VN-Index cao hơn giá trị thực gần 22%
Nếu bỏ 3 cổ phiếu BVH, MSN, VIC (chiếm hơn 30% vốn hóa thị trường), VN-Index tính lại ngày 25/5 ở mức 302,5 điểm, thấp hơn VN-Index thực tế 83 điểm (-21,7%).
- 26-05-2011115 năm Dow Jones và cái nhìn về ‘sự méo mó’ chỉ số VnIndex
- 25-05-2011Sẽ có các bộ chỉ số chứng khoán mới
VN-Index được tính theo phương pháp bình quân trọng số, nghĩa là cổ phiếu có vốn hóa càng lớn sẽ chiếm càng nhiều tỷ trọng trong "rổ" tính Index. Hiện tại, 15 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất chiếm 67%, trong đó chỉ riêng 3 cổ phiếu BVH, MSN, VIC chiếm hơn 30% vốn hóa, khiến những biến động giá của các cổ phiếu này tác động mạnh đến chỉ số chung.
Ông Phạm Ngọc Bách, chuyên viên phân tích CTCK VNDirect cho
biết, để loại bỏ ảnh hưởng của 3 cổ phiếu nêu trên, Công ty đã tiến hành tính
lại VN-Index bằng cách loại bỏ 3 cổ phiếu này trong rổ tính chỉ số và lấy thời
điểm gốc từ đầu năm 2010.
Đây không phải là cách làm chuẩn mực, tuy nhiên nó cũng giúp nhà đầu tư có một cái nhìn thực tế hơn với thị trường chung. Bằng phương pháp đó, VN-Index tính lại ngày 25/5 ở mức 302,5 điểm, thấp hơn VN-Index thực tế 83 điểm (-21,7%).
Hiện tại, hệ thống tính toán VN-Index là hoàn toàn tự động
và nằm chung trong phần mềm hệ thống giao dịch do Sở GDCK Thái Lan hỗ trợ Việt Nam. Đây là
phần mềm hệ thống thuộc bản quyền nhà cung cấp phần mềm chuyên nghiệp của Mỹ.
Tại nhiều nước sử dụng phần mềm này để tính toán chỉ số, toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành và cổ phiếu có thể chuyển nhượng được gần như là một, nên diễn biến thị trường được phản ánh chính xác. Nhưng tại Việt Nam, do số lượng cổ phiếu đang lưu hành và số lượng cổ phiếu có thể chuyển nhượng không đồng nhất nên dẫn đến sai lệch khá lớn khi tính toán quyền số trong công thức tính VN-Index.
Theo tính toán của VNDirect, hiện tại, nếu bộ 3 cổ phiếu BVH, MSN, VIC cùng tăng trần hay giảm sàn sẽ khiến VN-Index tăng/giảm 6 điểm. Trong khi đó, việc "đẩy" giá 3 cổ phiếu này được tiến hành không mấy khó khăn, do lượng cổ phiếu lưu hành rất ít so với lượng cổ phiếu niêm yết.
Cách tính VN-Index hiện nay tạo ra một giả thiết trớ trêu là 260 cổ phiếu còn lại trên tổng số 290 cổ phiếu trên HOSE (chiếm 30% vốn hóa thị trường) dù có giảm giá sàn, nhưng nếu 3 cổ phiếu trên tăng giá trần, thì VN-Index cũng không thay đổi là bao. Do đó, cần phải tính một bộ chỉ số khác để có một cái nhìn trung thực hơn với toàn bộ thị trường.
Trên thế giới, việc tính toán chỉ số đều có những chuẩn mực theo từng phương pháp khác nhau. Về công thức và cách tính, cơ bản không có gì phức tạp. Vấn đề còn lại chủ yếu nằm ở hạ tầng công nghệ cũng như hệ thống xử lý dữ liệu được tự động hóa. Do vậy, cá nhân sẽ khó tiếp cận được với cách tính chỉ số, mà chủ yếu chỉ có thể tham khảo qua các tổ chức tài chính hoặc CTCK.
Trên thị trường, ngoài 2 chỉ số chính hiện nay là VN-Index và HNX-Index, các CTCK như Woori CBV, VNDirect, FPTS đã xây dựng hoàn thiện chỉ số số ngành, chỉ số theo các mức vốn hóa... Tuy nhiên, các chỉ số này chưa được cơ quan quản lý công nhận chính thức nên chưa có mức phổ biến rộng rãi trong đông đảo nhà đầu tư.
Theo ông Bách, vấn đề cần thiết hiện nay để tính lại VN-Index là chọn phương pháp và cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn.
"Có thể Sở giao dịch đang trình UBCK phương pháp tính phù hợp nhất, nhưng theo tôi, nó phải đạt được sự đồng thuận cao của thị trường. Còn về cơ sở hạ tầng, hệ thống của Sở khá cũ và lạc hậu so với thế giới. Các công cụ để phát triển thị trường gần như mới dừng ở mức đề xuất ý tưởng. Do vậy, không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta tiếp tục sử dụng chỉ số chính hiện tại trong một thời gian dài nữa", ông Bách nói.
ĐTCK