MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành Thành Công ngày ông Thành trở lại: Không chỉ có mía đường

Bên cạnh lĩnh vực truyền thống là mía đường, Thành Thành Công hiện còn sở hữu hàng chục công ty lớn nhỏ trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, du lịch...

Sau gần 2 năm im ắng trên thương trường sau khi rời Sacombank, ông Đặng Văn Thành đã xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây với một vẻ bề ngoài đầy tươi vui. Ông đã quay trở lại công việc kinh doanh với một vai trò “vừa mới, vừa cũ”: Chủ tịch Hội đồng chủ tịch của Tập đoàn Thành Thành Công.

Thành Thành Công được ông Thành sáng lập cách đây 25 năm, với xuất phát điểm là một doanh nghiệp kinh doanh cồn, mật rỉ. Ngày nay, tập đoàn Thành Thành Công đã là tập hợp của hàng chục doanh nghiệp lớn hoạt động trên nhiều lĩnh vực như mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng, đầu tư tài chính…

Hệ thống này được gây dựng bởi quá trình mua bán sáp nhập (M&A) bền bỉ trong một thời gian dài. Ngoại trừ lần mua lại Mía đường Bourbon Tây Ninh từ tập đoàn Bourbon, các thương vụ khác của Thành Thành Công (TTC) đều diễn ra rất “yên ắng”.

Các doanh nghiệp lớn như Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Du lịch Bến Tre, Xuất nhập khẩu Bến Tre, Điện Gia Lai… đều là kết quả của quá trình M&A kéo dài. Thương vụ mới nhất là mua lại CTCP Du lịch Golf Việt Nam (VNG).

Cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp mía đường trong hệ thống Thành Thành Công sau khi hợp nhất NHS vào BHS và SEC vào TTC Tây Ninh.

Hợp nhất để giảm sở hữu chéo

Trước đây, TTC không muốn công khai việc nắm trong tay cùng lúc nhiều doanh nghiệp mía đường lớn; do đó mà sở hữu tại từng công ty bị phân mảnh dẫn đến tình trạng sở hữu chéo rất phức tạp. Tuy nhiên, song song với sự trở lại của ông Thành, tình hình đã có sự thay đổi đáng kể.

Đầu tiên là việc Bourbon Tây Ninh chính thức mang tên Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh), doanh nghiệp sản xuất mía đường đầu tiên của hệ thống mang tên Thành Thành Công. Tiếp đến là quá trình thống nhất sở hữu, giảm sở hữu chéo khi tiến hành hợp nhất Đường Ninh Hòa vào Đường Biên Hòa và SEC Gia Lai vào TTC Tây Ninh.

Sau khi tiến hành hợp nhất, ngành mía đường sẽ được thu về 2 đầu mối chính là Đường Biên Hòa: nắm cổ phần của Đường Ninh Hòa, Mía đường Phan Rang và Mía đường 333; TTC Tây Ninh nắm cổ phần của SEC Gia Lai và Mía đường La Ngà. Đây đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn hàng đầu trong ngành mía đường.

Bản thân Công ty Đầu tư Thành Thành Công thời gian gần đây đã trực tiếp nắm cổ phần/gia tăng tỷ lệ nắm giữ của một số công ty thành viên. Các động thái gần đây nhất là mua vào cổ phần của Sacomreal, tăng tỷ sở hữu tại TTC Tây Ninh, mua cổ phần của Điện Gia Lai  - GEC và Vinagolf …

Từ mía đường đến bất động sản, du lịch, năng lượng

Không được biết đến nhiều như mía đường, hệ thống TTC có một danh mục đầu tư đáng kể vào một số lĩnh vực khác như bất động sản, du lịch, giáo dục, năng lượng, đầu tư tài chính…

Đối với mảng bất động sản, TTC hiện có 5 công ty thành viên là Sacomreal, Toàn Thịnh Phát, Khu công nghiệp Thành Thành Công (trước đây là Bourbon An Hòa), Công ty Đặng Huỳnh và Công ty Kho vận Thiên Sơn.

Các công ty thành viên trong lĩnh vực du lịch sở hữu hệ thống hơn 20 khách sạn, resort gồm 1.000 phòng nghỉ như Khách sạn Michelia Nha Trang, Pegasus Resort, Khu du lịch Đồi Mộng mơ, Khu dịch Thung lũng Tình Yêu (Đà Lạt)…Không chỉ hướng đến các trung tâm du lịch lớn lớn, TTC còn đi thâu tóm những doanh nghiệp du lịch ở tỉnh lẻ như Du lịch Bình Thuận, Du lịch Bến Tre...

Khi Công ty Điện Gia Lai (GEC) tiến hành cổ phần hóa, TTC thông qua các công ty thành viên và ngân hàng Sacombank đã mua lại phần lớn cổ phần của công ty này. Thương vụ này mang lại nhiều lợi ích khi GEC sở hữu nhiều dự án thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên cũng như sở hữu Công ty Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC Gia Lai).

Bản thân các doanh nghiệp mía đường cũng đầu tư các nhà máy nhiệt điện chạy bằng bã mía.

Trong mảng nông nghiệp, TTC còn sở hữu phần lớn cổ phần của CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm từ quả dừa. Cách đây không lâu xuất hiện thông tin ông Thành tham gia vào một dự án chăn nuôi bò Kobe tại Lâm Đồng.

Không xuất hiện chính thức trong danh sách các công ty thành viên nhưng một số công ty khác như Công ty Thương mại Đầu tư Thuận Thiên, CTCP Đầu tư Tín Việt… vẫn có sự hiện diện đáng kể trong hệ thống TTC.


Theo công bố trên website của Thành Thành Công, hiện tổng tài sản của tập đoàn đạt này đạt hơn 24.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 10.680 tỷ đồng, vốn điều lệ 8.280 tỷ đồng, lợi nhuận trung bình hàng năm đạt hơn 800 tỷ đồng.

>> Các bài viết kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10

Kiến Khang

duchai

Tài chính Plus

Trở lên trên