MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao công ty chứng khoán tăng phí dịch vụ tài chính

Thông tin các công ty chứng khoán nâng mức phí dịch vụ với nhà đầu tư được đưa ra trong bối cảnh thị trường khá ảm đạm.

Ngày 1/3/2011, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức áp dụng lãi suất vay hỗ trợ mới. Theo đó, lãi suất trong hạn: 0,065%/ngày; tương ứng 1,95%/tháng và tính theo năm là 23,4%/năm. Lãi quá hạn: 0,07%/ngày (tương ứng 2,1%/tháng). Phí ứng trước tiền bán chứng khoán cũng là 0,065%/ngày.

Lý giải về sự điều chỉnh lần này, đại diện của công ty chứng khoán APEC cho biết: việc điều chỉnh lần này đã nằm trong kế hoạch kinh doanh trong năm nay của công ty. Công ty cũng đã có thông báo đến khách hàng đang sử dụng dịch vụ tài chính của công ty trước 15 ngày.

Xu hướng điều chỉnh lãi suất của các dịch vụ Hợp đồng ứng trước tiền bán, hợp tác đầu tư chứng khoán… đã được nhiều công ty chứng khoán thực hiện những ngày cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Hiện tại, theo quan sát của CafeF, mức lãi suất phổ biến là từ 0,055%/ngày lên 0,06%/ngày, tương đương 21,6%/năm.

Một số công ty chứng khoán có mức phí thấp hơn các công ty khác hiện nay, khi được hỏi có kế hoạch tăng phí trong thời gian tới không thì không thể trả lời chắc chắn.

Theo giám đốc nguồn vốn một công ty chứng khoán tại Hà Nội, thời điểm hiện tại các công ty chứng khoán đều đang chịu áp lực khá lớn do thị trường không thuận lợi. Và đặc biệt, phí cho dịch vụ tài chính phụ thuộc vào cân đối nguồn vốn của mỗi công ty.

Có thể thấy rằng, mức phí dịch vụ tài chính của các công ty được áp dụng trong năm 2011 theo sát các diễn biến trên thị trường lãi suất của ngân hàng. Dường như các công ty cũng dự báo xu hướng lãi suất năm nay tiếp tục ở mức cao vì vậy ngay từ đầu năm phí dịch vụ tài chính đều điều chỉnh tăng.

Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia nghiên cứu và phân tích kinh tế công ty quản lý quỹ SHF cho rằng: “Các công ty cung cấp dịch vụ tài chính không chi từ nguồn vốn tự có mà còn có thể từ nguồn vốn ngân hàng”

Thực tế là các ngân hàng đang huy động lên đến 17%-18%, cho vay ra với sản xuất cũng là 20%-21%. Đối với lĩnh vực phi sản xuất lên đến 23%-24%. Chính vì lẽ đó các công ty chứng khoán cũng không thể cung cấp dịch vụ tài chính mà mức phí thấp hơn được – ông Đức nói.

Ngoài ra, việc các công ty chứng khoán để có vốn cung cấp cho các khách hàng là nhà đầu tư thì cũng phải tìm cách huy động vốn. Một số công ty thì phát hành trái phiếu, một số khác thì tìm cách để huy động vốn từ chính khách hàng công ty rồi cho vay lại. Dù cách thức nào thì lãi suất huy động cũng sẽ phải hấp dẫn hơn từ ngân hàng thì mới thu hút được vốn. Vì vậy, khi nhà đầu tư sử dụng sản phẩm tài chính thì phí dịch vụ cũng sẽ phải cao tương đương, hoặc hơn lãi suất cho vay của ngân hàng cũng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia chứng khoán khác còn cho rằng, trong yêu cầu của NHNN về “Các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” đã chính thức tuyên bố tỷ trọng tín dụng cho vay phi sản xuất sẽ giảm xuống 22% vào 30/6/2100 và chỉ còn 16% vào ngày 31/12/2011, tín dụng dành cho chứng khoán sẽ càng hạn chế. Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn thiếu động lực để tăng trưởng. Vì thế các công ty chứng khoán áp dụng mức phí dịch vụ tài chính cao, gián tiếp hạn chế nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính.

Do đó, những nhà đầu tư thích các dịch vụ tài chính để thu lợi nhuận lớn cũng phải cân nhắc khi lãi suất xấp xỉ 2%/tháng. Nếu sử dụng đòn bẩy thì tỷ lệ lãi suất vay trên vốn tự có của nhà đầu tư sẽ rất cao.

Đó có thể coi là cách giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Giảm rủi ro cho nhà đầu tư cũng là giảm rủi ro cho chính các công ty vì các khoản vay có thể trở thành danh mục đầu tư bất đắc dĩ khi không thể giải chấp thu hồi vốn – giám đốc một công ty chứng khoán chia sẻ.

Cao Sơn

tungdn2

Trở lên trên