MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Lạc quan thận trọng

Những chuyển biến tốt hơn của thị trường trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ dài đã lôi kéo được hoạt động gia tăng danh mục cổ phiếu...

Những chuyển biến tốt hơn của thị trường trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ dài đã lôi kéo được hoạt động gia tăng danh mục cổ phiếu.

Mặc dù đánh giá thị trường có cơ hội trong ngắn hạn, nhưng những lo ngại vẫn còn đó và điều này phản ánh lên mức độ tham gia thị trường của các chuyên gia. Tỷ lệ nắm giữ được duy trì ở mức khá cao là yếu tố tin cậy nhất phản ánh sự lạc quan đối với các cơ hội hiện hữu.

Tuy nhiên các chuyên gia được phỏng vấn vẫn duy trì quan điểm thận trọng một cách thống nhất, khi cho rằng thị trường đang đứng trước ngưỡng kháng cự quan trọng và bản thân những chuyển biến gần đây chưa đưa thị trường thoát ra khỏi một con sóng hồi trong xu thế giảm.

 

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ đã có sự khởi động khá tốt với mức tăng 1,7%. Thanh khoản cũng đang cải thiện và khối ngoại giảm bán, quay sang mua ròng. Anh chị đánh giá sức mạnh thị trường của tuần đầu tiên này như thế nào?

 

 

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Các chỉ số hiện vẫn đang nằm trong kênh dao động ngắn hạn (VN-Index là 540-555 điểm và HNX-Index là 72-79 điểm). Xét về trung hạn thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm và đợt hồi phục vừa qua vẫn chưa đưa các chỉ số vượt lên lại đường xu hướng.

Diễn biến tích cực cả về điểm số và thanh khoản, nước ngoài qua trở lại mua ròng tuần này có thể chỉ là biểu hiện tạm thời ở một số cổ phiếu cụ thể (chẳng hạn MBB mở thêm 10% room cho khối ngoại), cần theo dõi, đánh giá thêm trong các phiên tới.

 

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường đã trải qua một tuần giao dịch thành công sau kì nghỉ tết nguyên đán. Có thể nói việc Vnindex tăng 1,7% là nét rất tích cực vượt ngoài kì vọng của nhiều nhà đầu tư chọn giải pháp đứng ngoài thị trường trong suốt giai đoạn vừa qua.

Thanh khoản cải thiện rõ ràng tuy nhiên có “deal” giao dịch thoả thuận lớn cổ phiếu MBB tác động đến thanh khoản chung toàn thị trường. Chúng tôi đánh giá thị trường có nhiều yếu tốt tích cực hơn và đã khởi động cả dòng tiền đầu cơ vào một số nhóm cổ phiếu khác.

 

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Dù rằng thanh khoản tuần này được cải thiện chủ yếu do đột biến ở một số mã cá biệt, tôi vẫn ghi nhận sự tích cực này.

Thêm vào đó, số mã có lãi sau T+3 (tính theo giá đóng cửa) hiện chiếm 68% số mã toàn thị trường, và các mã này có mức lãi trung bình cao hơn so với mức lỗ trung bình của các mã lỗ.

Điều đó cho thấy thị trường đang cải thiện, tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn, khả năng thị trường tiếp tục tích cực càng lớn.

 

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Niềm tin nhà đầu tư đã quay trở lại thể hiện qua sức mua trên cả 2 sàn giao dịch trong tuần đầu tiên của năm mới mặc dù giao dịch ‘”khủng” của cổ phiếu MBB phiên cuối tuần qua.

Tôi cho rằng thị trường đang hồi phục tốt - cơ hội cho các nhà đầu tư nhanh nhạy.

 

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo đánh giá của tôi, sức mạnh thị trường trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài ngày là khá tốt.

Diễn biến tích lũy tích cực ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sau nhịp hồi phục mạnh trước đó đang đóng vai trò giữ nhịp cho thị trường, trong khi đó, sự hồi phục của giá dầu thế giới cũng đã giúp cho diễn biến của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí trở nên sôi động hơn, đặc biệt là GAS, PVD, PVS… đã góp phần vào đà tăng của các chỉ số thị trường trong tuần qua.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 4/2015 ở khá nhiều các doanh nghiệp niêm yết được công bố khả quan, cùng hoạt động mua ròng trở lại của khối ngoại cũng đã giúp cho dòng tiền tham gia vào thị trường có sự cải thiện đáng kể.

 

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Tuần đầu tiên cũng đón nhận thông tin không mấy vui liên quan đến khả năng sửa đổi Thông tư 36 – vốn là nỗi ám ảnh của thị trường từ cuối năm 2014. Từ góc độ chuyên môn, anh chị đánh giá sự sửa đổi này như thế nào, liệu thị trường chứng khoán có gặp khó khăn hơn hay không?

