MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ nay tới 2015 PVN sẽ cổ phần hóa những ‘hàng hot’ nào?

Các cổ phiếu dầu khí đã giúp gia tăng đáng kể sự hấp dẫn cũng như quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cổ đông lớn nhất của TTCK Việt Nam

Trong giai đoạn trước năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã mạnh tay tiến hành cổ phần hóa hàng loạt đơn vị thành viên chủ chốt và đưa các doanh nghiệp này lên niêm yết. Có thể nói, các cổ phiếu dầu khí đã giúp gia tăng đáng kể sự hấp dẫn cũng như quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện PVN là nhà đầu tư lớn nhất trên TTCK chứng khoán Việt Nam, sở hữu lượng cổ phiếu tương đương 1/6 vốn hóa toàn thị trường.

Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu họ dầu khí hiện đạt xấp xỉ 240 nghìn tỷ đồng (~11,4 tỷ USD), tương đương 20% tổng giá trị của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, lượng cổ phiếu mà PVN đang sở hữu có trị giá hơn 188 nghìn tỷ đồng (~8,9 tỷ USD), chiếm 1/6 vốn hóa thị trường - lớn hơn bất kỳ nhà đầu tư nào khác.

Chiếm phần lớn giá trị danh mục cổ phiếu niêm yết của PVN là 96,7% cổ phần của PV Gas, trị giá xấp xỉ 154 nghìn tỷ đồng.

Với vốn hóa thị trường hơn 159 nghìn tỷ đồng, PV Gas hiện là doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2013, PV Gas đạt doanh thu hơn 65 nghìn tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 12,4 nghìn tỷ đồng – lớn hơn bất kì doanh nghiệp nào khác trên sàn.

PV Gas cùng với Tổng Công ty Thăm dò & Khai thác dầu khí (PVEP) và Liên doanh Vietsovpetro là những đơn vị thành viên quan trọng nhất của PVN.

Các Tổng Công ty thành viên lớn khác của PVN đã niêm yết có PTSC, PV Drilling, Đạm Phú Mỹ, Petrosetco, PVI, PV Trans, PV Construction (PVX)…

Trong số này, có 3 doanh nghiệp có giá trị thị trường đạt trên 10.000 tỷ đồng là PV Drilling (22,7 nghìn tỷ), Đạm Phú Mỹ (16,8 nghìn tỷ) và PTSC (14,3 nghìn tỷ). Năm 2013, ba doanh nghiệp này đều đạt doanh thu trên 10.000 tỷ và lãi sau thuế trên 1.500 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp thành viên mà PVN dự kiến cổ phần hóa
và tỷ lệ nắm giữ sau cổ phần hóa

Sẽ có thêm nhiều “hàng hot”

Kể từ sau đợt IPO của PV Gas năm 2010, PVN chưa cổ phần hóa thêm một đơn vị lớn nào nữa. Tập đoàn này vẫn còn nắm giữ 100% vốn tại nhiều đơn vị thành viên như PVEP, Tổng Công ty điện lực Dầu khí – PV Power, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – PV Oil, Công ty lọc hóa Dầu Bình Sơn; Công ty phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - Đạm Cà Mau)…

Tháng 1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2012-2015. Theo đó, PVN chỉ tiếp tục nắm giữ 100% vốn của Tổng công ty PVEP.

Từ nay đến năm 2015 sẽ cổ phần hóa Đạm Cà Mau, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Sau năm 2015 sẽ cổ phần hóa tiếp PV Oil và PV Power. Đây đều là những doanh nghiệp có quy mô rất lớn.

Trong số các doanh nghiệp trên, đáng chú ý nhất là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhà máy này có tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày.

Theo báo cáo của PVN, năm 2013, BSR đạt doanh thu hơn 145.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.800 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2013 đạt 26.561 tỷ đồng.

Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã có đề xuất mua 49% cổ phần của BSR. Tuy vậy theo đề án tái cơ cấu thì PVN sẽ chỉ bán 25% cổ phần của BSR ra bên ngoài.

Đạm Cà Mau nằm trong tổ hợp Khí-Điện-Đạm Cà Mau, là dự án phân bón thứ 2 của PVN sau Đạm Phú Mỹ. Nhà máy này mới đi vào hoạt động từ năm 2012 trong khi Đạm Phú Mỹ hoạt động từ năm 2003.

Năm 2013, Đạm Cà Mau tiêu thụ khoảng 750 nghìn tấn ure, đạt doanh thu hơn 6.400 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, hiện Đạm Phú Mỹ duy trì doanh thu khoảng hơn 10.000 tỷ/năm và lãi sau thuế từ 2-3 nghìn tỷ/năm.

PV Power là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 Việt Nam sau EVN còn PV Oil đứng thứ 2 về thị phần tiêu thụ xăng dầu sau Petrolimex. Dự kiến sau cổ phần hóa PVN sẽ nắm 75% vốn tại cả 2 đơn vị.

PV Power hiện sở hữu các nhà máy điện Nhơn Trạch 1&2, Cà Mau 1&2, Vũng Áng 1, Thủy điện Hủa Na… với tổng công suất hơn 4.000 MW. Năm 2013, sản lượng điện của hệ thống PV Power đạt hơn 16 tỷ kWh với doanh thu đạt hơn 24.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 577 tỷ đồng.

PVN đã thu về hơn 20.000 tỷ đồng nhờ cổ phần hóa đúng sóng chứng khoán như thế nào?

KAL

duchai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên