MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TÔI ĐẦU TƯ: "Một khi làm chủ được cuộc chơi, các giao động của thị trường là cơ hội lớn để làm giàu"

Tôi vui sướng tột cùng vì nhận ra rằng cuối cùng mình cũng đã tìm ra được con đường đầu tư. Một khi nhà đầu tư có thể làm chủ cuộc chơi thì các giao động của thị trường sẽ trở thành cơ hội lớn để làm giàu.

Chia sẻ kinh nghiệm TÔI ĐẦU TƯ, anh Lê Anh Tuấn chia sẻ cảm xúc vui sướng tột cùng vì nhận ra rằng cuối cùng cũng đã tìm ra được con đường đầu tư. Một khi nhà đầu tư có thể làm chủ cuộc chơi thì các giao động của thị trường sẽ trở thành cơ hội lớn để làm giàu.

Mời độc giả đọc bài chia sẻ của tác giả Lê Anh Tuấn và đừng quên gửi bài dự thi của các bạn vào Huongnguyenthithanh@vccorp.vn / http://cafef.vn/gui-tin-nhanh.chn


Năm 2007, sau 2 năm ra trường ngành công trình giao thông tôi thấy rằng để có cuộc sống giàu có thật không đơn giản như những gì mình nghĩ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhận thấy rằng mục tiêu nghề nghiệp không thể đem lại cho mình cuộc sống đầy đủ trong ngắn hạn nên tôi quyết tâm tìm thêm nghề để làm thêm. Sau khi tìm hiểu thì thấy rằng rất nhiều người giàu có nhanh chóng từ đầu tư chứng khoán do đó tôi đã bắt đầu tìm hiểu và đi theo con đường này.

Với quyết tâm cao độ tôi bắt đầu tìm hiểu và đọc sách về đầu tư chứng khoán. Nó thật không dễ dàng chút nào cho người từ ngành kỹ thuật như tôi, hầu như cái nào cũng là từ mới đối với tôi, ngay cả cổ tức tôi cũng chưa biết là gì. Tuy nhiên nhờ chăm chỉ học hỏi nên dần dần tôi cũng biết về giao dịch chứng khoán, mặc dầu kiến thức cơ bản gần như là bằng không.

Vốn liếng lúc đầu chẳng là bao nhưng nhờ sự thăng hoa của thị trường năm 2006 và 2007 nên tôi cũng kiếm được vài chục triệu từ vốn đầu tư nhỏ nhoi ban đầu. Thấy cơ hội kiếm tiền thật đơn giản, và tin rằng mình đang đi đúng hướng tôi quyết định vay mượn người thân, gia đình để đầu tư. Chính nhờ thành quả đã đạt được của tôi nên mẹ và cậu tôi đã đầu tư cho tôi thêm 100 triệu để làm ăn.

Trong thời gian này tôi đã tiếp xúc được với triết lý đầu tư của Ông William O’neil với phương châm mua cao để bán cao hơn bằng cách tìm các công ty có doanh thu và lợi nhuận quý đột biến kết hợp với phân tích kỹ thuật chiếc cốc và tay cầm và cắt lỗ khi giá giảm 8~10%. Do đó tôi đã tổng hợp kết quả kinh doanh theo quý tìm những công ty có kết quả kinh doanh đột biến sau đó phân tích biểu đồ tuần của các mã cổ phiếu cố gắng tìm được ngày then chốt (pivot day) để mua vào.

Nhưng nếu như đầu tư mà đơn giản như tôi nghĩ thì chắc ai cũng có thể làm được.

Lúc đó tôi không thể nhận ra rằng tại thời điểm giá cổ phiếu đạt đến đỉnh cao mới nếu như công ty không có gì vượt trội thì đó cũng chính là ngưỡng kháng cự trên cực lớn, và do đó hầu như cổ phiếu sẽ đi xuống từ đỉnh này, thêm nữa kiến thức về thị trường yếu kém nên hầu hết các cổ phiếu tôi lựa chọn đều là các cổ phiếu nóng (như SD7, LBM,…) nên đến khi nhà đầu tư cá nhân mua vào được thì gần như đó là đỉnh giá. Vì vậy các chứng khoán của tôi hầu như là đi xuống sau khi mua vào. Với thị trường T+3 của Việt Nam trong giai đoạn biến động mạnh thì đến khi chứng khoán về tài khoản giá trị cổ phiếu tôi vừa mua đã giảm đi 8~20%. Vẫn tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ tôi bán ra. Nhưng khi tôi vừa bán ra thì ngày hôm sau giá cổ phiếu lại tăng lên.

Sau 3 năm lăn lộn trên thị trường tôi đã cố gắng tìm hiểu về đầu tư đã tìm và đọc nhiều quyển sách được khuyến nghị để trở thành nhà đầu tư thành công (như tôi đã kiếm 2 triệu đô như thế nào của Nicolas Davas; Chết vì chứng khoán và Hồi ức thiên tài đầu tư chứng khoán viết về Jesse Livermore) thế nhưng tôi chưa khi nào nhận được quả ngọt, nên lắm lúc muốn từ bỏ hoàn toàn.

Đến năm 2010 tổng kết lại hoạt động của giai đoạn này tôi nhận ra rằng hầu hết giao dịch của tôi đều thua lỗ, có những chứng khoán tôi mua giá 150 cắt lỗ giá 130 nhưng sau đó nó lại tăng lên thì tôi lại mua vào với giá 155 (NTL giai đoạn 2009). Và vì vậy chỉ trong năm 2007 đến 2009 tôi đã biến khoảng 150 triệu về chỉ còn có 30 triệu. Chẳng nhẽ tôi không có khả năng đầu tư nên không thể thành công chăng. Thị trường vẫn có những cổ phiếu tăng nhiều lần thế nhưng tại sao tôi chưa bao giờ nắm được dù chỉ một cơ hội! Ước mơ làm giàu càng ngày càng xa tầm với?

Do đó tôi bắt đầu đầu tư chùng xuống chủ yếu mua bán lượng cổ phiếu nhỏ để quan sát thị trường . Tuy nhiên vì vẫn áp dụng những nguyên tắc cũ do đó có lẽ tôi đang là nhà đầu cơ hơn là nhà đầu tư. Thất vọng vẫn cứ kéo dài đến năm 2012 tôi mới đặt ra suy nghĩ: Tại sao ông William O’neil nói rằng phương pháp đầu tư của ông là tuyệt vời nhưng ông ấy lại không phải là nhà đầu tư thành công nhất, mà ông Warrent Buffetts mới là người thuộc Top giàu nhất thế giới nhờ đầu tư.

Có lẽ đây là suy nghĩ mang tính bước ngoặt nhất trong quá trình đầu tư của tôi.

Từ đây tôi đã tìm hiểu cách ông ấy đầu tư, và mọi chuyện càng ngày càng sáng tỏ hơn về cách đầu tư. Tài liệu ban đầu của tôi là Phong cách đầu tư của Warrent Buffets từ đó tôi biết rằng ông ấy thành công là nhờ vào đọc được cuốn sách Nhà đầu tư thông minh của Benjamin Graham vào năm 20 tuổi và sau này là cuốn Cổ phiếu thường lợi nhuận phi thường của Phillip Fisher. Vì thế tôi đã tìm đọc 2 ấn phẩm này. Trong quá trình đọc tôi mới nhận ra là cách tiếp cận đầu tư của tôi trước nay gần như là sai lầm hoàn toàn, không có bất kì cơ sở nào cho phân tích cơ bản, không có bất kỳ tiêu chí nào để đánh giá được giá trị của khoản đầu tư vì thế cơ bản là đã đầu tư như người lạc trong rừng rậm mà không có la bàn. Áp dụng những kiến thức trên vào thị trường hiện tại tôi mới thấy rằng Ông Benjamin Graham nói đúng tuyệt đối đối với thị trường Việt Nam nơi mà tâm lý bi quan đang bao trùm, nơi mà nhiều công ty tuyệt vời đang bán với giá chỉ có P/E = 3 (như VSC, BMP, PVD,…).

Tôi như vui sướng tột cùng vì nhận ra rằng cuối cùng mình cũng đã tìm ra được con đường đầu tư, con đường mà mình có thể nắm lấy cơ hội mà thị trường tạo ra, con đường mà cá nhân người đầu tư phải làm chủ bản thân trước những giao động của thị trường. Một khi mà nhà đầu tư có thể làm chủ cuộc chơi thì các giao động của thị trường sẽ trở thành cơ hội lớn để làm giàu.

Điều quan trọng nhất mà tôi lĩnh hội được đó là khi sở hữu cổ phiếu của một doanh nghiệp thì chúng ta đang sở hữu một phần kinh doanh của doanh nghiệp đó do đó tôi nhận thấy rằng chính khả năng phân tích và tìm ra giá trị nội tại của doanh nghiệp mới là chìa khóa đưa đến kết quả đầu tư thành công. Rất nhiều công thức để tính giá trị doanh nghiệp nhưng vốn dĩ nền kinh tế biến động liên tục, nên các con số đầu vào cũng thế và vì nhà đầu tư không cứ cần phải tính toán được các con số chính xác như nhà phân tích tài chính mà chỉ cần tìm được một khoảng giá trị hợp lý cho doanh nghiệp. Sau đó kiểm tra với giá trị trường nếu đang rẻ và an toàn so với giá trị tính toán được thì chúng ta có thể tự tin mà đầu tư.

Thành quả sau khi áp dụng?

Kiên trì với đầu tư dài hạn với phân tích bản thân từ năm 2013 đến nay tôi đã đạt được một số thành tựu nhất định như năm 2013 vốn tăng 38%; năm 2014 vốn tăng 31% và năm 2015 đang tăng ở mức 44%, chưa đến 3 năm mà vốn đầu tư của tôi đã tăng hơn 2,5 lần, thật là một con số mà trước đây tôi nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.

Tại những thời điểm bi quan nhất có lẽ tôi nghĩ là mình khó mà gượng dậy nổi nhưng sức trẻ lòng đam mê trong con người tôi đã động viên tôi đứng lên đi tiếp và từ đó tôi đã làm được điều mà bản thân hằng mong mỏi đó là tìm kiếm được lợi nhuận từ thị trường chứng khoán. Hy vọng các nhà đầu tư khác cũng tìm được con đường đi của riêng mình và đạt được những thành công trong lĩnh vực tài chính.

Lê Anh Tuấn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên