Thị trường cơ sở biến động không thuận lợi, thanh khoản phái sinh tăng mạnh
Khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng VN30 đạt 253.723 hợp đồng/phiên, tăng 29,47% so với tháng trước, tương ứng giá trị giao dịch bình quân (theo danh nghĩa hợp đồng) đạt 31.143 tỷ đồng, tăng 24,5% so với tháng trước.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh trong tháng 9/2022 đã tăng trở lại sau khi giảm mạnh vào tháng 8 qua đó vượt qua mức giao dịch của tháng 7. Tháng 9 cũng là giai đoạn thị trường cơ sở có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng không thuận lợi khi VN30-Index giảm 11,48% so với tháng 8/2022 và đóng cửa phiên cuối tháng 9 tại mức 1.152,01 điểm.
Về giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai VN30 trong tháng 9, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng VN30 đạt 253.723 hợp đồng/phiên, tăng 29,47% so với tháng trước, tương ứng giá trị giao dịch bình quân (theo danh nghĩa hợp đồng) đạt 31.143 tỷ đồng, tăng 24,5% so với tháng trước. Trong đó, phiên giao dịch ngày 28/9/2022 có khối lượng giao dịch lớn nhất trong tháng, đạt 351.080 hợp đồng.
Trong tháng 9, khối lượng mở (OI) hợp đồng tương lai VN30 tăng 17,13% so với tháng trước, đạt 49.476 hợp đồng tại phiên giao dịch cuối tháng 9/2022. Trong đó, phiên giao dịch ngày 27/9/2022 có OI cao nhất tháng đạt 57.325 hợp đồng. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giảm so với tháng 8/2022, chiếm 1,66% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng KLGD đạt 39,62 triệu hợp đồng, tương ứng tổng GTGD (theo danh nghĩa hợp đồng) đạt 5,27 triệu tỷ đồng. KLGD bình quân 9 tháng đầu năm đạt 215.329 hợp đồng/phiên, tương ứng GTGD bình quân đạt 28.640 tỷ đồng/phiên, lần lượt tăng 14% và 9,62% so với bình quân năm 2021.
Đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm, tổng KLGD 10.330 hợp đồng, tương ứng GTGD theo danh nghĩa 10.988 tỷ đồng, hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm không có giao dịch. Khối lượng OI hợp đồng tương lai TPCP tại thời điểm cuối tháng 9/2022 là 0 hợp đồng. Các giao dịch hợp đồng tương lai TPCP trong tháng 9 đều được thực hiện bởi các nhà đầu tư tổ chức, trong đó tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chiếm 50%.
Bên cạnh vai trò là một kênh đầu tư, thị trường phái sinh còn thể hiện vai trò phòng vệ rủi ro cho thị trường cơ sở. Đặc biệt, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, thị trường phái sinh góp phần làm giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở, giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, giảm quy mô và mức độ sụt giảm trên thị trường cơ sở.
Do đó, không bất ngờ khi giao dịch phái sinh tiếp tục sôi động trong những giai đoạn thị trường cơ sở có nhiều biến động mạnh. Trong tháng 9, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng lên. Tính đến cuối tháng 9/2022, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đã đạt hơn 1,1 triệu tài khoản, tăng 1,88% so với tháng trước.
Nhịp Sống Thị Trường