những lợi thế, tiếng tăm nên mong muốn hợp tác để cùng phát triển. Song, đó thường chỉ là bề nổi, còn định hướng chiến lược của họ mình khó biết được và rất nguy hiểm là DN có thể bị thôn tính bất cứ lúc nào” - ông Chiến băn khoăn.

Nguy cơ bị thâu tóm rình rập

Mới đây, một tập đoàn nhựa hàng đầu của Thái Lan đã mua lượng lớn cổ phần của hai DN nhựa hàng đầu trong nước là Bình Minh (BMP) và Tiền Phong (NTP), đồng thời bày tỏ ý định nâng tỉ lệ sở hữu lên 49% khiến dư luận không khỏi lo ngại các thương hiệu Việt này có nguy cơ bị thâu tóm.

Cách đây không lâu, thương hiệu nước giải khát Tribeco buộc phải tuyên bố phá sản sau khi bị thâu tóm cũng là bài học lớn cho DN Việt. Sau khoảng 20 năm có mặt trên thị trường, từ tháng 9-2012, mọi hoạt động của Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco Sài Gòn) đã chuyển sang cho Tribeco Bình Dương - công ty 100% vốn nước ngoài, sở hữu bởi tập đoàn Uni-President, cổ đông lớn nhất của Tribeco trước khi phá sản.

Các chuyên gia thương hiệu nhận xét: Tribeco bị thôn tính là điều tất yếu bởi đơn vị thâu tóm là DN hoạt động cùng ngành, cạnh tranh trực tiếp và họ muốn lấy giá trị tài sản chứ không phải thương hiệu. Nhiều thương hiệu nổi tiếng một thời như Dạ Lan, P/S… sau khi liên doanh, hợp tác với đối tác nước ngoài cũng lần lượt tuột khỏi tầm kiểm soát của DN Việt.

Luật sư Lương Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Bross và Cộng sự (Bross & Partners), nhận định: Việc thâu tóm DN thời gian gần đây trở nên rầm rộ hơn khi ngày càng nhiều DN Việt có triển vọng, hoạt động kinh doanh tốt nhưng được định giá rẻ hơn do khủng hoảng kinh tế. Sự rầm rộ này còn được “tiếp sức” bởi những khó khăn về tài chính của nhiều DN. Nếu nền kinh tế Việt Nam hồi phục chậm hơn thế giới, xu hướng DN bị thâu tóm sẽ diễn ra mạnh hơn và có phần cay đắng hơn với DN Việt. “Thôn tính DN cùng ngành hoặc ngành liên quan cũng là một cách thức cạnh tranh. Vì thế, không ít nhà đầu tư nước ngoài tỏ rõ ý định thôn tính DN trong nước” - luật sư Trung nhận xét.

Quyết không bán thương hiệu!

Từ năm 1995, tập đoàn đa quốc gia Unilever đã ngỏ ý muốn mua lại thương hiệu nước rửa chén Mỹ Hảo của Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo. Ban đầu chỉ khoảng vài triệu USD, gần đây nhất, thương hiệu này được định giá 30 triệu USD nhưng tổng giám đốc Lương Vạn Vinh quyết không bán. Nhiều tập đoàn nước ngoài khác cũng nhăm nhe hỏi mua Mỹ Hảo.

“Dù gặp nhiều khó khăn nhưng mình còn làm được, tồn tại được nên vẫn cố gắng duy trì. Nếu ai cũng bán thương hiệu cho nước ngoài thì chẳng mấy chốc, thị trường trong nước sẽ vắng bóng thương hiệu Việt. Nghĩ vậy nên tôi không muốn bán” - ông Vinh tâm sự.

Theo THÁI PHƯƠNG

thanhhuong

Người Lao động

Trở lên trên