MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thật thật ảo ảo lợi nhuận doanh nghiệp

Từ lỗ, hai công ty hoạt động trong ngành thủy điện và nhiệt điện bất ngờ báo lãi đậm. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xây dựng và bất động sản cũng có nhiều sự thay đổi lớn.

Tăng hàng trăm tỷ đồng sau kiểm toán

Khá bất ngờ khi CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP) báo lỗ “khủng” 176 tỷ đồng trong năm 2011. Càng bất ngờ hơn, cũng chính BTP sau kiểm toán lại có lãi hơn 62.7 tỷ đồng.

Theo thuyết minh BCTC, trước kiểm toán doanh thu bán hàng của BTP được ghi nhận theo sản phẩm điện. Trong khi đó, doanh thu bán hàng sau kiểm toán chỉ được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn 5 điều kiện: (1) công ty đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa, (2) công ty không còn nắm giữ quyền quản lý, kiểm soát hàng hóa, (3) doanh thu được xác định tương đối chắc chắn, (4) công ty đã thu hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng, (5) xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.

Như vậy, số liệu trước kiểm toán được hạch toán theo giá điện tạm tính theo giá của năm 2010 bao gồm 100% giá biến đổi và 90% giá cố định.

Số liệu doanh thu sau kiểm toán được ghi nhận theo quyết toán giá điện mới. Do đó, tổng doanh thu sau kiểm toán đã tăng gần 261 tỷ đồng lên mức hơn 2,400.8 tỷ đồng. Từ sự điều chỉnh này, sau kiểm toán lãi ròng của BTP đạt hơn 62.7 tỷ đồng, khác biệt xa so với mức lỗ “đậm” 176 tỷ đồng trước kiểm toán.

Tương tự, với mức tăng thêm 93 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán, CTCP Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP) đã có lãi đến 74.6 tỷ đồng trong năm 2011. Điều này trái ngược hoàn toàn với mức lỗ 18.5 tỷ đồng công bố trước đó.

Sự khác biệt lớn nhất này vẫn đến từ việc điều chỉnh khoản mục doanh thu thuần. Cụ thể, doanh thu thuần trước kiểm toán đạt 258 tỷ đồng, sau kiểm toán thành 374.3 tỷ đồng, tức tăng đến 116.3 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán ghi nhận doanh thu thuần của công ty dựa trên giá trị hợp lý của các khoản đã thu hoặc sẽ thu được sau khi trừ đi các chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại. Chính cách ghi nhận doanh thu này đã làm tăng 116.3 tỷ đồng doanh thu thuần của TMP.

Một trường hợp khác là PTL. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, các cổ đông đã chất vấn ban điều hành việc doanh thu và lợi nhuận 2011 của công ty tăng mạnh lên 963.81 tỷ đồng và 143 tỷ đồng sau thuế, trong khi lợi nhuận sau thuế từ năm 2008 - 2010 điều chỉnh hồi tố, chỉ còn 45.19 tỷ đồng, gần như tan biến so với các số liệu công bố trước đây. Nguyên nhân cũng tương tự như những doanh nghiệp trên, chủ yếu do từ năm 2012 công ty này thay đổi chính sách kế toán ghi nhận doanh thu, lợi nhuận đồng thời điều chỉnh lại các chỉ tiêu từ năm 2011 trở về trước.

Những chiêu “xào nấu” báo cáo tài chính

Chưa nói đến động cơ của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY), thông thường việc biến động mạnh trong lợi nhuận trước và sau kiểm toán đều bắt nguồn từ nguyên nhân áp dụng không đúng, không đầy đủ các chuẩn mực kế toán. Nếu rơi vào trường hợp này có thể thấy bộ máy kế toán của doanh nghiệp hoạt động thiếu nghiêm túc, không hiệu quả.

Ở thái cực khác, nhà đầu tư có khả năng hoài nghi về động cơ thực sự của doanh nghiệp đằng sau các số liệu ảo. Bởi vì trên thực tế, việc biến hóa trong kết quả kinh doanh cũng không hẳn là quá khó. Ví dụ, cách “biến hóa” số liệu phổ biến nhất là nâng doanh thu khống lên, giảm chi phí xuống bằng cách bỏ bớt các hóa đơn chi phí ra. Chiêu thức thường hay áp dụng là việc doanh thu rơi vào 30/12, nhưng doanh nghiệp cố tình đưa vào năm sau làm năm nay lỗ. Trong khi đơn vị kiểm toán lại cho rằng doanh thu phát sinh ngày nào thì hạch toán ngày đó. Với cách làm này, lợi nhuận năm sau tăng cao nhưng rất dễ trở nên ảo. Động cơ chung của trường hợp này là kích giá cổ phiếu trong tương lai.

Theo một chuyên gia giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế TPHCM, hai mục thường được sử dụng chiêu thức nhất phải kể đến là đầu tư và các khoản phải thu.

Theo vị này, các hoạt động đầu tư bị các công ty kiểm toán săm soi rất kỹ vì hay xảy ra trường hợp DNNY đưa vào tài sản mà không đưa vào chi phí. Khi đó dẫn đến chi phí thấp và phản ánh sai. Với các khoản phải thu, chẳng hạn doanh nghiệp ký hợp đồng, không giao hàng nhưng ghi nhận các khoản phải thu làm doanh số tăng cao. Sau đó, lại hủy hợp đồng…

Vị chuyên gia này cũng lưu ý đến một số đặc thù ngành có cách ghi nhận doanh thu phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài. Đơn cử như ngành điện lực có đặc thù là phụ thuộc vào hợp đồng đã ký với Tập đoàn điện lực (EVN). Trong trường hợp chưa ký được hợp đồng mới với EVN thì họ bán theo giá cũ với mức thấp. Khi thương lượng cao hơn thì điều chỉnh tăng lên.

Trong khi đó, ngành bất động sản lại liên quan đến việc bán căn hộ. Doanh thu được ghi nhận khi khách hàng nộp tiền theo tiến độ hoặc theo hợp đồng đến ngày khách hàng phải trả tiền. Có một số công ty ghi nhận doanh thu toàn bộ khi khách hàng ký hợp đồng. Có trường hợp khách hàng đóng tiền một đợt, nhưng các lần sau họ không đóng tiếp mà doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu. DNNY lợi dụng điều này để kích doanh thu cao. Tuy nhiên, không đơn vị kiểm toán nào chấp thuận việc doanh nghiệp ký hợp đồng đóng tiền 5 đợt, trong khi lại ghi nhận doanh thu trong đợt đầu.

Dù với cách làm nào, có động cơ hay không nhưng một khi lợi nhuận biến động mạnh, thiệt thòi rồi cũng thuộc về doanh nghiệp. Một khi tạo thông tin ảo trên thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ban điều hành, lợi ích của cổ đông lớn và rất dễ đánh mất niềm tin của nhà đầu tư.

Về phần nhà đầu tư, để bảo vệ “túi tiền” của mình, ngoài việc xem xét báo cáo kiểm toán, nhà đầu tư cũng cần soi kỹ báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hiểu được các đặc thù ngành. Đặc biệt là nên lưu tâm đến các công ty có thâm niên trong ‘danh sách đen” để có cách ứng phó hợp lý.

Theo Bội Mẫn

Finfonet

phuongmai

Trở lên trên