"Việt Nam có nền tảng cơ bản phát triển thị trường phái sinh"
Thị trường tài chính Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn cũng như có nền tảng cơ bản để phát triển các sản phẩm phái sinh.
- 05-08-2015Bộ tài chính đặt mục tiêu đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động cuối năm 2016
- 31-07-2015“Năm 2016, Việt Nam sẽ có thị trường chứng khoán phái sinh”
- 04-06-2015Khoảng 15 – 20 CTCK đủ điều kiện tham gia Thị trường chứng khoán phái sinh
- 02-02-2015Chủ tịch UBCK: Khả năng trong quý 1 sẽ ban hành đề án thị trường phái sinh
- 22-01-20156 giải pháp vĩ mô phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam
Các chuyên gia tham dự Hội thảo về Quản lý rủi ro do tạp chí Asia Risk tổ chức ngày 9/9 tại Singapore cho rằng thị trường tài chính Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn cũng như có nền tảng cơ bản để phát triển các sản phẩm phái sinh.
Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tiến tới những bước phát triển về chiều sâu và có độ mở ngày càng lớn. Và quá trình phát triển của thị trường trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế đã tạo nền tảng cơ bản cho việc phát triển thị trường tài chính phái sinh trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Đỗ Ngọc Quỳnh, các sản phẩm phái sinh là những công cụ giúp cho các cơ quan quản lý và các tổ chức trên thị trường, các thành viên có thể linh hoạt, chủ động hơn trong việc quản trị rủi ro cũng như xây dựng các kịch bản phòng ngừa rủi ro trước những diễn biến của thị trường quốc tế và trong nước.
Giám đốc khu vực của Asia Risk Harjeet Singh cho rằng tuy Việt Nam tham gia thị trường phái sinh muộn, nhưng chưa hẳn đã là một điều bất lợi do có thể học hỏi kinh nghiệm từ các các quốc gia trên thế giới cũng như khu vực.
Nhận định về tình hình thị trường trong năm 2016, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và chiến lược nguồn vốn Ngân hàng OCBC của Singapore bà Selena Ling cho rằng những biến động khó lường sẽ tiếp tục chi phối và tác động lên bức tranh tài chính toàn cầu do ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, các điều kiện về tài chính thắt chặt… đòi hỏi sự cần thiết phải xây dựng những phương thức quản lý rủi ro hiệu quả hơn, trong đó có đổi mới thị trường phái sinh và thị trường chứng khoán ở các nước Đông Nam Á.
Các chuyên gia đã đưa ra những phương pháp quản trị rủi ro mới, các ứng dụng phần mềm quản trị rủi ro cũng như các kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, quy trình giao dịch… để nâng cao hiệu quả của thị trường tài chính khu vực châu Á.
Tại hội thảo lần này, BIDV là ngân hàng được Tạp chí Asia Risk trao giải thưởng "Ngân hàng Việt Nam xuất sắc của năm".
Theo Vietnam+