MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TGĐ SHBS: Đã làm CTCK thì phải "có thứ có má" trong thị phần môi giới

Theo ông Nguyễn Thế Minh, tổng giám đốc CTCK SHBS một CTCK muốn tạo thương hiệu phải phát triển môi giới nhưng kiếm lợi nhuận phải đầu tư, tự doanh hoặc deal M&A.

Một năm sau khi ngân hàng Habubank sáp nhập vào ngân hàng SHB, Công ty Cổ phần Chứng khoán Habubank (HBBS) trước đây và hiện nay là Công ty cổ phần chứng khoán SHB (SHBS) đã có được những bước chuyển biến tích cực. Nhân dịp năm mới chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc SHBS về quá trình dẫn dắt công ty trong thời gian qua và định hướng của công ty trong năm 2014.

Năm 2013 SHBS có lãi nhưng con số lãi khá khiêm tốn, chỉ đạt gần 2 tỷ đồng, ông có thể nói rõ những thuận lợi và khó khăn công ty trải qua trong năm vừa qua?

TTCK năm 2013 theo tôi đánh giá là một năm khá tích cực so với các năm trước, so với cuối năm 2012, chỉ số VN-Index đã có mức tăng 22% và HNX-Index tăng 13%, quy mô giao dịch bình quân tăng 31%, và với CTCK khi thị trường có sóng thì chắc chắn có cơ hội.

Riêng với SHBS năm 2013 lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt gần 2 tỷ đồng, về con số tuyệt đối là không cao tuy nhiên đánh giá về một số tiêu chí khác thì năm 2013 SHBS đã làm được một số việc khá thành công.

Cụ thể, một trong những khó khăn của SHBS hiện nay là vốn điều lệ đang ở mức thấp (vốn điều lệ 150 tỷ, đứng thứ 59/100 CTCK trên thị trường), trong khi đó hậu quả chúng tôi nhận được từ việc tiếp quản chứng khoán Habubank - HBBS là những khoản phải thu khá lớn dẫn đến trong năm 2013 SHBS chủ yếu phải hoạt động dựa trên vốn vay.

Trong điều kiện như vậy doanh thu năm 2013 của SHBS đạt gần 45 tỷ, nếu so sánh chỉ số tỷ suất doanh thu trên vốn thì chúng tôi đứng ở vị trí khá cao trên thị trường. Đối với doanh nghiệp đương nhiên chỉ tiêu đánh giá tốt nhất là lợi nhuận tuy nhiên việc chúng tôi đạt được mốc doanh thu như thế này thực sự là một điều đáng mừng, đặc biệt nó lại ở trong giai đoạn tái cơ cấu.

Mảng môi giới của SHBS hiện nay ra sao, suy nghĩ của Ông về vai trò của hoạt động Môi giới trong Công ty chứng khoán, thưa ông?

Định hướng chiến lược của HBBS trước đây không đầu tư nhiều cho mảng Môi giới, hoạt động Môi giới của HBBS vì vậy thiếu hẳn định hướng và các sản phẩm hỗ trợ. Hệ thống công nghệ thì mới bắt đầu được triển khai đầu tư ngay vào thời điểm sáp nhập.

Thời điểm cuối năm 2012 thị phần môi giới SHBS mới chỉ đạt khoảng 0,2%, dư nợ Margin vào khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên ngay khi tiếp quản HBBS, chúng tôi đã tiến hành xây dựng lại nền tảng về công nghệ, sản phẩm và chất lượng dịch vụ để cạnh tranh và xác định Môi giới sẽ là một trong những mục tiêu hàng đầu để tạo dựng chỗ đứng trên thị trường.

Hoạt động môi giới hiện nay chịu rất nhiều áp lực, lợi nhuận thu được từ mảng này thực sự là không nhiều. Theo nguyên tắc quản trị nếu hoạt động nào không tạo ra lợi nhuận kỳ vọng thì việc xem xét sự tồn tại hay không tồn tại luôn xuất hiện trong đầu các C.E.O.

Tuy nhiên quan điểm của tôi đối với hoạt động môi giới của CTCK là hoạt động khẳng định thương hiệu của công ty đó. Mình luôn hiểu rằng mình là CTCK có nghĩa rằng hoạt động môi giới đánh giá thứ tự của anh trong ngành đó, chứ không phải là lợi nhuận – cá nhân tôi nghĩ vậy.

Đương nhiên bài học của một số CTCK khi cạnh tranh thị phần và đã phải trả giá cho sự thua lỗ dẫn đến nguy cơ phá sản thực sự những bài học lớn để chúng ta rút kinh nghiệm nhưng “cách đi đó” tôi vẫn ủng hộ. Đã làm CTCK bắt buộc anh phải “có thứ có má” trong thị phần môi giới.

Với suy nghĩ như vậy, tôi đã dành rất nhiều thời gian cho mảng Môi giới của SHBS và hiện tại SHBS đã có được đầy đủ những công cụ cạnh tranh cho cuộc đua thị phần đang diễn ra hết sức khốc liệt. Trong năm 2013, số lượng nhân sự môi giới của SHBS bao gồm cả back và hỗ trợ chỉ khoảng 20 người, tuy nhiên doanh thu môi giới đạt 4,5 tỷ - 5 tỷ, nếu tính trên đầu người thì thực sự là hiệu quả . Năm 2014 là năm SHBS xác định sẽ có những chính sách chiến lược khác biệt trong hoạt động Môi giới để đưa CK SHB xứng tầm với thương hiệu của nó.

Năm 2014 ông đặt mục tiêu gì cho SHBS?

Tôi có đưa ra kế hoạch tham vọng về môi giới. Năm nay chúng tôi đặt mục tiêu vào top 20. Thị phần đạt từ 1-1,5%, tăng trưởng 100% so với năm 2013, đến năm 2016 sẽ cố gắng cạnh tranh vào top 10, đó là mực tiêu ngắn và trung hạn của chúng tôi.

Nếu phát triển mảng môi giới, SHBS phải tăng số lượng nhân sự môi giới so với hiện tại ra sao?

Để tăng thị phần lên 1-1,5%, nhân sự của SHBS phải tăng gấp đôi gấp 3 hiện tại. Trong chính sách nhân sự mọi người có đưa ra kế hoạch là “tuyển dụng” nhân sự nhưng tôi không dùng từ tuyển dụng vì đối với người tài hiện nay tuyển dụng không thể được, tôi đưa ra chính sách rất rõ ràng là “săn” nhân sự. Nghĩa là mình phải đi tìm, đi mời những người đủ năng lực đáp ứng yêu cầu tiêu chí của mình đưa ra để mời họ về giúp mình đạt được mục tiêu của mình đề ra, phải săn bằng những chính sách chế độ.

Nhưng khi săn môi giới, SHBS phải có chính sách hoa hồng hơn hẳn, cạnh tranh về lương, vậy SHBS sẽ cân bằng bài toán chi phí ra sao, thưa ông?

Đây là bài toán kinh doanh và có thể tôi không thể chia sẻ được, nhưng tôi chắc chắn chấp nhận chi phí để tăng thị phần, nhưng chi phí đấy mình quản lý được, mình phải có chiến lược, có mảng hoạt động khác để bù đắp vào chi phí đó, để vẫn cân bằng được tài chính trong năm 2014. Mỗi khi xác định mục tiêu của chúng ta là gì thì chắc chắn phải có hy sinh đánh đổi mới đạt được mục tiêu, chỉ có điều mình cân đối được điều đó.

Ông đánh giá thế nào về vai trò hoạt động tự doanh đối với CTCK và cơ hội tự doanh trong năm 2014?

Mảng tự doanh đối với CTCK thực sự là “con dao hai lưỡi”, nó có thể tạo ra những khoản đầu tư “siêu lợi nhuận” những cũng có thể là nguyên nhân chính của sự phá sản.

Tuy nhiên tôi vẫn bảo lưu quan điểm một CTCK muốn tạo dựng thương hiệu thì phải phát triển mảng môi giới nhưng muốn kiếm lợi nhuận thì phải đầu tư, tự doanh hoặc thực hiện các deal M&A.

Hoạt động Tự doanh của CTCK có thể thực hiện theo 2 cách, một là mua bán các cổ phiếu đã niêm yết hoặc là thực hiện cac thương vụ đầu tư, mua bán doanh nghiệp tiềm năng sau đó tái cấu trúc và bán lại. Tuy nhiên trong giai đoạn nền kinh tế đang ở vùng đáy và bắt đầu bước vào chu kỳ hồi phục và tăng trưởng như thế này thì quan điểm cá nhân tôi là tập trung vào thị trường niêm yết là hợp lý nhất. Vì ở đó chắc chắn có những doanh nghiệp tốt nhưng đang được định giá thấp hơn so với giá trị thực, hơn nữa chúng ta sẽ không mất nhiều thời gian để thẩm định.

TTCK luôn phản ánh trước thực tế diễn biến của kinh tế vĩ mô nhưng mọi cái đều có giới hạn, năm 2014 bản chất nội tại của nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn, những mục tiêu đề ra của năm 2013 chưa được giải quyết được triệt để và chưa đi vào gốc rễ của từng vấn đề.

Một số chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô mới được diễn ra trong quý IV/2013, vì vậy theo ý kiến của cá nhân tôi năm 2014 mới là năm bản lề để chúng ta nhìn thấy được rõ ràng là chúng ta có thực sự vượt qua khủng hoảng và thoát ra khỏi khủng hoảng hay không.

Vì vậy TTCK cũng sẽ hồ hởi hơn nhưng sẽ có giới hạn, cá nhân tôi nhận định năm 2014 tiếp tục là năm có nhiều “con sóng’ và sẽ nhiều sóng hơn năm 2013, đặc biệt có thể có những “con sóng lớn”. Vì vậy cơ hội Tự doanh đối với các CTCK là khá lớn.

Tuy nhiên việc có thành công hay không phụ thuộc vào đội ngũ nhân sự và chiến lược đầu tư, quản trị rủi ro của từng Công ty. Đối với SHBS chúng tôi thực sự tin và kỳ vọng vào doanh thu hoạt động đầu tư trong năm 2014, chúng ta sẽ cùng chờ đợi kết quả vào dịp tổng kết cuối năm 2014.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai


phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên