MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Uỷ ban Chứng Khoán: Thị trường sẽ sớm hồi phục và đón nhận dòng tiền mới!

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định việc TTCK lao dốc trong những tuần qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Thời gian tới thị trường sẽ hồi phục và tiếp tục có những dòng tiền mới được đưa vào thị trường.

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, chiều 25/8 Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực về tình hình kinh tế vĩ mô.

Báo cáo của các bộ, ngành chức năng đã tập trung phân tích tình hình, đưa ra các đánh giá và kiến nghị liên quan vấn đề giá dầu thế giới giảm mạnh, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán trên thế giới, những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỉ giá của nhiều nước trên thế giới.

Về giá dầu thô sụt giảm sâu, các ý kiến đều khẳng định diễn biến này cũng như tác động của giá dầu giảm đến thu ngân sách đã được dự báo ngay từ đầu năm 2015. Các bộ, ngành chức năng đã báo cáo Chính phủ các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản giá dầu giảm ở mức thấp nhất.

Bộ Tài chính khẳng định với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách vẫn đảm bảo theo kế hoạch đặt ra và quyết tâm thực hiện vượt thu 8%.

Đối với diễn biến giảm trên thị trường chứng khoán Việt Nam những tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ, ngành đánh giá chủ yếu là do yếu tố tâm lý; thời gian tới thị trường sẽ hồi phục và tiếp tục có những dòng tiền mới được đưa vào thị trường.

Đối với tỉ giá và lãi suất, Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, việc tỉ giá bị đẩy lên sát trần những ngày qua, các dấu hiệu căng thẳng về lãi suất ở một số thời điểm và hiện tượng một số doanh nghiệp mua găm ngoại tệ cũng là yếu tố tâm lý.

"Chúng ta đã điều chỉnh tỉ giá đồng Việt Nam khá lớn và không có lý do gì để tiếp tục phá giá đồng tiền Việt Nam nữa. Vấn đề còn lại là niềm tin thị trường”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằngnhững diễn biến còn hết sức khó lường của kinh tế khu vực và thế giới đều tác động đến Việt Nam.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành: “Luôn luôn tính toán các phương án khác nhau, kể cả phương án xấu nhất. Chỉ có như vậy chúng ta mới chủ động được. Đồng thời phải chủ động thông tin về tình hình, dự báo, các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, chủ động, đồng thuận chính sách, không gây tâm lý hoang mang không cần thiết”

Theo Bạch Dương

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên