MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán năm 2014: Thời vận đang trước cửa

Nhằm tạo thêm sức cầu cho TTCK, các giải pháp hút vốn đầu tư nước ngoài, như việc nới room; đàm phán với ESMA để các công ty quản lý quỹ của Việt Nam huy động được quỹ từ châu Âu... đã được tính tới.

Niềm tin kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng và thị trường chứng khoán (TTCK) phục hồi là gam màu chủ đạo trong lĩnh vực kinh tế năm 2014. Đây là nhận định của ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH.

Thưa ông, có nhiều đoán định rằng TTCK sẽ khởi sắc trong năm 2014. Ông nhận định gì về dòng tiền vào thị trường sắp tới? Nguồn vốn nào sẽ là lực đỡ thị trường?

Về nguyên tắc, TTCK là bức tranh gam màu thực trạng của nền kinh tế, đồng thời cũng phản ánh nhìn nhận của công chúng đầu tư đối với nền kinh tế. Trong thời gian vừa qua, các chỉ số của TTCK liên tục tăng cao, trong đó VN-Index tăng tới 22%; HN-Index tăng 13% và TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong 10 TTCK có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới.

Dấu hiệu khởi sắc của TTCK cho thấy, nền kinh tế về căn bản đã hội tụ những điều kiện cần thiết để duy trì xu hướng tăng trưởng. Đồng thời nhận định trên cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đối với TTCK ngày một củng cố, nhưng cũng là niềm tin vào sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong năm tới. TTCK trong thời gian tới vẫn sẽ dựa trên nguồn nội lực, tuy nhiên, dòng vốn ngoại cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

Để khai thông dòng vốn ngoại, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 213/2012/TT-BTC nhằm tiết giảm thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tiếp cận TTCK Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng xem xét nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư và các tổ chức phát hành. Ngoài ra, UBCKNN cũng đã trình Bộ cho chủ trương để UBCKNN đàm phán để ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Cơ quan giám sát tài chính châu Âu (ESMA), nhằm tạo điều kiện cho các công ty quản lý quỹ của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường và huy động vốn từ các quốc gia châu Âu.

Chuyện nới room cho vốn ngoại, xử lý nợ xấu, tái cấu trúc DN và ngân hàng trong năm 2013 đã tác động như thế nào đến TTCK. Các tổ chức đầu tư có kỳ vọng gì trong năm 2014?

Các thông tin liên quan tới tiến trình nới room cho vốn ngoại, thành lập VAMC để xử lý nợ xấu, tái cấu trúc DNNN và hệ thống ngân hàng là tích cực và đều phản ánh ngay vào biến động giá và chỉ số của TTCK. Đây là những nền tảng căn bản mang tính kỹ thuật hỗ trợ thị trường tăng điểm.

Tuy nhiên, để TTCK duy trì đà tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, bản thân các doanh nghiệp niêm yết phải hoạt động hiệu quả, lành mạnh. Có nghĩa là, nền kinh tế phải được tiếp sức bởi các chính sách vĩ mô khác để có thể tiếp tục tích tụ các điều kiện hỗ trợ tăng trưởng. Nhìn chung, trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi, các doanh nghiệp đã có những bước cải thiện nhất định, thì sự tăng trưởng hợp lý của TTCK là điều có thể trông đợi.

Khủng hoảng kéo dài khiến không ít DN khó đáp ứng điều kiện mà UBCKNN đặt ra. Trong khi đó, đã đến lúc cần nâng điều kiện niêm yết và phát hành, điều này có mâu thuẫn không thưa ông?

Việc nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng đã được thể chế hóa và đó cũng là chủ trương đúng, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK. Tuy nhiên, TTCK cũng đã và đang dần trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc minh bạch hóa các hoạt động quản lý và điều hành doanh nghiệp, minh bạch hóa hoạt động giao dịch. Như vậy, công tác tái cấu trúc nâng cao chất lượng hàng hóa cần phải được thực hiện song hành cùng với việc hoàn thiện tổ chức thị trường, góp phần thu hẹp thị trường tự do, minh bạch hóa thị trường các chứng khoán giao dịch đại chúng.

UBCKNN cũng đang cân nhắc, xem xét trình Bộ Tài chính sửa đổi các quy định pháp lý, từ đó đưa Up - com trở thành một hệ thống giao dịch dành cho các cổ phiếu của các công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết trên TTCK.

Một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư tổ chức còn e ngại là tính minh bạch và kỷ luật thị trường chưa hiệu quả. UBCKNN sẽ có biện pháp gì để tăng tính hấp dẫn?

TTCK thực tế mới trải qua trên 10 năm phát triển. Bản thân nhà đầu tư, cơ quan quản lý đều đã có rất nhiều nỗ lực để tự học hỏi, tự trải nghiệm và cùng nhau đưa TTCK trở thành một thực thể quan trọng, nắm giữ một vị thế ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Sự vận hành ổn định, thông suốt, mặc dù còn nhiều thăng trầm, tuy nhiên trong xu hướng phát triển đã là một thành công không thể phủ nhận.

Hệ thống quản lý, giám sát và các quy định cưỡng chế thực thi, chế tài xử lý, được liên tục cập nhật, điều chỉnh kịp thời. Trong vòng 7-8 năm, nhưng có tới 2 Luật, 8 Nghị định của Chính phủ và 145 các Thông tư, Quyết định, Quy chế... do Bộ Tài chính, UBCKNN ban hành đã thể hiện những nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý. Các vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh và kỷ luật thị trường ngày một chặt chẽ hơn.

Một điều dễ nhận thấy là thị trường ngày một phát triển, khung pháp lý và thể chế quản lý thị trường ngày một hoàn thiện, nhà đầu tư ngày càng có kinh nghiệm và ý thức hơn về các quy định pháp lý, các thành viên thị trường ngày càng ý thức được giá trị của đạo đức nghề nghiệp, thương hiệu, uy tín. Và đặc biệt là nhận thức tốt hơn về việc phải tuân thủ theo quy định pháp luật.

Tái cấu trúc TTCK sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Vậy theo ông, nhóm giải pháp nào mang tính đột phá trong năm 2014?

Tái cấu trúc TTCK không chỉ là mục tiêu, mà thực tế còn là công cụ hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, DNNN và cả nền kinh tế. Trong năm 2014, các giải pháp tái cấu trúc TTCK sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, cần tính tới các giá trị gia tăng mà ưu thế của TTCK có thể tạo ra, hỗ trợ cho công tác tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và DNNN. Cụ thể:

Thứ nhất, nhằm tạo thêm hàng hóa chất lượng cao với tiến trình minh bạch hóa cơ cấu cổ đông, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và DNNN, thì việc đưa cổ phiếu của các NHTMCP vào niêm yết, đăng ký giao dịch sẽ được UBCKNN, Bộ Tài chính và các bộ ban ngành khác phối hợp triển khai thực hiện. Ngoài ra, để đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ công tác quản trị rủi ro và thu hút thêm nhà đầu tư, các sản phẩm chứng khoán mới sẽ từng bước đưa vào giao dịch, ví dụ như các sản phẩm ETF, các sản phẩm chứng khoán phái sinh…

Thứ hai, nhằm tạo thêm sức cầu cho TTCK, các giải pháp thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, như việc nới room; đàm phán với ESMA để các công ty quản lý quỹ của Việt Nam huy động được quỹ từ châu Âu; việc nghiên cứu để triển khai hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung… đã và đang tiếp tục thực hiện, hoàn tất.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trần Hương

thanhhuong

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên