Thị trường có quy mô 180 tỷ USD này, bất cứ doanh nghiệp nào cũng thèm muốn
Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam rớt khỏi top 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới do tiêu dùng suy giảm, song dự kiến đến năm 2020 quy mô thị trường lên tới 180 tỷ USD, Việt Nam vẫn được nhận định là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất.
- 18-05-2016Thị trường bán lẻ Việt: 50% nằm trong tay người Thái?
- 17-05-2016Bài học định giá doanh nghiệp bán lẻ từ Warren Buffett
- 16-05-2016Góc khuất thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp mệt vì bị ép
- 15-05-2016Về đâu thị trường bán lẻ Việt?
- 14-05-2016Thị trường bán lẻ Việt Nam nhìn từ thương vụ Central Group mua lại Big C
Năm 2016 được nhận định là một năm đầy cơ hội và thách thức với ngành bán lẻ Việt Nam. Kể từ 11/1/2015 Việt Nam chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Bên cạnh đó, năm 2015 là năm Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập sẽ cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực... di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Chưa kể, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với 12 nước tham gia, mở cửa cho hơn 10.000 loại hàng hóa sẽ được loại bỏ thuế quan.
Các chuyên gia nhận định, việc này sẽ gây nhiều khó khăn bất lợi cho hàng hóa trong nước nhưng cũng là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, phân phối, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với riêng thị trường bán lẻ, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn chứng từ số liệu của hãng nghiên cứu A.T.Kearey cho biết Việt Nam đứng thứ 28 trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới và Việt Nam hiện nằm trong top 5 thị trường bán lẻ phát triển nhất châu Á.
Cũng theo số liệu thống kê tại Báo cáo Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ Công Thương, số lượng siêu thị đã tăng từ 386 siêu thị năm 2008 tăng lên 762 siêu thị năm 2014, chủ yếu do tăng số lượng siêu thị hạng 2.
Trong khi đó, quy mô các trung tâm thương mại ở Việt Nam thì chưa nhiều và chủ yếu phát triển ở các trung tâm thành phố lớn... Theo thống kê, hiện nay các nhà bán lẻ nước ngoài mới chiếm khoảng 5% thị phần tại Việt Nam, song nhóm này lại có tốc độ phát triển nhanh nhất.
Mặc dù bán lẻ Việt Nam có tốc độ phát triển lớn và có nhiều tiềm năng, song theo TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại, dẫn chứng từ nhận định của Nielsen rằng nếu như Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới từ năm 2008, thì nay đã liên tục xuống hạng.
Theo đó, hiện vị trí xếp hạng bán lẻ của Việt Nam đã lọt khỏi top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, được xem là đáng báo động cho một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. TS. Khôi cho rằng, tnhững tác động do kinh tế thế giới và trong nước khó khăn đã tác động lớn đến ngành bán lẻ, khi người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, khả năng chi trả thấp do suy giảm thu nhập đã kéo cầu tiêu dùng suy giảm.
Đến năm 2020, theo quy hoạch cả nước sẽ có khoảng 1200 – 1500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Quy mô thị trường bán lẻ năm 2015 đạt 102 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng đạt 7,3% trong giai đoạn 2010 – 2015, thị phần bán lẻ hiện đại ở VIệt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2010 – 2015.
Dự báo giai đoạn 2016 – 2020 tốc độ tăng trưởng bình quân thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9%, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%. Cả nước có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại với những tên tuổi lớn như BigC, Metro, Saigon Co.op, VinMart…
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhiều hãng bán lẻ nước ngoài nhảy vào Việt Nam thì doanh nghiệp cần phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh. Đồng thời, nhà nước cũng sẽ có những chính sách ưu đãi hợp lý, để tránh hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước nhưng thực chất là hỗ trợ cho nước ngoài.