MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ giao dịch 07/05: Hàng về và sau 3 ngày, cổ phiếu đầu cơ đã giảm mạnh nhất

Hôm nay, khối lượng hàng được mua vào ngày 04/05 sẽ về tài khoản và đang có gần 70% số cổ phiếu trên sàn giảm giá so với giá tại ngày 04/05, trong đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ chính là những cổ phiếu giảm mạnh nhất với mức giảm trên dưới 20%

VNindex có một phiên giao dịch khá giằng co, nhưng cuối cùng vẫn là giảm điểm. Chốt phiên chỉ số giảm 3,35 điểm về mốc 549,3 điểm tương đương 0,61% trong khi HNX giảm 0,85 điểm còn 79,38 điểm tương đương 1,06%. Thanh khoản trên hai sàn có giảm so với 2 phiên trước đó nhưng vẫn khá tốt, đạt 86 triệu cổ trên HO và 50 triệu cổ trên HA. Sự lao dốc ở nhóm cổ phiếu đầu cơ diễn ra rõ rệt.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh phiên hôm qua với 212 tỷ đồng được giao dịch. Đáng chú ý nhất là 5 triệu cổ phiếu HHS được mua ròng, tương ứng 102 tỷ đồng. Bên cạnh đó là các mã khác như CTG 24,8 tỷ; PVD 20,4 tỷ; VCB 12 tỷ; GAS 9,5 tỷl MSN 9,3 tỷ…Về phía bán ròng chỉ có 2 mã được bán ra nhiều là HPG 16,8 tỷ và DXG 5,6 tỷ.

Trên HNX thì ngược lại khi khối ngoại bán ròng 6,5 tỷ đồng tập trung vào 3 mã PVS 5 tỷ; IVS 2,6 tỷ và SHB 1,8 tỷ.

Hôm nay, khối lượng hàng được mua vào ngày đỏ lửa 04/05 sẽ về tài khoản và đang có gần 70% số cổ phiếu trên sàn vẫn đang giảm giá so với giá tại ngày 04/05, trong đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ chính là những cổ phiếu giảm mạnh nhất với mức giảm trên dưới 20%. Ngày hôm qua, đã lác đác xuất hiện một số trường hợp call margin. Sự giằng co và phân hóa mạnh có lẽ sẽ diễn ra trong phiên “hàng về” này.

Cổ phiếu đáng chú ý

HHS: tăng 700 đồng lên 20.600 đồng, thanh khoản đột biến, khối ngoại mua ròng.

Trong một ngày mà hầu hết các mã đều giảm điểm thì HHS lại tăng mạnh cả điểm số và thanh khoản. Phiên hôm qua 9,22 triệu cổ phiếu HHS đã được giao dịch, đây là khối lượng kỷ lục nhất của cổ phiếu này từ trước đến nay và khối lượng này cũng đứng đầu sàn HOSE. Nhân tố chính phải kể đến chính là việc khối ngoại đã mua ròng rất mạnh 5 triệu cổ phiếu HHS trong phiên.

KTB: Vẫn đang trên đường tìm đáy và đã về giá 3.100 đồng nhưng có khối lượng đột biến lên hơn 1,3 triệu đơn vị.

DXP: Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – Công ty TNHH một thành viên ( Vinalines ) thông báo bán toàn bộ 4.016.250 cổ phiếu DXP  tương đương tỷ lệ 51% nhằm mục đích tái cơ cấu.

Phương thức giao dịch là thỏa thuận và khớp lệnh, dự kiến thực hiện từ ngày 07/05/2015 đến 05/06/2015.

KLF: CTCP Đầu tư R.O.R Việt Nam đã bán 10.862.000 cổ phiếu KLF, giảm lượng sở hữu từ 18.330.000 cổ phiếu (tỷ lệ 11,08%) xuống còn 7.468.000 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 4,51%). Giao dịch thực hiện từ 22-23/4/2015

POT: CTCP Thiết bị Bưu Điện- Postef (Mã CK: POT ) công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2015.

Doanh thu thuần quý 1/2015 của công ty đạt 216,82 tỷ đồng, tăng 171% so với quý 1/2014. Các chi phí trong kỳ đều tăng so với năm cùng kỳ 2014. Trong đó chi phí tài chính tăng 105%, chi phí bán hàng tăng 171%, chi phí quản lý tăng 36%.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, POT ghi nhận 4,09 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ 2014, POT chỉ ghi nhận 830 triệu đồng lãi sau thuế.

EIB: Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB – ngân hàng mẹ), đến hết quý 1/2015 ngân hàng đạt tổng tài sản 145 nghìn tỷ đồng, giảm 16 nghìn tỷ tương đương 10% so với cuối năm 2014. Cho vay khách hàng (tín dụng) giảm 5,6% với dư nợ 82.264 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 2% ở mức xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng.  Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 545 tỷ đồng ở quý 1, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng tương đương và đạt 422 tỷ đồng.

Về nợ xấu, Eximbank có hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm hơn 100 tỷ so với cuối năm 2014 và chiếm 2,47% trên tổng dư nợ.

VIP: doanh thu thuần quý 1/2015 đạt 158,42 tỷ đồng giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ tỷ trọng giá vốn hàng bán trong doanh thu thuần giảm mạnh từ 97,43% xuống còn gần 72% nên lợi nhuận gộp đạt 44,56 tỷ đồng tăng mạnh gấp hơn 10 lần mức lãi gộp của quý 1/2014.

Sau khi trừ các khoản chi phí VIPCO lãi ròng 19,3 tỷ đồng khả quan hơn hẳn khoản lỗ ròng 15 tỷ đồng cùng kỳ 2014.

PLC: doanh thu thuần quý 1 của PLC đạt 1818,25 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 252,74 tỷ đồng, tăng trưởng 21%.

Trong kỳ, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tăng vọt lên hơn 22 tỷ đồng đã khiến chi phí tài chính của PLC tăng lên gần 30 tỷ, trong khi cùng kỳ chi phí tài chính chỉ có gần 12 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, PLC ghi nhận 59,21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 31% so với quý 1/2014. EPS của công ty đạt 843 đồng.

GSP: doanh thu thuần trong kỳ đạt 116,17 tỷ đồng giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá vốn hàng bán cũng giảm nên lợi nhuận gộp đạt 18,5 tỷ đồng tăng 26,7% so với quý 1/2014.

Trong kỳ doanh thu tài chính đạt 13,4 tỷ đồng tăng mạnh so với con số gần 3 tỷ đồng cùng kỳ. Khoản doanh thu này chủ yếu có được từ cổ tức, lợi nhuận được chia. Sau khi trừ các khoản chi phí công ty mẹ GSP báo lãi ròng 22,7 tỷ đồng tăng gần 146% so với cùng kỳ năm ngoái tương đương EPS đạt 757 đồng.

Lịch sự kiện

DTV: Trả cổ tức đợt 1/2014 bằng tiền, 1.500 đồng/CP

DXP: Trả cổ tức đợt 1/2014 bằng tiền, 3.000 đồng/CP

LHC: Trả cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền, 2.500 đồng/CP

TVD: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 1.000 đồng/CP

DHA: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 800 đồng/CP

BTC: Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền, 500 đồng/CP

VMI: Ngày GDKHQ Thưởng cổ phiếu, tỷ lệ 5%  và GDKHQ thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, tỷ lệ 2:1, giá 10.000 đồng/CP

Hải Long

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên