Lợi nhuận lớn đằng sau những kênh xuất khẩu gạo “phi chính thức”
Một kênh xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian với chi phí lớn, rủi ro nhiều và công lao động thì vô kể, nhưng vẫn tồn tại, chứng tỏ nó phải có một khoản lợi nhuận rất lớn.
- 21-11-2015Ông Trần Tiến Khai: Chuỗi giá trị là yếu tố sống còn với nông nghiệp Việt Nam
- 21-11-2015Nông sản Việt: Giá trị xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng giá bán lại gần "đội sổ"
- 21-11-2015Vì sao nông nghiệp không còn là "trụ đỡ" của nền kinh tế?
Sáng ngày 21/11, Diễn đàn "Đầu tư Nông nghiệp thời TPP" do Kênh Thông tin Tài chính - Kinh tế hàng đầu Việt Nam CafeF phối hợp với Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại diễn đàn, Chuyên gia nông nghiệp Phạm Quang Diệu cho biết, những năm qua tiến trình chuyển mạnh từ sản xuất tự cung tự cấp sang hàng hóa cùng với sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng đã đặt nông nghiệp Việt Nam trước những thử thách mới, thử thách của kinh doanh trong cơ chế cạnh tranh với biến động của thị trường và tuân thủ các luật chơi của quốc tế.
Giá nông sản trồi sụt không chỉ làm cho cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh nông sản chịu ảnh hưởng mà còn kéo theo khoảng 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn có cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp bị chao đảo theo những cơn sóng thị trường.
Năm 2015, giá ngô và đậu tương trong xu hướng giảm mạnh, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc giảm mạnh nhưng được bù đắp bởi sự tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá sẽ vượt Indonesia trở thành nhà nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới trong năm 2015. "Tuy nhiên, đây là tín hiệu mừng hay lo khi Việt Nam sẽ phải tiêu lượng ngoai tệ nhiều hơn cho mặt hàng nhập khẩu này để dùng cho ngành chăn nuôi nội địa" - ông Diệu băn khoăn.
Ở các ngành hàng xuất khẩu, tôm được cho là suy giảm trên tất cả các kênh như xuất khẩu giảm mạnh, giá nguyên liệu giảm mạnh, giá thế giới và sản lượng thế giới cũng giảm. Về cá tra, thị trường xuất khẩu giữ ở mức khá ổn định so với năm ngoái, tuy nhiên giá nguyên liệu vẫn ở mức suy giảm. Điểm sáng là xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gia tăng đáng kể.
Đối với ngành gạo, trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, ông Diệu cho biết, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2012. Sau khi đạt mức 8 triệu tấn vào năm 2012, xuất khẩu gạo Việt nam tụt dốc, chỉ xuất khẩu ở mức 6,3 – 6,4 triệu tấn.
Tuy nhiên, một con số khác không được nêu ra trong các báo cáo thống kê, đó là sản lượng xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo ghi nhận, có khoảng 1,5 – 2 triệu tấn gạo/năm được vận chuyển qua biên giới Trung Quốc. Những con số này chưa được phân tích đầy đủ khiến ngành kinh doanh này biến động rất lớn, gây rủi ro cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở miền Tây.
“Việt Nam đang tồn tại song song 2 kênh xuất khẩu gạo vô cùng đối nghịch. Một là, kênh xuất khẩu gạo chính ngạch qua các cảng – một kênh xuất khẩu hiện đại, đại diện cho công nghệ, cho phương thức thanh toán LC (tín dụng chứng từ) qua ngân hàng” – vị chuyên gia này cho hay.
Và một kênh khác, mà hình ảnh điển hình là một đoàn người cầm từng bao gạo chuyển qua cửa khẩu biên giới và quay trở lại với các bao phân bón trở về Việt Nam. Một kênh xuất khẩu rải từ vùng tập kết (các cảng An Giang, Cần Thơ) đến cảng Hải Phòng và vùng biên giới phía bắc qua Lào Cai, Cao Bằng rồi qua các cửa khẩu chính và lối mở sang Trung Quốc.
“Một kênh xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian với chi phí lớn, rủi ro nhiều và công lao động thì vô kể, nhưng vẫn tồn tại, chứng tỏ nó phải có một khoản lợi nhuận rất lớn. Trong bao nhiêu năm ký hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO, hình thức này vẫn được duy trì. Liệu với TPP sắp tới, hình thức này có còn tồn tại?” – ông Diệu đặt câu hỏi.