MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tư 217: Tăng thẩm quyền cưỡng chế cho Chánh thanh tra UBCK

Các biện pháp cưỡng chế bao gồm khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt ...

Ngày 31/12/2013, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 217/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2014.

Một điểm quan trọng của Thông tư 217 khác biệt so với Thông tư 37/2011 trước đó là Bộ Tài chính trao thêm quyền cho Chánh thanh tra UBCK Nhà nước.

Theo thông tư này, Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được xử phạt theo thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP (phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, các trường hợp phạt từ 1 tỷ - 2 tỷ phải thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBCKNN), trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện qua hoạt động thanh tra chuyên ngành thì thẩm quyền xử phạt thuộc Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Một điểm mới trong thông tư là Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Chánh Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (quy định trước có chỉ duy nhất Chủ tịch UBCK có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế).

Các biện pháp cưỡng chế bao gồm khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; kê biên chứng khoán có giá trị tương ứng với số tiền phạt; Thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; Áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác ...

Các điều khoản, mức phạt đối với các hành vi vi phạm trên TTCK nhìn chung vẫn dựa trên Nghị định 108/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên Thông tư này quy định thời hiệu xử phạt là 2 năm kể từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm đã kết thúc hoặc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm đang thực hiện (là ngày lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm).

Ngoài ra, các hành vi vi phạm được quy định thời hiệu xử phạt cụ thể như:

• Vi phạm về việc chào bán, phát hành chứng khoán (khoản 3 Điều 4 Nghị định 108) cũng được quy định cụ thể (ngày bắt đầu thời hiệu xử phạt là ngày kết thúc việc thu tiền mua chứng khoán).

• Vi phạm về việc không đưa cổ phiếu đã chào bán ra công chúng lên niêm yết trong vòng 1 năm (khoản 2 Điều 6 Nghị định 108) thời hiệu xử phạt được tính kể từ ngày chứng khoán đã chào bán ra công chúng được đưa vào niêm yết hoặc đăng ký giao dịch đối với vi phạm đã kết thúc hoặc kể từ ngày lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm đối với vi phạm đang được thực hiện;...

Trong thời hạn quy định mà các cá nhân tổ chức trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ ngày chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tiền phạt tối thiểu và mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Thông tư 217 cũng quy định cụ thể về việc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành và hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán quy định tại đỉem a Khoản 3 Điều 3 Nghị định 18 theo hướng trong 1 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, cá nhân tổ chức vi phạm phải công bố trên 1 tờ báo trung ương 3 số liên tiếp và trên trang thông tin điện tử của công ty về việc hoàn trả tiền mua chứng khoán và tiền đặt cọc (cộng thêm lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tính từ ngày NĐT nộp tiền đến ngày cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền cho NĐT).

Thông tư cũng quy định chi tiết các trường hợp cụ thể về hành vi vi phạm giao dịch nội bộ và thao túng thị trường chứng khoán. Nếu một người dùng nhiều tài khoản thì số lợi bất hợp phát được tính trên tổng các tài khỏan được sử dụng còn một nhóm người thao túng thì số lợi bất hợp pháp được tính trên từng tài khoản được sử dụng. Nếu mức thiệt hại đến mức quy cứu hình sự thì UBCK chuyển sồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Download thông tư 217

Hoàng Ly

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên