MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietjet có thể IPO vào năm tới

Đánh giá về kế hoạch IPO của Vietjet cũng như Vietnam Airlines có tác động thế nào tới lợi thế cạnh tranh của mỗi công ty tại thị trường Việt Nam, CEO của Vietjet cho biết mỗi DN có các định hướng khác nhau và nhận được sự quan tâm khác nhau của giới đầu tư.

Ngày 26/11, tại Toulouse – Pháp, hãng hàng không Vietjet đã nhận chiếc máy bay đầu tiên trong đơn hàng mua và thuê 100 máy bay của Airbus với tổng trị giá 9,1 tỷ USD.

Bên lề lễ ký kết, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành của Vietjet.

Ông Khánh cho biết, tại triển lãm hàng không (AirShow) ở Singapore hồi tháng 2/2014, Vietjet và Airbus đã ký kết Hợp đồng triển khai đơn hàng hơn 100 tàu bay để phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động trong tương lai của hãng. Đây là Hợp đồng mua bán dòng máy bay một lối đi mới và hiện đại nhất của Airbus, bao gồm 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 máy bay và thuê 7 chiếc Airbus khác. Giá trị Hợp đồng cho 63 chiếc máy bay là 6,4 tỷ USD và tổng giá trị Hợp đồng cho 100 chiếc máy bay là 9,1 tỷ USD. Những chiếc máy bay đầu tiên của hợp đồng này sẽ được giao hàng ngay trong năm 2014 và các năm tiếp theo sẽ nhận từ 6 - 10 chiếc.

Để phục vụ cho việc phát triển hoạt động kinh doanh, lãnh đạo Vietjet cho biết hãng đã hợp tác với các ngân hàng và thể chế tài chính hàng đầu trong khu vực và thế giới.

Trao đổi thêm về kế hoạch huy động vốn cũng như chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thời gian tới, ông Khánh cho biết kế hoạch IPO là một bước ngoặt đối mới lộ trình phát triển của Vietjet cũng như mục tiêu hình thành liên minh hàng không đa quốc gia của hãng. “Chúng tôi dự kiến thời gian IPO vào năm 2015-2016”, ông Khánh nói.

Đánh giá về kế hoạch IPO của Vietjet cũng như Vietnam Airlines có tác động như thế nào tới lợi thế cạnh tranh của mỗi công ty tại thị trường Việt Nam, giám đốc điều hành của Vietjet cho biết mỗi doanh nghiệp có các định hướng khác nhau và nhận được sự quan tâm khác nhau của giới đầu tư. VNA cổ phần hóa là tín hiệu tốt cho một thị trường lành mạnh, hoạt động công khai, minh bạch của các doanh nghiệp hàng không, hạn chế độc quyền. Môi trường đầu tư được hình thành và thị trường sẽ vận hành tốt hơn mà người được hưởng lợi là các nhà đầu tư và khách hàng.

“Vietjet trong khi đó có đường đi và lợi thế riêng, đó là chủ trương cải cách mạnh mẽ của chính phủ trong ngành hàng không; là hãng hàng không tư nhân đầu tiên nên chúng tôi nắm bắt được các cơ hội về thị phần, tăng trưởng, về cơ chế ưu đãi cho hãng hàng không mới, chúng tôi ứng dụng được ngay từ đầu phương thức quản lý tiên tiến và các công nghệ mới mà không bị ảnh hưởng của các tồn tại cũ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm được của các hãng hàng không khác để chọn dòng máy bay, động cơ, phương thức khai thác máy bay để giảm chi phí, tăng hiệu quả. Thực tế là các chỉ số hoạt động, khai thác của chúng tôi đạt được rất khả quan, thuộc loại tốt nhất trong khu vực. Đây là những cơ hội ở các hãng khác không có mà chúng tôi có thể chia sẻ với các nhà đầu tư”.

Về kế hoạch phát triển kinh doanh thời gian tới, lãnh đạo Vietjet cho biết đến nay hãng đã phủ kín tất cả các điểm đến tại Việt Nam với 110 chuyến bay mỗi ngày, đã mở đường bay đến Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và sắp tới đây là Campuchia, Trung Quốc, Nga, Nhật… Và để phục vụ cho kế hoạch mở rộng đường bay, Vietjet sẽ liên tục nhận tàu bay mới hoàn toàn từ Airbus trong gói 100 máy bay đã ký kết giữa hai bên. Hiện Vietjet đang khai thác 18 máy bay A320, từ nay đến cuối năm 2014 sẽ nhận thêm tàu bay mới từ Airbus, gia tăng số lượng tàu bay lên 20 tàu bay và các năm tới mỗi năm nhận 6 – 12 máy bay.

 Tùng Lâm

thanhhuong

Tài chính Plus

Trở lên trên