Tin tưởng chừng mực
Nhà đầu tư, cổ đông cũng phải đối mặt với rủi ro liên quan đến báo cáo tài chính của công ty, còn các công ty kiểm toán cũng phải đối mặt với rủi ro trong công việc của mình.
Công ty kiểm toán dù có làm kỹ lưỡng đến mấy cũng không dễ gì có thể nắm bắt toàn bộ hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Trong một số nghiệp vụ, kiểm toán viên chỉ có thể chọn mẫu một cách ngẫu nhiên với tỷ lệ 5 - 10% trên tổng số dữ liệu. Nói như một kiểm toán viên có khá nhiều kinh nghiệm thì nếu doanh nghiệp đã chủ động "né" hoặc muốn "lừa" thì công ty kiểm toán cũng rất dễ bị qua mặt.
Hợp tác
Giám đốc một quỹ đầu tư kể lại câu chuyện những năm trước đây, khi công ty mà quỹ của ông đầu tư chuẩn bị niêm yết, ông đã đưa ra lời khuyên với chủ tịch HĐQT nên chọn công ty kiểm toán thuộc nhóm 4 công ty lớn nhất thế giới (Big 4). Nhưng sau khi tham khảo mức giá của các công ty Big 4, vị chủ tịch này có phần chần chừ vì so với các công ty khác, giá "tứ đại gia" đắt hơn và cho rằng công ty nào kiểm cũng được, miễn sao mình minh bạch là ổn.
Tuy nhiên, vị giám đốc đầu tư này đã giải thích thêm rằng khi Big 4 kiểm toán cho công ty, thì không chỉ là việc công ty thuê kiểm toán, mà chính công ty kiểm toán cũng "chọn" công ty để thực hiện. Công ty được những KPMG, E&Y, Deloitte hay PwC kiểm toán thì vị thế trên thị trường, trong mắt các tổ chức tài chính, đầu tư cũng sẽ được nâng lên. Nhưng ngược lại, khi công ty kiểm toán có thêm khách hàng là một công ty lớn thì hồ sơ thành tích cũng sẽ hoành tráng hơn nữa.
Công ty kiểm toán cũng là doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì phải có thu nhập, lợi nhuận. Nguồn thu của công ty kiểm toán dựa trên việc đánh giá tính chính xác, hợp lý của báo cáo tài chính. Nếu doanh nghiệp minh bạch thì sự hợp tác giữa công ty kiểm toán và doanh nghiệp là sự hợp tác cùng có lợi.
Nhưng nếu doanh nghiệp không minh bạch, thì lợi ích chung sẽ bị phá bỏ, và từ hợp tác có thể chuyển sang "đối mặt", đây rõ ràng là điều cả doanh nghiệp lẫn kiểm toán đều không mong muốn. Với công ty kiểm toán, sau khi được doanh nghiệp mời về, nhưng lại nhận ra những dấu hiệu không minh bạch có thể từ chối, nhưng cũng có thể tiếc nuối vì mất đi một khách hàng. Trường hợp công ty chứng khoán dù không minh bạch, nhưng cũng rất ngại việc mời hết công ty kiểm toán này đến công ty khác về vì những công ty sau sẽ đặt dấu hỏi vì sao các công ty trước đó đã rút lui.Như đã nói ở trường hợp của Big 4, những công ty kiểm toán này với vị thế của mình sẽ được quyền chọn công ty, tất nhiên công ty nào quá rủi ro thì công ty kiểm toán sẽ từ chối. Bản thân các công ty lớn, tiền nhiều cũng sẽ chọn những tên tuổi lớn để nâng cao vị thế. Công ty nhỏ dù muốn được Big 4 kiểm toán thì bài toán kinh phí và mức độ cần thiết cũng có thể là rào cản.
Và rủi ro
Chính những điều này đã góp phần dồn những công ty tốt nhất thuộc về các công ty kiểm toán tốt nhất và những doanh nghiệp nhỏ là khách hàng của các công ty kiểm toán nhỏ hơn. Vì vậy, công ty kiểm toán nhỏ rất khó lòng có được quyền chọn lựa khách hàng như Big 4 và rủi ro có thể tăng lên. Thực tế, công ty kiểm toán nhỏ không có nghĩa là trình độ kém hơn công ty kiểm toán lớn. Vẫn có những nhân sự chủ chốt của công ty kiểm toán nhỏ trước kia làm việc ở các công ty lớn mà ra.
Sự chênh lệch ở đây nằm ở vấn đề rủi ro. Công ty kiểm toán lớn, nhân sự giỏi lại được quyền chọn lựa khách hàng nên rủi ro sẽ giảm thiểu. Trong khi đó, với công ty kiểm toán nhỏ, không được chọn lựa khách hàng, nhân sự cũng không thể dồi dào như công ty chứng khoán lớn, nhưng lại phải đối mặt với những công ty "có vấn đề" nên tất nhiên rủi ro cũng lớn hơn.
Đây chính là một phần thiệt thòi của các công ty chứng khoán nhỏ. Cũng chính điều này, nên Phó Tổng giám đốc một công ty kiểm toán tầm trung, cũng có khá nhiều khách hàng nước ngoài đủ sức kiểm toán các công ty niêm yết, nhưng lại rất dè dặt với phân khúc khách hàng này. Ông cho biết, khi đã kiểm toán cho công ty niêm yết, nhiều khi thu nhập tăng không bao nhiêu, nhưng lại phải đối mặt với rất nhiều áp lực, nhiều khi rủi ro xảy ra, không phải do mình, mà do khách hàng, sẽ rất khổ sở trong việc giải trình, phân bua.
Nhà đầu tư, cổ đông cũng phải đối mặt với rủi ro liên quan đến báo cáo tài chính của công ty, còn các công ty kiểm toán cũng phải đối mặt với rủi ro trong công việc của mình. Ai cũng có rủi ro của mình, vậy nên cần tin tưởng một cách chừng mực.
Và với đặc thù chặt chẽ, thận trọng của ngành kiểm toán, những sai phạm có thể là rất ít, nhưng không có nghĩa là không có, mà nếu đã xảy ra sai phạm thì thường cũng rất nặng nề. Nên sẽ rất phi lý, nếu đặt toàn bộ niềm tin, tin tưởng một cách chắc chắn cho một vấn đề chỉ gần… chắc chắn.
Theo Khiêm An