TTCK Việt Nam 2015: Vẫn “hút” nhà đầu tư ngoại
Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán và các tổ chức trong và ngoài nước, trong năm 2015, TTCK Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng phát triển, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ở mức cao.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đóng góp một phần đáng kể vào hoạt động của thị trường. Trong năm 2014, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện chuyển nhượng tổng cộng 671,07 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch (GTGD) đạt 12.235 tỷ đồng (-1,48% KLGD, +73,15% GTGD so với năm trước). Giao dịch mua vào chiếm ưu thế với 381,26 triệu cổ phiếu.
Tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài năm 2014 cũng tăng mạnh so với năm 2013. Năm 2014, giá trị giao dịch khối ngoại mua vào đạt 68.480 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần về giá trị mua vào so với năm ngoái, trong khi giao dịch bán ra của nhà đầu tư nước ngoài đạt giá trị 65.593 tỷ đồng. Xu hướng của các nhà đầu tư nước ngoài tại HoSE trong năm 2014 là mua vào nhiều hơn bán ra ở đầu năm và bán ra nhiều hơn mua vào ở 2 quý cuối năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán và các tổ chức trong và ngoài nước, trong năm 2015, TTCK Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng phát triển, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ở mức cao.
Ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia phân tích chứng khoán, công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, xu hướng rút vốn khỏi TTCK Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian cuối năm 2014 chỉ là tạm thời. Về dài hạn, nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng có tiềm năng tăng trưởng tốt, điều này sẽ là tiền đề vững chắc để dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường MBS cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ đi lên và được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp và sự phục hồi của thị trường tài sản như chứng khoán và bất động sản.
Theo ông Sơn, chứng khoán Việt Nam vẫn còn rẻ so với các nước trong khu vực, nên vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, hiện P/E của Việt Nam đang ở mức 13, tương đối thấp so với các nước trong khu vực (16-19) và có thể về mức 14,5-15 trong năm 2015.
Còn theo đánh giá của bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HoSE, trong năm 2015, sự xuất hiện của nhiều sản phẩm mới do các công ty niêm yết trên các sàn theo lộ trình cũng là một trong những yếu tố thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại.
Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao hơn, khoảng 6-6,2%. Lạm phát cả năm 2015 sẽ được giữ ở mức thấp, mặt bằng lãi suất và tỷ giá ổn định. BSC dự báo TTCK Việt Nam 2015 sẽ có triển vọng phát triển với “kịch bản” trung bình VN-Index đạt 600 điểm.
Trong bản phân tích về biến động kinh tế toàn cầu bao gồm những tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2015, các chuyên gia phân tích của Quỹ đầu tư Vina Capital cũng cho rằng, thị trường chứng khoán và trái phiếu Việt Nam không bị tác động tiêu cực bởi giá USD tăng, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ở mức cao, mục tiêu 6-6,2% tăng trưởng GDP năm 2015 của Chính phủ là khả thi.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá đang có sự tiến triển so với thời gian trước. Hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings vừa nâng xếp hạng nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ B+ lên BB-, triển vọng cũng được nâng từ “ổn định” lên “tích cực”. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ tăng từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là ổn định.
Theo Lê Anh