MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường dầu mỏ chao đảo sau khi OPEC+ từ chối nâng mạnh sản lượng, ảnh hưởng sẽ còn kéo dài

06-10-2021 - 06:54 AM | Thị trường

Thị trường dầu mỏ chao đảo sau khi OPEC+ từ chối nâng mạnh sản lượng, ảnh hưởng sẽ còn kéo dài

Giá dầu đã tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy trong vòng nhiều năm nay sau khi OPEC+ từ chối tăng mạnh sản lượng. Nhiều người bắt đầu tin rằng giá dầu thô đã sẵn sàng tiến lên mốc 100 USD/thùng.

Giá dầu tăng gần đây là sự kiện mới nhất tiếp nối chuỗi tăng giá hàng hóa trên diện rộng khắp toàn cầu, từ gỗ xẻ đến yến mạch, khí propan và khí đốt tự nhiên. Nhu cầu từ khắp nơi trên thế giới hồi phục trở lại khi các nền kinh tế dần mở cửa sau đại dịch Covid-19, vượt quá khả năng cung cấp của các nhà sản xuất nguyên liệu.

Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng một số nước sản xuất dầu lớn khác, trong đó có Nga (gọi là OPEC+) hôm 4/10 đã thống nhất sẽ tuân thủ thỏa thuận về lộ trình tăng sản lượng dầu. Theo đó, nhóm này sẽ bổ sung thêm 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày cho thị trường trong tháng 11 tới.

Quyết định này của nhóm đúng như dự đoán của đa số các nhà phân tích và các thương gia trên thị trường, tuy nhiên khác hẳn với kỳ vọng của một số người rằng áp lực của Mỹ và Ấn Độ trong việc kiềm chế giá dầu tăng cao có thể đủ mạnh để thuyết phục nhóm nâng mức bổ sung lên nhiều hơn nữa.

Sau khi vượt mốc 80 USD/thùng trong ngày 4/10, giá dầu tiếp tục tăng trong ngày 5/10. Lúc 13h45 GMT ngày 4/10 (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đạt 82,43 USD/thùng, sau khi tăng 2,5% trong phiên liền trước; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lên 78,72 USD/thùng, sau khi tăng 2,3% trong phiên liền trước.

Như vậy, giá dầu đã tăng khoảng 60% trong năm nay, với dầu Brent cao nhất trong vòng 3 năm, còn dầu WTI cao nhất 7 năm, làm gia tăng áp lực lạm phát ở những nước tiêu thụ dầu thô lớn như Mỹ và Ấn Độ, đồng thời gây lo ngại làm chệch bánh con tàu hồi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Thị trường dầu mỏ chao đảo sau khi OPEC+ từ chối nâng mạnh sản lượng, ảnh hưởng sẽ còn kéo dài - Ảnh 1.

Tamas Varga, nhà phân tích cấp cao thuộc PVM Oil Associates, cho biết: "Thị trường đang tràn đầy niềm tin. Câu hỏi đặt ra là liệu sự lạc quan này có chính đáng hay không?."

Tháng 7/2021, OPEC + đã thống nhất sẽ nâng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/tháng cho đến ít nhất là tháng 4 năm 2022 để khôi phục dần mức giảm sản lượng 5,8 triệu thùng/ngày ở thời điểm đó.

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sau đại dịch Covid-19 hồi phục mạnh mẽ hơn nhiều so với mong đợi của đa số mọi người, trong khi nguồn cung trên toàn cầu bị gián đoạn bởi nhiều lý do, gần đây nhất là do những cơn bão lớn ở Vịnh Mexico của Mỹ và do các nhà sản xuất không chú trọng đầu tư cho khai thác dầu mỏ trong suốt thời gian dài vừa qua.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô trung bình hàng ngày ở nước này hiện thấp hơn 6,7% so với một năm trước, trong khi kho dự trữ dầu thô thương mại, không bao gồm Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của chính phủ, thấp hơn 15%.

Theo nhà phân tích Varga, giá dầu trên 80 USD/thùng hiện nay khiến một số người "cảm thấy khó chịu" vì giá có vẻ cao một cách vô lý. Tuy nhiên, theo ông thì sự khó chịu này sẽ chỉ kéo dài đến khi có đợt gió lạnh đầu tiên ở Bắc Bán cầu, khi nhu cầu sẽ tăng mạnh và kích hoạt những đợt mua mạnh tiếp theo.

Trên thực tế, giá dầu tăng cao không chỉ do cung – cầu dầu. Các nền kinh tế bắt đầu sôi động trở lại sau giai đoạn dài "ngủ đông" ở thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19. Giá khí tự nhiên cũng tăng mạnh vì lý do tương tự, trong khi dự trữ khí ở Mỹ và Châu Âu đều thấp. Giá than và khí cùng lúc tăng cao, cùng với nỗ lực cắt giảm sử dụng điện do thiếu điện ở Trung Quốc đã khiến thị trường dầu mỏ bị "vạ lây".

Tình trạng thiếu điện cũng góp phần làm cho giá dầu tăng cao. Một số nhà máy điện chạy bằng khí đốt trên thế giới có thể chuyển sang sử dụng dầu nguyên liệu. Mặc dù còn quá sớm để nói rằng liệu có nơi nào làm như vậy với số lượng lớn hay không, nhưng các thị trường đều có mối quan hệ chặt chẽ với dầu thô.

Saudi Arabian Oil Co. dự báo rằng sự chuyển đổi tạm thời từ khí đốt tự nhiên sang dầu trong một số lĩnh vực sản xuất điện có thể làm nhu cầu tăng thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày.

Với những cơ sở trên, nhà phân tích Varga cho rằng trong ngắn hạn, giá dầu "vẫn còn nhiều dư địa tăng".

Đích tiếp theo sẽ là 100 USD?

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đây đã kêu gọi OPEC và các đồng minh tăng sản lượng dầu để giải quyết tình trạng giá xăng dầu đang tăng vọt. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng lạm phát gia tăng có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid1-19.

Ấn Độ, một nước tiêu thụ dầu lớn khác, cũng đã hối thúc OPEC xem xét bổ sung thêm nguồn cung để đảm bảo giá cả phù hợp với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Kieran Clancy, nhà kinh tế hàng hóa thuộc Capital Economics, thừa nhận áp lực ngày càng lớn lên OPEC + để nhanh chóng khôi phục cung cấp dầu trở lại mức bình thường.

"Chúng tôi cho rằng việc họ từ chối làm như vậy có nghĩa là thị trường sẽ tiếp tục thiếu hụt trong quý 4, điều này cho thấy giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất là trong thời gian còn lại của năm nay", Clancy cho hay.

Theo nhà kinh tế này, có lẽ câu hỏi quan trọng nhất lúc này "là liệu OPEC + có thể đạt được những mục tiêu đặt ra hay không?"

"OPEC đã thực hiện chưa đến một nửa mức tăng sản lượng theo kế hoạch vào tháng 8 (dữ liệu mới nhất hiện có), phần lớn là do sự gián đoạn hoạt động khai thác ở Angola và Nigeria. Và nếu sản lượng tiếp tục không đạt so với mục tiêu của nhóm, giá dầu cũng có thể vẫn ở mức cao trong năm tới. "

Một nguồn tin dẫn lời một quan chức của Saudi Arabia cho hay: "Vương quốc này cảm thấy thoải mái với mức giá hiện tại và cảm thấy rằng giá như hiện nay sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu về dầu mỏ"

Trong khi đó, các thành viên khác của OPEC chỉ đơn giản là không thể thúc đẩy mạnh sản lượng. Angola, Algeria và Nigeria đang bơm cạn kiệt và phải chật vật với tình trạng thiếu đầu tư vào các mỏ dầu của họ trong nhiều năm. Họ không có tiền để nhanh chóng bổ sung thêm năng lực sản xuất. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt đã ngăn cản sản lượng từ Iran và Venezuela.

Thị trường dầu mỏ chao đảo sau khi OPEC+ từ chối nâng mạnh sản lượng, ảnh hưởng sẽ còn kéo dài - Ảnh 2.

Giếng dầu Nahr Bin Umar, miền bắc Basra, Iraq.

Mới đây, Bank of America (BoA) cũng cảnh báo căng thẳng cung cầu trên thị trường năng lượng toàn cầu có thể sớm đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng và kéo theo đó là một cuộc khủng hoảng kinh tế khác.

Theo BoA, việc giá khí đốt tăng cao sẽ tạo ra xu hướng dịch chuyển tiêu thụ từ khí đốt sang dầu mỏ, làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu và đẩy giá dầu leo thang. Nhu cầu năng lượng được dự báo tăng mạnh, do mùa đông năm nay lạnh hơn thường lệ. Mở cửa dịch vụ hàng không quốc tế cũng là một nhân tố làm tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Do đó, giá dầu nhiều khả năng sẽ cán mốc 100 USD/thùng ngay đầu mùa đông năm nay do giá khí đốt tăng lên mức kỷ lục khi thời tiết giá lạnh đang tới gần. Viễn cảnh này cùng với sức ép lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kế tiếp sau diễn biến tồi tệ liên quan đến đại dịch COVID-19.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng điều chỉnh tăng mức dự báo về giá dầu, nhưng ở mức khiêm tốn hơn BoA. Theo đó, dự đoán giá dầu Brent cuối năm nay sẽ tăng lên 90 USD/thùng, tăng so với con số 80 USD đưa ra trước đây, với lý do nhu cầu toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự đoán.

Các nhà phân tích năng lượng thuộc công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho biết: "Các thành viên OPEC dường như không xem giá tăng là một vấn đề quan trọng hiện nay". "Tuy nhiên, nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia đã bắt đầu cắt giảm giá bán chính thức cho các khách hàng chủ chốt của mình, có khả năng giảm bớt lo ngại về việc giá dầu Brent tương lai leo lên trên 80 USD/thùng hoặc cao hơn thế nữa".

Về phía nhu cầu, các nhà phân tích năng lượng thuộc Eurasia Group cho biết lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc tăng chậm lại, sự sụp đổ của tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande, áp lực lạm phát gia tăng và sự gián đoạn trong nhiều lĩnh vực do Covid-19 trên toàn thế giới đều có thể làm suy yếu tăng mức trưởng nhu cầu dầu trong 12 tháng tới.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, một mùa đông lạnh giá tái diễn ở khắp Bắc bán cầu cũng có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng nghiêm trọng ở nhiều trung tâm công nghiệp hàng đầu.

Tập đoàn Eurasia cho rằng giá dầu thô Brent sẽ ở mức 75 USD/thùng vào cuối năm, và sẽ giảm xuống 67 USD trong năm tới.

Tham khảo: Cnbc, Wsj

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên