MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường mua bán sáp nhập công ty chứng khoán ảm đạm

Những CTCK có ngân hàng đứng phía sau hậu thuẫn không có nhu cầu thâu tóm để nâng cao vốn. Nhu cầu vốn là nỗi lo của những CTCK nhỏ.

Sự tồn tại của khoảng 100 CTCK và nhất là trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay khiến nhiều người phỏng đoán việc mua bán sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ sôi động. Song, giới chuyên gia không đồng tình.

10 CTCK hàng đầu đã chiếm hơn 50% thị phần môi giới, trong khi số đông phải san sẻ nhau "miếng bánh" ít ỏi còn lại. Tuy nhiên, không có nhiều vụ mua bán sáp nhập giữa các CTCK nhỏ này với nhau, là khẳng định của ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc Chứng khoán VPBank tại Diễn đàn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam 2011 diễn ra hôm qua ở TP HCM.

Ông lấy ví dụ, cuối năm ngoái, CTCK Vincom khai tử sàn giao dịch ở Hà Nội đã thỏa thuận nhường lại khách hàng ở khu vực phía Bắc cho chứng khoán VPBank. Song, do chính sách hỗ trợ khách hàng ở 2 nơi khác xa nhau, nên không mấy nhà đầu tư chịu đầu quân nơi mới là Chứng khoán VPBank.

Mặc khác, những CTCK có ngân hàng đứng phía sau hậu thuẫn không có nhu cầu thâu tóm để nâng cao vốn. Nhu cầu vốn là nỗi lo của những CTCK nhỏ. Thế nhưng, cổ đông lớn ở các công ty nhỏ này thường không chung ý tưởng, quan điểm quản trị nên dù việc sáp nhập sẽ tạo thế mạnh về vốn, năng lực cũng khó có thể xảy ra. Chưa kể những rối rắm phát sinh cho công ty hợp nhất. Bởi khách hàng chỉ đi theo môi giới, doanh nghiệp thân thiết với nhân viên tư vấn nhưng khi sáp nhập sẽ cơ cấu bộ máy nhân sự. Việc cắt giảm lao động đồng thời cũng mất lượng khách hàng, doanh nghiệp tiềm năng...

Cho nên, theo ông Dũng, M&A trong lĩnh vực này chủ yếu do các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, ngân hàng thâu tóm CTCK vì muốn mở rộng lĩnh vực hay đặt chân vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, sự tồn tại khá nhiều CTCK trong khi quy mô thị trường còn nhỏ so với các nước và không ít công ty hiện rất khó khăn, thậm chí có thể phải dừng hoạt động do thua lỗ nặng... một lần nữa nóng bỏng trên diễn đàn. Một phương án được các diễn giả đề cập là Ủy ban chứng khoán có thể dùng biện pháp tăng vốn điều lệ lên cao hơn nữa. Khi đó, việc sáp nhập hoặc thâu tóm giữa các CTCK sẽ sôi động hơn.

Tổng giám đốc CTCK Bản Việt - Tô Hải cũng khẳng định: "2011 không nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực chứng khoán, bởi thị trường này kém sáng sủa". Trong khi đó, lộ trình tăng vốn điều lệ ngân hàng lên 3.000 tỷ đồng hoãn thực hiện đến cuối năm nay, dự đoán không có nhiều vụ sáp nhập, trừ khi có sự bắt buộc. Các nhà băng vẫn đang tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài.

Thay vào đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ nằm trong tầm ngắm của những doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân có vốn lớn trong tay. Đặc biệt, ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ dự kiến sẽ có nhiều thương vụ M&A nhất trong năm nay.

Những trường hợp như: Saigon Petro, PV Oil thời gian qua chào mua công khai COM (Công ty cổ phần vật tư xăng dầu). Hoặc các công ty Nhật mua cổ phiếu Việt (Quỹ DIAIF mua 25% cổ phần của Nutifood, doanh nghiệp đồ uống Nhật mua lại IFS, Giấy Sài Gòn phát hành riêng lẻ cho doanh nghiệp Nhật...) là các ví dụ điển hình cho thấy sự sôi động của M&A trong lĩnh vực này.

Ông Hải cho biết, M&A 2011 tái cấu trúc theo mục tiêu tập trung hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh, hơn là phấn đấu tiết giảm chi phí.

Nhà đầu tư nước ngoài mong muốn điều gì ở doanh nghiệp Việt để hợp tác đầu tư, cũng là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm tại Diễn đàn. Ông Mayooran Elalingam (Deutsche Bank) chia sẻ, quy mô các công ty ở Việt Nam chưa lớn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, ông hiến kế có thể các công ty nhỏ này hợp lực lại với nhau thành tổng thể lớn hơn, khi đó sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, thông tin các doanh nghiệp công bố ít ỏi, báo cáo thường niên chỉ tập trung nói về hoạt động kinh doanh hơn các tin liên quan giao dịch tài chính, những cổ đông lớn... khiến nhà đầu tư nước ngoài rất mù mờ và thiếu những thông tin cần thiết.

Năm 2010, Việt Nam có 345 thương vụ với trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 65% so với 2009.

Các thương vụ điển hình trong ngành chứng khoán 2010:

CTCK Hàn Quốc KIS mua 49% vốn điều lệ CTCK Gia Quyền.

Công ty của Nhật mua 49% vốn điều lệ CTCK Hoa Anh Đào.

Nhóm nhà đầu cá nhân mua 74,52% CTCK E-Việt.

Công ty cổ phần Đại Dương mua 75% CTCK Đại Dương OSC.

Tập đoàn SBI mua 20% CTCK FPT...

Những thương vụ này, giá giao dịch gần bằng mệnh giá, ngoại trừ thương vụ SBI - FPTS có giá khá cao (4,5 lần mệnh giá). Đối tượng tham gia là các đối tác nước ngoài (hầu hết mới tham gia thị trường), một số ngân hàng chưa có CTCK trực thuộc, cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho nhau.


Theo Bạch Hường
VnExpress


phuongmai

Trở lên trên