MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán 2014 sẽ ấm hơn

Hơn 83,6% các CEO tham gia khảo sát tỏ ra lạc quan trước dự báo về doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2014 tới đây sẽ cao hơn so với năm 2013.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2014 sẽ nhận được nhiều xung lực tích cực hơn nhờ xu hướng thế giới từng bước ổn định và TTCK quốc tế khởi sắc hơn, cũng như nhờ tình hình kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều cải thiện hơn so với năm 2013.

Năm 2014, TTCK các nước, nhất là tại các trung tâm đầu tầu kinh tế thế giới sẽ được hâm nóng hơn nhờ hiệu ứng lan tỏa tích cực của GDP toàn cầu tăng khoảng 3,5 - 4,1%, tức cao nhất trong 4 năm qua với sự phục hồi hoặc tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và tiếp tục duy trì các gói kích thích tài chính của hầu hết các trung tâm kinh tế lớn, như Mỹ, EU, Nhật và Trung Quốc; cũng như bởi thương mại thế giới sẽ có bước phát triển ấn tượng hơn, với mức tăng chung khoảng 4,5%, tức gần gấp đôi năm trước.

Ở trong nước, TTCK sẽ nhận được nhiều xung lực tốt bởi môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ những thuận lợi đến từ những cơ hội gia tăng xuất khẩu và đón nhận dòng vốn từ nước ngoài gắn với xu hướng hồi phục kinh tế thế giới nêu trên, cũng như từ cộng hưởng hiệu ứng tích cực của một loạt chính sách vĩ mô mà Việt Nam đã triển khai và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2014, nhất là từ chính sách giảm thuế.

Cơ hội kinh doanh trong nước được mở ra, do đó, sức nóng trên TTCK cũng sẽ đậm hơn nhờ việc giảm lãi suất, tiếp tục nới lỏng linh hoạt tài chính và tín dụng, trong đó có mở rộng và tăng tốc giải ngân đầu tư công cho các dự án trong kế hoạch.

Bên cạnh đó, niềm tin tiền đồng sẽ tiếp tục được giữ vững nhờ dự trữ ngoại hối tăng 3 lần trong năm 2013 và tỷ giá chỉ tăng khoảng trên dưới 2% trong cả năm 2013 và cũng tăng không quá 3% như cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước. Lạm phát sẽ được kiểm soát nhờ những nỗ lực nêu trên, cộng với nhiều cơ sở để tin rằng khó có việc tăng hoặc giảm mạnh giá vàng năm 2014 sau khi đã rớt giá khoảng 30% trong năm 2013, nhất là khi đồng USD đang mạnh lên.

TTCK năm 2014 sẽ đặc biệt được hỗ trợ tích cực bởi nhiều khả năng, các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và chuyển nhượng các dự án, thu hút FDI sẽ tăng mạnh, nhất là những lĩnh vực giàu tiềm năng của Việt Nam, như ngân hàng, chứng khoán, nông nghiệp, bất động sản, tiêu dùng. Quá trình này còn được cộng hưởng bởi sự tăng tốc quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm.

Sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu chung, tăng cường công tác quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp sẽ cho phép tăng thêm kỳ vọng vào sự thành công của chặng đường tái cơ cấu DNNN nói riêng và tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế nói chung, từ đó tạo động lực và cơ hội mới phát triển TTCK hiệu quả hơn.

Những cơ hội làm nóng TTCK còn nhận được từ lòng tin phục hồi kinh tế Việt Nam được ghi nhận bởi bản thân cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từ giới quan sát quốc tế.

Báo cáo khảo sát động thái DN của VCCI vừa công bố cho thấy, khoảng 50,7% DN có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014, còn 42,5% DN sẽ mở rộng quy mô kinh doanh và 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh, chỉ có 0,1% DN có thể sẽ phải tạm ngừng hoạt động.

Quyết định mở rộng quy mô kinh doanh năm 2014 của các DN dựa trên kỳ vọng tốt hơn về doanh thu, giá bán, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, năng suất lao động và lượng đơn đặt hàng.

Hơn 83,6% các CEO tham gia khảo sát tỏ ra lạc quan trước dự báo về doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2014 tới đây sẽ cao hơn so với năm 2013, còn 11,5% cho rằng tình hình kinh doanh sẽ không có nhiều thay đổi, chỉ chưa tới 5% dự đoán tình hình kinh doanh năm tới sẽ xấu đi.

Theo hãng tin CNBC, tính đến ngày 23.12.2013, chỉ số VN-Index của TTCK Việt Nam đã tăng 23%, so với mức giảm 6% của chỉ số MSCI Emerging Markets Index - thước đo các thị trường chứng khoán mới nổi - trong cùng kỳ so sánh.

Cùng với những thay đổi tích cực kinh tế trong nước và quốc tế, dự kiến TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tăng điểm tốt hơn các thị trường ngang tầm khác trong khu vực trong năm 2014, đặc biệt khi tính đến cuối năm 2013, thâm hụt thương mại - gót Asin của nền kinh tế Việt Nam - đang dần cải thiện, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì ở mức cao và lần đầu tiên kể từ 2009 đã quay đầu tăng vượt năm trước trên 50%.

Còn theo như Giám đốc đầu tư công ty quản lý quỹ Asia Frontier Capital (Việåt Nam) Adreas Karall, kinh tế và TTCK Việt Nam đều có tiềm năng khởi sắc rất lớn và hấp dẫn trong một chu kỳ kinh doanh mới đã bắt đầu.

Theo Minh Phong

phuongmai

Đại biểu nhân dân

Trở lên trên