"TTCK có cái hay ở chỗ người mua người bán đều nghĩ mình thông minh"
Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc quỹ VFM cho rằng năm 2014 là năm khó khăn nhất với các công ty quản lý quỹ kể từ khi thành lập ngành (năm 2003) tới nay.
- 21-02-2014TGĐ VFM: Chu kỳ tăng trưởng 5 năm có thể bắt đầu từ năm 2014
- 30-01-2014CEO VFM: Nên để ngựa chạy đường dài!
Bên lề Hội thảo Phát triển TTCK năm 2014 do UBCK đề xuất, chúng tôi đã có trao đổi với ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc quỹ VFM về triển vọng thị trường năm 2014 và hoạt động của các công ty quản lý quỹ trong thời gian tới.
Thưa ông, trong hội nghị ngành chứng khoán cùng thời điểm này năm ngoái thị trường khá bi quan, tôi nhớ ông có phát biểu rằng “những người trụ lại cuối cùng sẽ được thưởng một cách xứng đáng”, vậy thực tế ra sao thưa ông?
Nếu nhìn vào sự tăng trưởng của thị trường năm 2013 đã nói lên điều đó, năm qua VN-Index tăng khoảng 22%. Tất cả các những người còn lại trên thị trường năm nay đã đi qua bộ lọc của năm 2013, ai không đi qua được thì ở lại, ai đi qua được chắc chắn sẽ hưởng nhiều thành quả khi thị trường tăng trưởng. Dòng vốn FDI, FII đầu tư rất lớn, phiên 20/2 thị trường giao dịch lớn nhất trong lịch sử và theo tôi con số này chưa phải là con số cuối cùng.
Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến việc thanh khoản tăng vọt trong phiên 20/2?
Thị trường từ đầu năm tăng liên tục thậm chí có có mã chứng khoán chúng tôi theo dõi tăng 50% thì nhà đầu tư cá nhân chốt lời là bình thường. Cái hay của TTCK hay hơn thị trường khác là người mua và người ban ai cũng nghĩ mình thông minh cả, người bán hôm qua họ thấy thông minh vì họ đã có một khoản lời trong khi người mua thấy mình thông minh vì họ nghĩ họ sẽ đón được đợt tăng trưởng mới.
Chúng ta kỳ vọng những ngày sắp tới thị trường lên hay xuống không quan trọng bằng thanh khoản của thị trường như thế nào. Khi nhìn vào quy mô này chúng tôi khá lạc quan.
Theo ông thị trường còn có khó khăn gì?
Khó khăn trên thực tế chỉ là giải quyêt tồn đọng, đứng dưới góc độ Chính phủ những vấn đề chúng ta cam kết thực hiện như cổ phần hóa, các văn bản hệ thống pháp lý hỗ trợ thị trường thì không nên lỗi hẹn vì nếu chúng ta lỗi hẹn thì thị trường sẽ có đánh giá tiêu cực.
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn và đối diện thách thức mới phải tập trung để đi trên một con đường dài, thị trường đừng kỳ vọng đầu tư hôm nay và thắng lợi ngày mai mà phải nghĩ rằng từ nay trở phải có định hướng lâu dài.
Các thành viên tham gia thị trường như CTCK, CT quản lý quỹ phải năng động, thị trường tăng trưởng trong thời gian qua không phải tất cả đều được hưởng lợi. Các công ty trong top 3, top 5 được hưởng lợi nhiều nhất trong khi các đơn vị ở dưới vẫn gặp rất nhiều khó khăn và cạnh tranh rất khốc liệt, các DN phải chủ động mới đạt được huân chương đẹp nhất.
Ông đánh giá năm 2014 các công ty quản lý quỹ sẽ hoạt động ra sao và ông có kiến nghị gì với UBCK các giải pháp hỗ trợ thị trường?
Chúng tôi nhận thấy năm 2013 đã chứng kiến các vận động tích cực từ các thành viên của CLB các công ty QLQ cho việc chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới với định hướng cung cấp các sản phẩm đầu tư dài hạn dựa trên nền tảng quỹ mở và việc này sẽ tiếp diễn trong năm 2014. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá năm 2014 là năm khó khăn nhất với các công ty quản lý quỹ kể từ khi thành lập ngành (năm 2003) tới nay.
Năm 2014 là năm đặc biệt khó khăn về doanh thu với đại đa số các công ty trong ngành khi chu kỳ hoạt động của quỹ đóng đã kết thúc và các quỹ hoạt động theo mô hình quỹ mở chưa có sự tăng trưởng cần thiết để có được doanh thu bù đắp chi phí. Việc thực hiện thường xuyên các hoạt động huy động vốn cho quỹ mở sẽ làm gia tăng chi phí cho công ty quản lý quỹ so với thời gian trước đây, do đó năm 2014, 2015 sẽ là giai đoạn thử thách sức bền của các công ty quản lý quỹ.
Xuất phát từ các nhận định trên chúng tôi kiến nghị ủy ban tổ chức các chương trình đào tạo để tiến hành đào tạo cho NĐT về mô hình quỹ mở và quỹ hưu trí, việc triển khai đào tạo NĐT có ý nghĩa rất quan trọng với thành công của sản phẩm quỹ mở. Ngòai ra chúng tôi kiến nghị ủy ban ban hành các quy định cần thiết để triển khai các hoạt động quỹ hưu trí bổ sung, tiếp tục có các chính sách tạo tiền đề để thu hút vốn đầu tư vào quỹ thông qua các chính sách thuế và quản lý đầu tư.
Xin cảm ơn ông.
Phương Mai
Trí Thức Trẻ