Vốn ngoại mua ròng: Hấp dẫn dài hạn hay tính chu kỳ?
Mức Premium và giá chứng chỉ quỹ ETF VNM đang tăng nhanh là minh chứng cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm đến hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực.
Những ngày đầu tháng 2 này, xuất hiện khá nhiều thông tin về hiện tượng “tháo chạy kỷ lục của dòng vốn khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu” trên toàn cầu, nhất là các quỹ ETF. Dường như đã có điều gì đó hơi trái ngược với Việt Nam, khi mà giá chứng chỉ quỹ VNM ETF liên tục tăng, mức Premium hôm 13/2 lên tới 11,03% và quỹ này thành công liên tục trong việc huy động vốn mới.
Nhà báo Nguyễn Hoàng (VNEconomy): Hiện tượng trái ngược này theo anh chị có ý nghĩa như thế nào, phải chăng thị trường Việt Nam đang có sự hấp dẫn khác biệt?
Ông Trần Hữu Phúc (phụ trách Phòng môi giới tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán VCBS)
Mức Premium và giá chứng chỉ quỹ ETF VNM đang tăng nhanh là minh chứng cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm đến hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực.
Tuy nhiên, dòng vốn ETF thường sẽ biến động mạnh sau mỗi kỳ review vì vậy cần quan sát kỹ hơn trước các kỳ review (tái cơ cấu danh mục) để có quyết định sáng suốt cho danh mục của mình. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không thể là một ngoại lệ nếu hiện tượng ”tháo chạy kỷ lục của dòng vốn khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn thế giới” diễn ra trên diện rộng.
Ông Lê Đức Khánh (Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Công ty Chứng khoán MSBS)
Hầu như các chuyên gia thế giới, cũng như các chuyên gia về tài chính của các tổ chức tài chính uy tín đang phải thừa nhận rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2014 sẽ tốt hơn so với năm 2013 và cũng theo quan điểm cá nhân tôi thì thị trường Việt Nam đang tạo ra các cơ hội đầu tư lớn cho giới đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Hữu Việt (Giám đốc nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán IRS)
Đúng là Việt Nam có một vài sự hấp dẫn khác biệt: giá cổ phiếu thấp, kinh tế vĩ mô dần ổn định trở lại, không có bất ổn chính trị… Nhưng tôi cho rằng, hành vi của khối ngoại hiện tại trên thị trường Việt Nam không hẳn vì những sự khác biệt nêu trên mà nó đến từ tính chu kỳ, như đã nêu trước đó thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới luôn là giai đoạn khối ngoại, mà đặc biệt là các quỹ ETF, mua ròng mạnh nhất trên thị trường Việt Nam trong 3-4 năm trở lại đây.
Cũng về tính chu kỳ này, có một điểm nữa rất đáng chú ý là ở các thời điểm trước kỳ cơ cấu quý 1 của ETF VNM, thường xảy ra những nhịp giảm điểm mạnh trong ngắn hạn - mà trong đó, khối ngoại chuyển trạng thái sang bán ròng.
Bà Hồ Huyền (Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDS)
Lưu ý là năm 2013 quỹ VNM ETF có mức lợi suất 28.3%, trong khi các quỹ ETF ở Trung Quốc (FXI) đạt 11,2%, Hàn Quốc (EWY) 9,9%, Singapore (EWS) 4,8%, Philippines (EPHE) 0,5%, nên thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt các quỹ ETF.
Hệ số tương quan (correlation) giữa việc giảm/rút QE với thị trường Việt Nam cũng thấp hơn so với thị trường các nước khác nên ít rủi ro bị rút vốn đột ngột.
Ông Phạm Tiến Dũng (Trưởng bộ phân nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán BVSC)
Đúng là thị trường Việt Nam đang tạo sự hấp dẫn khác biệt so với các thị trường mới nổi khác, sự hấp dẫn này nhờ vào chuyển biến tích cực của bối cảnh kinh tế. Bên cạnh đó, do kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp mới bắt đầu quá trình tạo đáy, mở ra triển vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian sắp tới.
Theo Nguyễn Hoàng