MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ giao dịch 16/06: MBB đột biến, nhóm ngân hàng thứ 2 có chạy?

Trong nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh của ngành ngân hàng (STB, MBB, EIB) thì MBB được đánh giá là ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt nhất.

Thị trường giằng co mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua, chỉ số Index liên tục đổi màu nhưng cuối cùng nhờ vào nỗ lực tăng điểm mạnh mẽ của dòng cổ phiếu ngân hàng, hai sàn đã kết phiên với mức tăng điểm khá. VNIndex tăng 3,75 điểm lên 586,48 điểm trong khi HNIndex tăng 0,42 điểm lên 88,36 điểm. Thanh khoản hai sàn đạt mức cao với 154 triệu cổ phiếu giao dịch trên HO và 63 triệu cổ trên HA.

Ngoại trừ nhóm cổ phiếu ngân hàng thì cổ phiếu dầu khí, bất động sản đa số đều chịu áp lực chốt lời.

Khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 30,7 tỷ trên HO phiên qua. Các mã bị bán ra là JVC 33 tỷ; OGC 20 tỷ; KDC 8,7 tỷ; PVD 4,7 tỷ, DPM 3,3 tỷ…Các mã được mua vào là HPG 13 tỷ; FLC 9 tỷ; SSI 7 tỷ; CTG 5 tỷ…

Sàn HA ngược lại vẫn tiếp tục được mua ròng mạnh 21,1 tỷ đồng với các mã VND 14,5 tỷ;PVS 4,5 tỷ; BVS 3,1 tỷ…và bán ra nhiều nhất là LAS 2,7 tỷ đồng.

Trong tuần giao dịch này, ngoài hoạt động tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF thì nhà đầu tư cũng chờ thông tin từ cuộc họp FOMC của FED diễn ra từ ngày 16 - 17/06/2015 để xem thời điểm tăng lãi suất của FED liệu có đúng như nhiều nhà quan sát kỳ vọng?

CTCK IVS nhận định: Thị trường vẫn duy trì sự bền bỉ và dòng tiền vẫn luân chuyển nhịp nhàng sẽ tiếp tục nâng dần giá cổ phiếu lên một mặt bằng mới. Sự luân chuyển này càng khiến cho nhà đầu tư đứng ngoài cảm thấy sốt ruột hơn bao giờ hết và điều đó có thể sẽ sớm giúp cho VN-Index tiếp cận 600 điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ nay đến đó còn rất dài và có thể mốc 580 điểm còn phải chịu thêm một số thách thức nữa. Có thể ngay ngày 16/06 chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực trước khi có diễn biến tích cực.

Cổ phiếu đáng chú ý

JVC: “cầm máu”, giảm 200đ (1,2%) xuống 17.100đ

Trong những phiên giao dịch gần đây, JVC là cổ phiếu “gây bão” nhất trên thị trường với 3 phiên giảm sàn liên tiếp và dư bán lên tới hàng chục triệu đơn vị. Mở cửa phiên giao dịch hôm qua, JVC tiếp tục bị bán sàn nhưng lực bán không còn mạnh như 3 phiên trước đó và cầu đỡ giá sàn cũng xuất hiện, tình trạng bán tháo ồ ạt như những phiên trước không còn xuất hiện.

Ngay sau phiên ATO, lực cầu đổ vào JVC khá mạnh đã mau chóng đẩy cổ phiếu này lên mức giá xanh, thậm chí giá cao nhất trong phiên còn lên tới 18.300đ. Kết phiên giao dịch, JVC giảm nhẹ 200đ xuống 17.100đ cùng với thanh khoản đột biến lên tới gần 12,5 triệu đơn vị. Đây là phiên khớp lệnh kỷ lục của JVC kể từ khi niêm yết tới nay.

MBB: Tăng 900đ (Tăng trần) lên 14.800đ

MBB là cổ phiếu nổi bật dòng ngân hàng với phiên tăng trần kèm khối lượng đột biến hơn 10 triệu cổ phiếu được giao dịch. Trong đó, khối lượng thỏa thuận chỉ có 40.000 đơn vị. Trong nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh của ngành ngân hàng (STB, MBB, EIB) thì MBB được đánh giá là ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt nhất. Tuy nhiên, quá khứ cũng cho thấy, sức nóng của MBB khó có thể lan tỏa sang các mã còn lại.

CII: vừa phát hành thêm 7,3 triệu cổ phiếu nhằm chuyển đổi cho các trái chủ trái phiếu  CII41401 đợt 2.

Cụ thể, số lượng trái phiếu chuyển đổi là 80.541 đơn vị, tỷ lệ chuyển đổi 1:90,9 - tương đương mức giá chuyển đổi 11.000 đồng/cổ phiếu - ngang bằng với giá chuyển đổi đợt 1 của trái phiếu này.

Đợt trước, CII đã phát hành 71,2 triệu cổ phiếu để chuyển đổi cho các trái chủ. Đây là đợt chuyển đổi trái phiếu lớn nhất của CII với 72,4% trái phiếu phát hành được đăng ký chuyển đổi.

NHP: Tăng trần với khối lượng đột biến.

Công ty đã họp ĐHCĐ với kế hoạch năm 2015 là tăng vốn điều lệ lên con số 175 tỷ đồng, doanh thu dự kiến là 150 tỷ - tăng 2,2 lần so với năm 2014 và lợi nhuận sau thuế 17,5 tỷ - tăng gần 3 lần. Theo đó, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 8%.

NHP sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với số lượng 5 triệu cổ phần (tức tỷ lệ phát hành 5:2), giá phát hành 10.000 đồng/cp. Đồng thời, phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với khối lượng 500.000 trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/cp. Đây là loại Trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi được ưu tiên thanh toán và không có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu là 36 tháng.

Giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cổ phần và không thay đổi trong suốt kỳ hạn trái phiếu.

Hải Long

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên