MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] Chứng khoán APS muốn "nhảy" vào mảng quản lý quỹ, nhận sáp nhập 1 CTCK khác

Một số công ty chứng khoán nhỏ mong muốn sáp nhập vào APS và công ty cũng đang tính toán về chủ trương này. Dự kiến năm 2014 công ty sẽ nhận sáp nhập 1 CTCK khác.

Sáng nay, Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APS) tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2014.

Theo APS, năm 2013 được xem như nền kinh tế đã chạm đáy, nhiều chính sách cải tổ kinh tế đã được ban hành và sẽ phát huy tác dụng trong năm 2014, do vậy theo đánh giá của Ban lãnh đạo công ty, năm 2014 sẽ là năm khởi sắc của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong ngành chứng khoán vẫn chưa chấm dứt và ngày càng khốc liệt hơn do vậy Ban lãnh đạo công ty vẫn đề ra chiến lược phát triển, đặt chỉ tiêu mức tăng trưởng trung bình cao 50%so với năm 2013 đối với tất cả các bộ phận công ty.

Kế hoạch LNST năm 2014 dự kiến là 14,86 tỷ đồng, tăng so với mức 11,69 tỷ đồng đạt được cả năm 2013.

Lần ĐHCĐ này, APS cũng trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 390 tỷ đồng lên 410 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 2 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với giá bán 10.000 đồng/CP (cao hơn thị giá hiện tại).

Đến 9h, ĐHCĐ bắt đầu phiên họp. Tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội là hơn 26 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ 66,67%.

ĐHCĐ đã thông qua danh sách chủ tọa, ban kiểm phiếu và ban thư ký đại hội. Đặc biệt, đại hội có sự tham dự của ông David Roses là người đại diện cho cổ đông lớn Asean Small cap fund của công ty.

Trong phần chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đỗ Lăng, ông cho biết, năm 2013 công ty có thêm sự đầu tư của Công ty chứng khoán Niko. Công ty này đã rót vốn mua mua cổ phiếu của công ty thông qua quỹ Lucern Enterprise.

Chia sẻ về kế hoạch phát hành riêng lẻ của mình, chủ tịch HĐQT Nguyễn Đỗ Lăng cho biết, công ty mong muốn “nhảy” vào mảng quản lý quỹ. Dù rằng, mảng hoạt động này hết sức cạnh tranh nhưng công ty có sự trợ giúp của các cổ đông ngoại. Công ty cũng bổ sung thêm tờ trình ĐHCĐ thông qua bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành cho APS.

Ngoài ra, công ty cũng cho biết, một số công ty chứng khoán nhỏ mong muốn sáp nhập vào APS và sau kỳ đại hội này có thể chúng tôi lại tiếp tục xin ý kiến cổ đông về vấn đề nhận sáp nhập công ty chứng khoán khác.

Cổ đông hỏi-lãnh đạo trả lời:

Một cổ đông của công ty cho rằng thị trường chứng khoán vừa qua xuất hiện nhiều con sóng lớn, liệu, CTCK có quá bi quan không khi không đẩy mạnh hoạt động tự doanh. Liệu quý 2 có điều chỉnh hay không?

Theo tôi thì không nhiều lý do để điều chỉnh. Chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi. Qúy 2 có thể có đợt điều chỉnh nhưng về dài hạn vẫn có xu hướng đi lên.

Còn về môi giới, đã có lúc công ty "mải mê" với tự doanh và để vuột mất một phần thị phần môi giới. Những bài học về cạnh tranh bằng mọi giá để lọt top 10 môi giới của nhiều công ty chứng khoán thông qua margin là điều đã từng xảy ra. Chúng tôi vẫn mong muốn đẩy mạnh môi giới nhưng không phải bằng mọi giá.

Chúng tôi phải hạ phí xuống để đi đến đích. Chúng tôi không thể chi quá nhiều tiền để tuyển dụng môi giới, để phát triển thị phần theo cách thông thường. Chúng tôi muốn đi con đường khác: con đường quản lý quỹ và nhắm vào đối tượng ngoại. Bằng cách này, với chi phí thấp hơn nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể quay trở lại top 10 môi giới. Đây cũng là lý do mà chúng tôi dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ lần này.

Về tự doanh, ông Lăng chia sẻ: Quản lý cho cá nhân dễ hơn rất nhiều so với quản lý danh mục của một công ty quản lý lớn. Sự rủi ro và trách nhiệm đối với đồng tiền của nhà đầu tư rất lớn. Ông Lăng kể lại câu chuyện trao đổi với lãnh đạo một công ty quản lý quỹ: "Danh mục của các anh tăng bao nhiêu % năm 2013"; "35%". Lúc đó tôi đã nghĩ rằng 35% cho năm ngoái thì đâu phải là lớn...Và, lãnh đạo công ty quản lý quỹ đó hỏi ngược lại tôi: "sao anh không hỏi danh mục cá nhân của tôi tăng bao nhiêu %?-200%!".

Ông David Roses, đại diện quỹ Asean Small cap fund chia sẻ: Hiện chúng tôi đang đầu tư 30-40 công ty ở Việt Nam. Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam từ tháng 12/2011 nhưng đã theo dõi thị trường các bạn trong nhiều năm. Đến 2011, chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam đã chạm đáy và chúng tôi đầu tư. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư quan ngại việc giảm giá liên tục của thị trường nhưng chúng tôi cho rằng: "Thị trường không thể giảm mãi". Đây là do vì sao chúng tôi ở đây-đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trước đây, hơn 60% danh mục của chúng tôi ở Indonesia, Thái Lan nhưng bây giờ đã hoàn toán rút vốn ở các thị trường này. 85% danh mục hiện tại của chúng tôi là ở Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng vào thị trường Việt Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh về Cycle-Tính chu kỳ của nền kinh tế. Lúc này, sau giai đoạn giảm sâu thì nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục và chúng tôi tin rằng chu kỳ tăng còn diễn ra vài ba năm nữa.

Ông David Roses phát biểu tại ĐHCĐ

Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên