MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ đô đổ vào nông nghiệp, vì sao cổ phiếu vẫn chưa tăng?

TTCK Việt Nam có khá ít doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp niêm yết so với các nhóm ngành khác như tài chính, bất động sản…. Quy mô của các doanh nghiệp này cũng tương đối nhỏ so với mặt bằng chung.

Trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất khi đóng góp tới 20% GDP. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta phần lớn vẫn là kinh doanh hộ gia đình, nhỏ lẻ và ít có những doanh nghiệp nòng cốt trong phát triển nông nghiệp.

Điều này đã được thể hiện phần nào trên TTCK, nơi được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Hiện chỉ có khoảng 60 công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang niêm yết với vốn hóa đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng, tương đương 6% vốn hóa 2 sàn cho thấy quy mô các doanh nghiệp nông nghiệp nhìn chung vẫn còn khá khiêm tốn so với các lĩnh vực khác như tài chính, bất động sản….

“Nhà nông” trên sàn chứng khoán

Đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay đều tập trung vào mảng vật tư, trong khi số lượng doanh nghiệp trực tiếp tham gia nuôi trồng thì khá ít. Nguyên nhân bởi hoạt động nuôi trồng trực tiếp đòi hỏi doanh nghiệp phải trường vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm, đối diện khá nhiều rủi ro.

Trong các doanh nghiệp “nhà nông” đang niêm yết, CTCP Nông nghiệp quốc tế HAGL (HAGL Agrico) là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất với vốn hóa thị trường xấp xỉ 1 tỷ USD. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên 2 sàn.

Các mảng kinh doanh chính của HAGL Agrico bao gồm cao su, nuôi bò, bắp, mía đường…. tuy nhiên bò đang là “quân át chủ bài” trong hoạt động kinh doanh của công ty dù chỉ mới bắt đầu ghi nhận doanh thu trong 2 quý gần đây.

Còn với Hùng Vương, từ vị thế “vua cá” Việt Nam thì trong những năm gần đây công ty đã mở rộng phát triển nuôi tôm bằng cách M&A với các doanh nghiệp như Sao Ta, Tắc Vân…. Ngoài ra, Hùng Vương cũng thực hiện M&A trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, hướng tới hoàn thiện chuỗi kinh doanh khép kín.

Dù đã hủy niêm yết, tuy nhiên nhắc tới Minh Phú (MPC), chắc hẳn không ít nhà đầu tư cảm thấy nuối tiếc về việc hủy niêm yết của công ty hồi đầu năm 2015 khi Minh Phú là một trong số ít những doanh nghiệp Việt Nam vươn ra tầm quốc tế và là doanh nghiệp xuất khẩu tôm đứng đầu thế giới với doanh thu xuất khẩu năm 2014 đạt 700 triệu USD.

Trong lĩnh vực mía đường, Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đã nắm quyền chi phối tại hàng loạt doanh nghiệp lớn cùng ngành như Đường Biên Hòa (BHS), Đường Ninh Hòa (NHS), Mía đường nhiệt điện Gia Lai (SEC)…và hướng tới trở thành doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực mía đường Việt Nam.

Ngoài ra, trên sàn chứng khoán còn hiện diện những tên tuổi lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn bó với nhà nông như Giống cây trồng Trung Ương ( NSC ), Giống cây trồng Miền Nam ( SSC ), Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), Dabaco (DBC), Đạm Cà Mau, Phân bón Lâm Thao, …


Màu xanh: các công ty chuyên về sản xuất, đầu tư nông nghiệp. Màu vàng: các công ty chuyên về vật tư nông nghiệp

Màu xanh: các công ty chuyên về sản xuất, đầu tư nông nghiệp. Màu vàng: các công ty chuyên về vật tư nông nghiệp

Sự gia nhập của những “ông lớn” ngoài ngành

Những năm gần đây, mảnh đất màu mỡ nông nghiệp đã nhận được sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp “tay ngang”. Hàng loạt ông lớn trong các lĩnh vực phi nông nghiệp như tài chính, bất động sản… đã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực đầy tiềm năng này.

VinGroup, “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản đã tiến vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc thành lập VinEco, công ty chuyên sản xuất rau sạch tại nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai….và được phân phối tại hệ thống siêu thị Vinmart.

Trong khi VinGroup đi “trồng rau” thì Masan và Hòa Phát đã tiến sang mảng thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, Masan đã mua lại 52% cổ phần Proconco; 70% cổ phần Anco và hướng tới việc trở thành nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam.

Còn với Hòa Phát, công ty cũng đã thành lập nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại KCN Phố Nối A với số vốn 300 tỷ. Chưa dừng lại, mới đây Hòa Phát đã có kế hoạch thành lập tiếp công ty thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai với vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Không đầu tư trực tiếp như VinGroup, Masan, Hòa Phát, nhiều doanh nghiệp chọn cách tiếp cận lĩnh vực nông nghiệp thông qua con đường gián tiếp, M&A.

Tiêu biểu là trường hợp PAN, công ty hiện sở hữu danh mục đầu tư với rất nhiều công ty trong lĩnh vực nông nghiệp như Giống cây trồng miền nam, giống cây trồng Trung Ương, Lafooco, Aquatex Bến Tre…. Hay như F.I.T đã rót vốn vào Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC).

Có thể thấy, dù hoạt động sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa tận dụng tốt khoa học kỹ thuật nhưng với sự tham gia mạnh mẽ, đầu tư bài bản vào nông nghiệp của nhiều doanh nghiệp lớn trong những năm gần đây đang mang lại luồng sinh khí mới và đây thực sự là bước đi lớn của nền nông nghiệp Việt Nam.

Ngày 21/11/2015 tại Khách sạn Rex, Tp. Hồ Chí Minh, Kênh thông tin Kinh tế Tài chính CafeF phối hợp với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh doanh với chủ đề Đầu tư Nông nghiệp thời TPP.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ chia sẻ kinh nghiệm Làm sao để tăng sức trong cạnh tranh, chớp thời cơ mới khi cánh cửa TPP đang mở rộng, để ghi tên trong lĩnh vực nông nghiệp trị giá tới 40 tỷ USD…

CafeF sẽ liên tục cập nhật những vấn đề thảo luận tại diễn đàn trên trang Http://cafef.vn từ 7h sáng ngày 21/11. Kính mời quý độc giả theo dõi.

 

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên