MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tư 36 còn không đáng ngại, Thông tư 07 lo gì?

Thông tư 36 cho đến thời điểm này được đánh giá là không tác động xấu đáng kể đến thị trường, huống nữa là Thông tư 07.

Trước một số lo ngại về tác động của Thông tư 07 đến thị trường chứng khoán, nhiều người tham gia thị trường có dịp nhìn lại tác động từ Thông tư 36 đến dòng tiền đổ vào cổ phiếu. Có người cho rằng Thông tư 36 của NHNN cho đến thời điểm này còn được xác định là không tác động đáng kể đến thị trường, huống là Thông tư 07 của Bộ Tài chính.

Theo Thông tư 07/2016/TT-BTC, vừa có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 3/2016, một nội dung khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại là các công ty chứng khoán không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba.

Thông tư này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu vay ký quỹ thời gian qua tăng cao, phần lớn các công ty chứng khoán (CTCK) không đủ tiềm lực tài chính để đáp ứng nhu cầu cho vay “margin” nên đang tìm cách cho vay khách hàng thông qua hình thức liên kết hợp tác với các ngân hàng.

Với hình thức này, các ngân hàng vẫn trực tiếp cho vay khách hàng, với tài sản đảm bảo là tiền gửi của CTCK. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng vẫn yêu cầu gửi trực tiếp vào trong ngân hàng rồi dùng tài sản đó làm tài sản bảo lãnh.

Nhưng về bản chất, đây vẫn là CTCK cho vay, nên được đánh giá là không có gì khác biệt.

Vậy tại sao các CTCK lại dùng biện pháp đó? Theo một chuyên viên phân tích chứng khoán, vì các CTCK muốn lách tỷ lệ về an toàn tài chính, nhất là khi dư địa cho vay với một số mã cổ phiếu đã hết nên họ buộc phải thông qua ngân hàng để cho vay.

Thông tư 07 sẽ hạn chế việc CTCK mang tài sản đảm bảo ra làm bảo lãnh để cho khách hàng vay từ phía ngân hàng.

Như vậy, Thông tư 07 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền phần vào thị trường, nhưng mức độ tác động không nhiều, vì thông tư này khó có thể tác động đến những công ty có vốn chủ sở hữu lớn như HSC, SSI hay VND – cũng là những công ty có thị phần môi giới hàng đầu. Bản thân các CTCK có vốn chủ sở hữu lớn cũng muốn cho khách hàng vay, không muốn chia sẻ phần lợi nhuận cho vay với ngân hàng.

Chuyên gia chứng khoán trên cho rằng việc Bộ Tài chính đưa ra Thông tư 07 vào lúc này chắc chắn đã qua một quá trình nghiên cứu, sau khi thấy được luồng tiền đó. Cách đây không lâu cũng đã có 1 công văn yêu cầu đánh giá lại khoản vay của các CTCK.

Vị chuyên gia này cho rằng chính sách mới này sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, phát triển bền vững hơn, giống như Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước trước đây.

“Thời kỳ đầu khi Thông tư 36 được đưa ra vào năm ngoái, gần như ai cũng kêu trời. Nhưng sau khi đưa vào thị trường vẫn ổn định, chả có vấn đề gì. Đối với tác động của Thông tư 07, thị trường sẽ không có vấn đề gì quá tiêu cực,” ông đánh giá.

Về dài hạn, minh bạch cũng yếu tố quan trọng giúp thị trường Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

“Vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán là tạo kênh huy động vốn, tạo tính minh bạch cho doanh nghiệp, chứ không phải nới tạo ra sóng kiếm tiền”, vị chuyên gia trên nhận định.

Lịch sử gần đây cho thấy khi một chính sách được đưa ra, thị trường có hay biến động. Ví dụ, nhiều chính sách của NHNN gần đây ban đầu đưa ra cũng gây sốc cho thị trường, nhưng sau một thời gian thấy ổn định trở lại: dự trữ ngoại hối tăng, hệ thống ngân hàng rất ổn định so với thời điểm trước. Thị trường chứng khoán cũng giống vậy, những thông tư, nghị định như Thông tư 36 hay Thông tư 07 dự kiến sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, mang lại tác động tính tích lâu dài cho thị trường.

Đánh giá về tác động của Thông tư 36 đến thời điểm hiện tại, vị chuyên gia trên cho rằng thông tư đó giúp tăng tính minh bạch, hiệu quả của dòng vốn.

Trước đây khi chưa có Thông tư 36, các ngân hàng cho vay rất nhiều cho thị trường mà không quản lý được. Cái nguy hiểm nhất, cũng giống như các khoản vay dưới chuẩn tại thị trường Mỹ trước đây, cho vay nhưng không quản lý được số lượng cho vay. Khi ra đời, Thông tư 36 giúp quản lý tốt hơn nguồn tiền từ ngân hàng vào thị trường chứng khoán.

“Với Thông tư 36, bao nhiêu người bảo hạn chế dòng tiền, nhưng cuối cùng chẳng có gì cả. Khẳng định là tỷ lệ margin vẫn như thế, nó tùy thuộc xem nguồn lực của CTCK cung cấp cho nó có tốt hay không,” vị chuyên gia trên đánh giá.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

Trở lên trên