Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn tiền đổ dồn vào TTCK trong thời gian gần đây đến từ sự dịch chuyển nguồn vốn từ trái phiếu (TP) sang cổ phiếu (CP), khi lãi suất TP đang chạm đáy nhưng TTCK liên tục có những đợt sóng tăng giá.
Lợi suất TP chạm đáy
Cầu TP chính phủ trên thị trường sơ cấp tiếp tục giảm trong những tháng gần đây. Theo thống kê, Chính phủ chỉ phát hành được 26.500 tỷ đồng trong tổng số 46.500 tỷ đồng TP mang ra chào bán tính từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 vừa qua. Tỷ lệ thành công đạt 57%, thấp hơn so với mức 65% trong 30 ngày trước đó.
Lãi suất trúng thầu gần đây nhất đối với kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm lần lượt là 7,13%, 7,5% và 8,45% (tương ứng với mức giảm lần lượt 0,27%, 0,3% và 0,4% so với trước đó 4 tuần).
Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động lượng TP chính phủ đạt 104.316 tỷ đồng (đạt 61,3% so với kế hoạch cả năm 2013 vừa điều chỉnh là 170.000 tỷ đồng). Theo sau thị trường sơ cấp, thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 24.000 tỷ đồng (giảm 23% so với tháng trước đó) do lợi suất giảm từ 0,1-0,35%.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc dòng vốn chảy vào TP liên tục sụt giảm là do lợi suất TP tiếp tục có chiều hướng giảm ở mọi kỳ hạn. Xét về mặt lợi suất TP đã không còn ở mức hấp dẫn đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tín dụng.
Hoạt động tín dụng của các NHTM tiếp tục gặp khó khăn nên các NĐT vẫn kỳ vọng lợi suất sẽ còn có thể giảm nữa, mặc dù trên thị trường mức lợi suất tại các kỳ hạn 2 năm và 3 năm đến nay đang được cho là chạm đáy. Thậm chí, theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVS), mức lợi suất hiện tại đã xuống thấp hơn chi phí huy động của các ngân hàng.
Trên thực tế, các NHTM vẫn duy trì một tỷ lệ nhất định đầu tư vào TP để đảm bảo an toàn thanh khoản và có thêm nguồn thu nhập cố định. Mặt khác, các NHTM vẫn phải tập trung duy trì chiến lược tăng trưởng dựa trên tín dụng là chủ yếu. Chính vì vậy, dự báo nguồn tiền đổ vào đầu tư và giao dịch TP khó có thể tăng lên trong thời gian tới.
Tìm lợi nhuận ở TTCK
Trong bối cảnh lãi suất TP liên tục sụt giảm thì vốn có xu hướng chảy sang các kênh đầu tư khác và TTCK đang là sự lựa chọn của các NĐT. Kể từ cuối tháng 11-2012, TTCK đã bắt đầu xu hướng đi lên và xu hướng này tiếp tục kéo dài cho tới thời điểm hiện tại. Việc TTCK nằm trong xu hướng tăng là do NĐT kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi nhờ những chính sách tài khóa và tiền tệ đang được thực hiện.
Từ chính sách tiền tệ và quá trình sụt giảm lãi suất, các NĐT đang kỳ vọng lượng tiền rẻ sẽ thúc đẩy quá trình kéo dài tăng của TTCK. Đặc biệt, đã có ý kiến dự báo chỉ số VN Index sẽ sớm thiết lập mốc cao kể từ cuối năm 2009 là 565 điểm.
Theo BSC, các dấu hiệu về sự dịch chuyển dòng tiền từ TP sang CP ngày càng thể hiện rõ nét. Tín hiệu đầu tiên là lợi suất TP đang hình thành các vùng đáy, trong thị trường TP cơ hội còn lại thuộc về nhóm TP ngắn và trung hạn. Tín hiệu kế tiếp sẽ rõ ràng hơn khi VN Index đang có dấu hiệu đi lên.
Khi đó, độ rộng của thị trường tăng lên và cơ hội đầu tư xuất hiện ở các CP có tính rủi ro cao hay có hệ số beta lớn. Đây chính là thời điểm dòng vốn từ thị trường TP, đặc biệt là nhóm TP ngắn hạn, sẽ bị rút ra và đổ mạnh vào TTCK.
Với việc lạm phát đã quay về mức kỳ vọng và quá trình thực hiện nới lỏng, đồng thời chính sách tài khóa và tiền tệ đã có dấu hiệu rõ nét, dự báo lợi suất thị trường TP đang tiến tới vùng đáy quan trọng trong xu thế giảm được hình thành từ năm 2008. Tuy vậy, việc cắt giảm này tác động chủ yếu tới các đường lợi suất TP ngắn hạn và gần như không tác động tới lợi suất TP dài hạn.