 

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Trong ngắn hạn, tôi thấy trước thông tin được nhận định là không mấy tích cực cho thị trường mà index vẫn tăng, nhà đầu tư vẫn có lãi, nghĩa là dòng tiền đủ khỏe.

Như vậy là cơ hội vẫn rộng mở với chúng ta. Chưa nói đến dự định sửa đổi thông tư 36 đã được nhắc đến từ rất lâu, ảnh hưởng của nó có thể đã phần nào phản ứng vào giá.

 

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Dự thảo Thông tư 36 đã thay đổi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa.

Cụ thể: Ngân hàng thương mại: 40% (quy định cũ là 60%); chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 40% (quy định cũ là 60%); tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 80% (quy định cũ là 200%); Ngân hàng Hợp tác xã: 40% (quy định cũ là 60%).

Theo chúng tôi điều này làm giảm khả năng sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn của các ngân hàng có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn cao.

 

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng việc sửa đổi Thông tư 36 theo đề xuất dự thảo của Ngân hàng nhà nước mới đây sẽ tiếp tục giúp củng cố hoạt động của hệ thống ngân hàng thông qua việc hạn chế cho vay các phân khúc rủi ro, tăng cường vai trò của ngân hàng thương mại nhà nước trong việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, đồng thời đảm bảo sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán có thể sẽ không chịu tác động từ việc sửa đổi này bởi những nội dung bổ sung cho Thông tư 36 liên quan đến hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán nhìn chung không có ảnh hưởng đối với diễn biến thị trường.

Chịu ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là các cổ phiếu bất động sản trong dài hạn. Ngân hàng nhà nước đưa ra phương án siết cho vay bất động sản thể hiện qua việc ban hành văn bản xin ý kiến sửa đổi Thông tư 36 có khả năng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản cho vay kinh doanh trong lĩnh vực này.

Đây có thể coi là thông tin không tích cực đối với các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, đặc biệt đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản lớn, do dòng chảy tín dụng vào ngành này sẽ không được duy trì ở mức cao như trong năm 2015.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của các ngân hàng dành tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn vay cho lĩnh vực bất động sản cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

 

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi cho rằng diễn biến thị trường điều chỉnh kèm thanh khoản thấp thời gian trước tết ít nhiều cũng đã phản ánh các thông tin tiêu cực trong nước cũng như là quốc tế.

Mặc dù ảnh hưởng liên quan đến sửa đổi Thông tư 36 cũng sẽ ảnh hưởng đôi chút đến tâm lý nhà đầu tư cũng như dòng tiền nội, tuy nhiên đây không phải là tác nhân lớn nhất tác động đến thị trường chứng khoán trong hiện tại cũng như trong thời gian tới.

 

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

MBS đã có báo cáo đánh giá dự thảo sửa đổi Thông tư 36, gửi nhà đầu tư vào ngày 4/2/2016. Dưới đây là tóm tắt một số điểm:

1) Giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (chủ yếu cho vay trung dài hạn hiện giờ là bất động sản) từ 60% xuống 40%. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các ngân hàng hiện nay đang có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao.

2) Tăng hệ số rủi ro vốn cho vay bất động sản từ 150% lên 250%. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tính CAR của các ngân hàng nói chung. Tuy vậy, các khoản mua nhà trả góp, mua nhà theo các chương trình chính phủ sẽ không bị tính tỷ lệ trên nên đích đến chủ yếu là mảng bất động sản cao cấp, lĩnh vực mua để đầu tư kinh doanh cho thuê lại.

3) Tỷ lệ LDR tăng từ 80% lên 90% cho các ngân hàng thương mại nhà nước như VCB, BID, CTG. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng này.

4) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu chưa niêm yết của doanh nghiệp. Quy định này mở rộng đối tượng hạn chế cấp tín dụng so với trước đây. Điều này sẽ hạn chế 1 phần tín dụng đồng thời hạn chế rủi ro của khoản vay.

 

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Với mức tăng xấp xỉ 8% kể từ đáy thấp nhất của VN-Index trong vòng 15 phiên vừa qua, về mặt kỹ thuật, liệu chỉ số này đã thoát đáy để hình thành sóng tăng mới hay chưa? Nếu phải chỉ ra điều lo ngại nhất của anh chị, khả dĩ cản trở cơ hội tăng trưởng cao hơn của thị trường thì đó là điều gì?

 

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Thị trường vẫn đang trong con sóng hồi tính từ thời điểm trước tết và cái gì đến cũng phải đến - chỉ số VN-Index sẽ vẫn phải chạm ngưỡng kháng cự mạnh vùng 570 (+/- 5 điểm) - Vùng này sẽ có những điều chỉnh lớn hơn cũng như đón chờ các thông tin vĩ mô hỗ trợ hoặc là dòng tiền giải ngân của khối ngoại được cải thiện.

Dù sao đi nữa tôi cho rằng giai đoạn đầu năm vẫn là cơ hội cho thị trường chứng khoán.

 

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index nhiều khả năng đã hình thành đáy ngắn hạn khi những tín hiệu phân kỳ của chỉ số này với các chỉ báo kỹ thuật có độ nhạy cao đã được xác nhận bằng nhịp hồi phục tăng điểm tích cực từ đường hỗ trợ dài hạn SMA200.

Tuy vậy, tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định chỉ số đã xác lập lại xu hướng “uptrend” trung hạn, bởi chỉ số sẽ còn phải đối mặt với nhiều vùng kháng cự mạnh và có mật độ giao dịch tương đối dày đặc ở phía trước.

Điều khiến tôi lo ngại nhất sẽ cản trở cơ hội tăng trưởng cao hơn của thị trường lúc này chính là những biến động tiêu cực và khó lường của giá dầu thế giới và thị trường chứng khoán toàn cầu.

 

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Như tôi đã nói ở trên, các chỉ số vẫn chưa bứt hẳn khỏi xu hướng giảm trung hạn dù đã có những tín hiệu tích cực.

Điều lo ngại nhất hiện nay là việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong bối cảnh nhiều quỹ ETF bị rút vốn, do lo ngại tình hình bất ổn trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là từ nguy sơ một cuộc suy thoái bắt đầu từ Trung Quốc.

 

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi cho rằng thị trường có khả năng tiếp tục nhịp tăng, kéo dài bằng tháng. Cơ hội kiếm lợi nhuận là có, nhưng có thể sẽ lắt léo.

Dù trong ngắn hạn tôi rất lạc quan, nhưng trong dài hạn, tôi lo ngại sẽ có nhiều cạm bẫy trong cả năm nay. Một trong những số đó là những ảnh hưởng bất ngờ từ thị trường thế giới, khi mà Trung Quốc và nhiều nước mới nổi tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn.

 

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường đã thoát khỏi kênh giảm giá trong ngắn hạn và ổn định hơn điều này tác động tích cực đến dòng tiền tham gia thị trường và tâm lý đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Điều lo ngại lớn nhất của chúng tôi về thị trường trong năm nay đó là nỗi lo tỷ giá và xu thế rút tiền khỏi thị trường của các nhà đầu nước ngoài.

 

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Vị thế hiện tại của anh chị như thế nào, mức giải ngân là bao nhiêu?

 

 

 

Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Với vị thế 70% trước tết 1 tuần, tôi gia tăng tỷ trọng lên 100% cổ phiếu ngay khi lứa cổ phiếu này về có lãi.

Hiện tôi giữ trạng thái quan sát, có thể di chuyển danh mục nhưng luôn giữ tỷ lệ cổ phiếu chờ về tối đa là 30% để có thể chủ động trước diễn biến thị trường.

 

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi đã giải ngân thăm dò với một kì vọng thị trường sẽ ổn định đến cuối tháng 2 trong khoảng 560-580 điểm. Mức giải ngân của chúng tôi 30% cổ phiếu 70% tiền.

 

 

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi đã thực hiện giải ngân thêm 20% cổ phiếu ở phiên đầu tuần qua và có thực hiện chốt lời ngắn hạn tỷ lệ nhỏ ở phiên cuối tuần. Tỷ trọng cổ phiếu hiện nay tôi đang duy trì ở mức 60%/40%.

 

 

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Danh mục tổng của tôi hiện tại đang duy trì ở mức 80% cổ phiếu (trong đó phần danh mục trung hạn chiếm 30%).

 

 

 

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Tôi tiếp tục đứng ngoài.

 

 

* Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, cũng như để tạo kênh phản hồi đa chiều khách quan, VnEconomy xin chia sẻ địa chỉ e-mail của các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền". Họ sẵn sàng trao đổi, làm rõ thêm các quan điểm và phản hồi phản biện của bạn đọc.

Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MBS: quang.phamthien@mbs.com.vn

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): leduckhanh@gmail.com

Bà Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS: huyen.ho@vndirect.com.vn

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: tranxuanbach@baoviet.com.vn

Theo Nguyễn Hoàng

VNEconomy

Trở lên trên