MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc IVS: Nhân viên mới chính là yếu tố chủ đạo của Công ty

Để giữ được những nhân sự giỏi cũng là một điều khá khó khăn bởi ai cũng mong muốn được làm việc trong một môi trường to lớn hơn mà công ty mình chưa thể tạo ra được.

Có những con người từ ngày thơ ấu đã mơ ước trở thành doanh nhân và cuối cùng đã nỗ lực thực hiện được ước mơ của mình. Cũng có người trở thành Doanh nhân từ những bước ngoặt tình cờ của cuộc sống nhưng họ lại gắn bó rất lâu dài và sâu đậm với con đường kinh doanh. Khi kể lại, các Doanh nhân ấy thường dùng một từ là “cái nghiệp”.

Chúng tôi đã cuộc trò chuyện với ông Đoàn Ngọc Hoàn – Tổng giám đốc của Công ty chứng khoán IVS, một con người như thế.

Thưa ông, được biết ông xuất thân là “dân kỹ thuật” (tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội). Cơ duyên nào đã đưa ông đến với ngành kinh tế, trở thành Tổng giám đốc của một Công ty chứng khoán và là một trong những CEO Chứng khoán lâu nhất hiện nay?

Ông Đoàn Ngọc Hoàn: Tôi tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách khoa Hà nội năm 1995, sau khi ra trường tôi làm tại một ngân hàng TMCP 5 năm, sau đó chuyển sang làm tại công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) 7 năm. Đầu năm 2007, khi mà thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam bùng nổ thì tôi tham gia thành lập Công ty cổ phần chứng khoán VNS (tiền thân của IVS bây giờ), và làm Tổng Giám đốc từ thời gian đó đến nay.

Phải nói là cơ duyên đến với ngành kinh tế nó như gắn vào “nghiệp” của tôi vậy, bởi vì từ khi ra trường đến nay, tôi hầu như làm trong lĩnh vực về tài chính ngân hàng. Tuy nhiên Công nghệ thông tin (CNTT) đã giúp tôi rất nhiều trong lĩnh vực quản lý cũng như điều hành doanh nghiệp, đặc biệt đối với lĩnh vực chứng khoán đòi hỏi sử dụng CNTT rất nhiều và đóng vai trò quyết định.

Từng đạt giải quốc gia môn Toán, theo ông thì nếu học toán giỏi có thể đầu tư chứng khoán tốt được hay không?

Giữa việc học giỏi và làm công việc thực tế có khác nhau, đặc biệt là những lĩnh vực về kinh tế. Không phải cứ học giỏi thì làm kinh doanh giỏi và ngược lại. Tuy nhiên nếu học giỏi về toán thì sẽ giúp cho việc tiếp cận và nhìn nhận một vấn đề cho dù khó khăn, phức tạp cũng trở nên đơn giản và logic hơn. Đặc biệt là trong ngành chứng khoán vì việc áp dụng các kiến thức về toán nói chung cũng như thống kê toán, kinh tế lượng,… rất nhiều.

Thưa ông, trong quá trình quản lý công ty, ông thấy lúc nào là giai đoạn khó khăn nhất? Khi đó ông đã làm như thế nào để vượt qua?

Năm 2009, hầu như các công ty Chứng khoán đều mạnh tay trong hoạt động của mình từ Môi giới cho đến Tự doanh và tất nhiên đều có được kết quả rất tốt. Nhưng giai đoạn sau đó là một chuỗi thời gian cực kỳ khó khăn với TTCK và có lẽ không chỉ với IVS. Đây là giai đoạn mà tôi cho là rất nhiều khó khăn thách thức bởi không ai có thể lường hết được những gì đang diễn ra.

Nợ xấu bắt đầu xuất hiện cũng như những phức tạp mà chúng tôi gặp phải ngày một tăng lên trong hoạt động kinh doanh, các công ty đua nhau tăng doanh số và tăng tỷ lệ vay dưới hình thức góp vốn kinh doanh với khách hàng, khi mà các yếu tố về pháp lý chưa đầy đủ.

Trước tình hình đó, phải rất cương quyết chúng tôi mới đưa được quyết định để tháo gỡ khó khăn và thật may mắn là đã có quyết định hoàn toàn đúng đắn. Bảo toàn vốn, không chạy theo doanh số, không chạy theo TOP này TOP kia – chúng tôi đã chọn cách như vậy và bây giờ nhìn lại những Công ty khác mới thấy quyết định đó là hoàn toàn sáng suốt.

Vậy hiện tại, ông lựa chọn điều gì để làm điểm nhấn cho công ty chứng khoán IVS nhằm tạo sức cạnh tranh với rất nhiều CTCK khác?

Trong giai đoạn trước, rất nhiều công ty có cùng quy mô với IVS đã rơi vào khó khăn, thậm chí phá sản. Chúng tôi đã vượt qua những áp lực đó nhưng diễn biến hiện nay cũng cần phải có chiến lược mới bởi IVS hiện nay được đánh giá là một công ty có quy mô nhỏ trên thị trường.

Trước mắt Chúng tôi vẫn tập trung vào một số mảng chính như Môi giới, Tư vấn tài chính, đầu tư và tuân thủ nguyên tắc bảo toàn vốn. IVS sẽ sớm nâng quy mô vốn lên để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường cũng như yêu cầu từ các Sở. Ví dụ như để tham gia TTCK phái sinh thì quy mô vốn đã phải là 300 tỷ đồng.

Nếu không có những thay đổi lớn, những doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi này trong thời gian tới. Điểm nhấn của IVS vẫn là sức mạnh của CNTT và Tư vấn tài chính, đặc biệt trong thời gian tới IVS sẽ có sự bứt phát để phát triển khi có thêm những đối tác nước ngoài tham gia vào công ty.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, khi quá trình hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế ngày càng sâu, nhân sự ngành tài chính trong nước sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt bởi nhân sự từ các nước láng giềng chuyển dịch sang. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Thực tế thì nhiều năm nay chúng ta đã có sự cạnh tranh này nhưng do cơ chế chưa thực sự cởi mở nên chúng ta chưa nhận thấy rõ. Nếu tôi không nhầm thì sắp tới nhân sự từ các quốc gia trong khu vực ASEAN sẽ tự do di chuyển sang các quốc gia khác trong khu vực.

Những nhân sự đến từ những nước như Singapore, Indo hay Malaysia... có thị trường tài chính phát triển sẽ tạo áp lực rất lớn đối với những nhân sự Việt đặc biệt là ở những doanh nghiệp đến từ những Quốc gia của họ đang làm ăn tại Việt Nam.

Điều này là tất yếu trong quá trình hội nhập. Chúng ta không có cách nào khác là chấp nhận cuộc chơi và tìm cách chiến thắng bằng việc nâng cao trình độ bản thân.

Bên cạnh đó, có thể nhân sự giỏi của Việt Nam sẽ bị các tổ chức tài chính quốc tế “thu nạp” hết. Theo ông, làm thế nào để giữ chân và thu hút nhân tài cho công ty?

Nhân tài là nguyên khí của quốc gia và nó cũng hoàn toàn đúng với một công ty. Nhân sự giỏi thì luôn luôn có những khát khao và được thử thách trong những môi trường làm việc lớn hơn để có thể thoả chí vẫy vùng. Vì thế, chưa cần phải hội nhập sâu rộng thì ngay trong nước cuộc cạnh tranh này đã diễn ra gay gắt.

Để giữ được họ cũng là một điều khá khó khăn bởi ai cũng mong muốn được làm việc trong một môi trường to lớn hơn mà công ty mình chưa thể tạo ra được. Tuy nhiên, có những nhân sự họ vẫn trung thành và vẫn muốn cống hiến với công ty và điều đó thật sự đáng trân trọng. Chúng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng,có những vị trí cần phải giữ được họ với tiêu chí cũng nhau thấu hiểu và cùng nhau phát triển.

Một nhân viên như thế nào sẽ khiến ông thấy coi trọng nhất?

Có thể nói, lãnh đạo là cái đầu tàu, là người đưa ra những quyết sách và chịu trách nhiệm về sự phát triển của Công ty. Nhưng để làm được điều đó thì chúng tôi cần phải có những Nhân viên thực hiên các ý tưởng này và họ mới chính là yếu tố chủ đạo. Tất nhiên họ cũng phải đáp ứng được yêu cầu mà công ty đặt ra trong quá trình tuyển dụng. Trong lĩnh vực tài chính có lẽ nó cũng có những khác biệt nhất định so với lĩnh vực khác bởi các sự kiện liên tục thay đổi. Những nhân viên có chí cầu tiến, ham học hỏi, chủ động trong công việc sẽ là những nhân viên có lợi thế và được coi trọng.

Xin cảm ông rất nhiều!

>>> Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10

Bảo Ngọc

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên