Tổng giám đốc HSC: "Chúng tôi lạc quan một cách dè dặt"
Cho vay giao dịch ký quỹ còn an toàn hơn cho vay thế chấp ngân hàng vì cho vay chứng khoán thanh khoản cao hơn nhiều và có sự chủ động hơn nhiều.
- 23-02-2014HSC đề xuất cho "vay mượn cổ phiếu", giao dịch T+0
- 19-02-2014CK HSC: Dự kiến kế hoạch LN năm 2014 không tăng trưởng so với thực hiện 2013
- 22-01-2014Chứng khoán HSC: LNST quý 4 tăng mạnh, cả năm đạt 282 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch năm
- 08-01-2014HSC vẫn là quán quân thị phần môi giới sàn Hà Nội năm 2013
- 07-01-2014SSI, HSC và VCSC "nuốt trọn" 30% thị phần môi giới HSX năm 2013
Bên lề Hội thảo Phát triển TTCK năm 2014 do Ủy ban chứng khoán tổ chức, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) về triển vọng TTCK 2014 và chiến lược phát triển của HSC trong năm nay.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về triển vọng TTCK Việt Nam năm 2014 và chiến lược của HSC trong năm nay sẽ tập trung vào mảng kinh doanh nào?
Với tình hình thị truờng trong 2 tháng vừa qua theo chúng tôi quan sát thị trường có sự sôi động rất khả quan, tương đối đột biến. Mặc dù mọi người dự đoán trước được khả năng thị trường tăng sau Tết nhưng trong kế hoạch của HSC vẫn hơi dè dặt vào giai đoạn giữa năm đến hết quý 3 vì 2 năm vừa qua (2012 và 2013 thị trường tăng rất mạnh đầu năm nhưng giữa năm suy yếu).
Do đó năm 2014 chúng tôi lạc quan một cách dè dặt. Ba năm vừa qua giá trị giao dịch trung bình hàng ngày chỉ quanh 1.300 -1.500 tỷ/phiên do đó HSC chỉ đưa ra giả thiết thị trường giao dịch quanh mức 1.500 – 1.600 tỷ/ngày, tuy nhiên phiên giao dịch ngày 20/2 thanh khoản đạt trên 5.000 tỷ theo tôi là khá đột phá và có lẽ trước ĐHCĐ chúng tôi sẽ phải điều chỉnh kế hoạch một chút.
Ông Johan Nyvene |
Chúng tôi vẫn còn nhiều dè dặt vì khi nói chuyện với doanh nghiệp niêm yết họ nói rằng chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm còn khối chứng khóan thì tất nhiên luôn lạc quan và đi trước thị trường. Kế hoạch năm 2014 của HSC sẽ không đột phá nhiều, dựa vào kết quả năm ngoái (đạt 282 tỷ đồng sau thuế). Trong danh mục tự doanh còn chút dư địa năm ngoái (vẫn còn một phần chứng chỉ quỹ nhưng trường hợp này sẽ không lặp lại, chỉ xảy ra một lần thôi do đó năm nay phải tìm cơ hội khác), chúng tôi cũng mua một ít đầu năm nay. Nếu cơ hội đến, mình sẽ chụp lấy cơ hội đấy nhưng HSC không coi tự doanh như một nghiệp vụ chính.
Ông có thể tiết lộ số lượng môi giới hiện tại của HSC không?
Số lượng môi giới của HSC dao động từ 350 giảm xuống quanh 300 nhân viên môi giới, nếu giảm nữa khoảng 280.
Với tình hình thị trường lạc quan như thế này, ông có lo ngại việc môi giới kêu gọi khách hàng sử dụng margin hay có cảnh báo về đạo đức về môi giới trong thời điểm hiện tại không?
Đó là 2 câu chuyện tách bạch nhau, một mặt chúng tôi vẫn phải kinh doanh một mặt phải làm nền móng cho vững. Năm vừa qua là năm thứ 2 chúng tôi làm hệ thống quản trị rủi ro, năm 2012 bắt đầu thực hiện, năm 2013 chúng tôi xong đề án quản trị rủi ro và năm nào cũng phải củng cố. Năm nay thêm dự án hoàn thiện quy trình, tất cả quy trình từ việc nhỏ đến to phải xắp xếp lại cho chặt chẽ và đạt hiệu quả cao, việc làm nền móng hoạt động bền vững vẫn phải làm riêng. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ UBCK chấn chỉnh lại sản phẩm này để hiệu quả hơn.
Trong thời gian vừa qua sản phẩm margin chạy khá tốt, nếu thị trường có xuống việc bán tháo (giải chấp) không phải việc người ta nói đến nhiều nữa, đó là việc đương nhiên, và vào quy trình hết rồi, CTCK nào cũng làm như thế và tôi cho rằng đó không phải vấn đề lớn nữa. Cho vay giao dịch ký quỹ còn an toàn hơn cho vay thế chấp ngân hàng vì cho vay chứng khoán thanh khoản cao hơn nhiều và có sự chủ động hơn nhiều, cho vay mua nhà mua xe mình cầm tài sản đó khó thanh lý được. Theo tôi sản phẩm margin chắc chắn tồn tại lâu dài, càng ngày càng hoàn thiện hơn.
HSC đang là công ty 49% nhà đầu tư vốn nước ngoài, nếu dự thảo nới room sắp tới được ban hành, HSC có muốn bán thêm cổ phần cho NĐT nước ngoài không thưa ông?
Việc đầu tiên là ĐHCĐ tháng 4 này chúng tôi sẽ xin ý kiến cổ đông xem việc này là việc cần thiết không, khi nào ủy ban có cơ chế phát hành thì tính sau.. Về phía ban điều hành thì vốn của ai cũng là vốn, không quan trọng của NĐT nước ngoài hay trong nước. Điều cần làm là chúng tôi phải xem xét về cơ cấu vốn hiện tại đang sử dụng vốn cổ phần nhiều quá. Cơ cấu vốn hài hòa nhất phải có vốn cổ phần và vốn vay nếu không lợi suất trên vốn cổ phần rất thấp. Tuy nhiên vốn nay không dễ với ngành chứng khoán do đó mình phải liệu cơm gắp mắm.
Xin cảm ơn ông.
Phương Mai
Trí Thức Trẻ