MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK đã chạm đáy?

Nhiều NĐT cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh và đây có thể là đáy của TTCK. Chuyên gia từ SSI và CK Mekong lý giải lý do thị trường tăng mạnh các phiên gần đây.

Các chỉ số chứng khoán bất ngờ tăng mạnh bất chấp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 được công bố ở mức rất cao (3,32%, tính chung 4 tháng là 9,64%). Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ mua vào bởi nhận định rằng lạm phát đã đạt đỉnh và đây có thể là đáy của TTCK.

Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi nhanh với 2 chuyên gia phân tích đến từ CTCK SSI và CTCK Mekong về hiện tượng này.

Ông Quản Trọng Thành, Chuyên viên phân tích cao cấp, CTCK Mekong (MSC)

Thị trường tăng mạnh hôm thứ Hai sau khi CPI tháng 4 được công bố là một bất ngờ với tất cả mọi người. Theo tôi, có 3 lý do chính khiến nhà đầu tư trong nước hưng phấn như vậy.

Thứ nhất, thông tin CPI tháng 4 cao trên 3% không quá bất ngờ, kỳ vọng lạm phát tăng cao đã được phản ánh vào thị trường trong hầu như cả tháng 4 và đặc biệt rõ ràng trong cả tuần giao dịch trước đó. Khi một mặt bằng giá cao đã được thiết lập, trong ngắn hạn từ giờ cho đến giữa tháng 5, mối lo ngại về CPI có thể tạm thoái lui. Trong khi đó, tỷ giá đang hạ nhiệt và nguồn USD đổ vào ngân hàng tăng đột biến trong tuần qua cũng tạo ra một bầu không khí "khá thoải mái" cho một thị trường đã phải chịu đựng tâm lý bi quan khá lâu.

Thứ hai, về mặt tâm lý, không ít nhà đầu tư trong nước cho rằng, "đỉnh của lạm phát là đáy của chứng khoán" hay "khi tất cả các tin xấu đã ra thì là lúc mua vào cổ phiếu".

Thứ ba, về mặt kỹ thuật, các nhà đầu tư trong nước, nhất là nhà đầu tư cá nhân vẫn nhìn vào các chỉ báo, khuyến nghị mang tính kỹ thuật để ra quyết định đầu tư. Tuần trước, VN-Index đã có tuần đi ngang thứ 5 liên tiếp trong khoảng 454,5 - 465 điểm, nhưng khối lượng giao dịch lại tăng lên khá mạnh, cho thấy lực bắt đáy giá thấp đã vào lại thị trường. Vì vậy, nhiều khả năng sẽ xuất hiện giai đoạn hồi phục trong ngắn hạn.

Về những nhận định đã đến đỉnh của lạm phát, nếu xét về tăng trưởng CPI theo tháng, thì có thể mức tăng của CPI tháng 4 là mức cao nhất của năm 2011, nhưng chưa tạo ra đỉnh của lạm phát trong năm nay. Đánh giá khách quan (dựa trên xu hướng thị trường đi ngang trong thời gian khá dài và định giá của các cổ phiếu) thì có thể nói rằng thị trường Việt Nam đang ở đáy dài hạn. Cái khó là giai đoạn nằm ở vùng đáy sẽ kéo dài bao lâu và khi nào thị trường mới phục hồi bền vững? Nên nhớ, TTCK đã từng có những giai đoạn lình xình xuống nhẹ và đi ngang kéo dài tới 2 năm (2002 - 2003, 2004 - 2005).

Ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc Khối Phân tích & Tư vấn đầu tư, CTCK Sài Gòn (SSI)

Trong thời điểm hiện nay, CPI là nhân tố quan trọng tác động đến TTCK, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng để có thể nói rằng đỉnh của CPI sẽ là đáy của TTCK. Bên cạnh việc chỉ số giá có thể đã qua đỉnh, thì về cơ bản vẫn cần có sự cải thiện trong môi trường kinh doanh, khả năng tiếp cận vốn của DN... Riêng đối với TTCK thì còn cần sự ổn định trở lại trong tâm lý đầu tư để dòng tiền có thể quay lại thị trường.

Với việc CPI tháng 4 tăng cao so với cùng kỳ, nhiều người đã nghĩ đến việc đỉnh của lạm phát đã qua. Trong thời gian tới, các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài khóa có thể sẽ phát huy tác dụng nhất định, nhưng áp lực lạm phát vẫn chưa thể chấm dứt do nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến việc nhập khẩu lạm phát, tác động từ các yếu tố giá cả hàng hóa thế giới. Đặc biệt, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy giá dầu đã đạt đỉnh mặc dù đã tăng rất mạnh trước đó. Do vậy, sẽ cần thêm thời gian để lạm phát trên toàn thế giới và trong nước hạ nhiệt.

Thị trường trong phiên đầu tuần này có mức tăng điểm mạnh, nhưng khối lượng giao dịch lại không tăng tương ứng. Chúng tôi cho rằng, sự phân hóa sẽ sớm quay trở lại và khả năng tăng điểm mạnh trong những phiên tới là rất khó. Nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu nên xem xét chọn thời điểm giá tăng hợp lý để giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Theo Quang Sơn

ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên